Chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024 - Bài 3: Đại hội III - Đại hội của đoàn kết và đổi mới

Nguyễn Túc 13/09/2019 08:00

Trải qua mỗi kỳ Đại hội, với những chiến lược, nhiệm vụ và đổi mới trong hoạt động, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thể hiện sự lớn mạnh và phát huy tốt vai trò là cầu nối khơi gợi và quy tụ dân tộc thành một khối thống nhất. Trong bối cảnh ấy, Đại hội III diễn ra với quyết tâm tăng cường và đổi mới công tác Mặt trận, đưa công tác Mặt trận lên ngang tầm nhiệm vụ chính trị, đáp ứng đòi hỏi cấp bách của quần chúng và xu thế của thời đại.

Chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024 - Bài 3: Đại hội III -  Đại hội của đoàn kết và đổi mới

Quang cảnh Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ 3.

Đại hội lần thứ III Mặt trận Tổ quốc Việt Nam diễn ra từ ngày 2 đến ngày 4/11/1988 tại Thủ đô Hà Nội. Tham dự Đại hội có 586 đại biểu chính thức, 120 khách mời và 14 đoàn đại biểu các tổ chức, phong trào Mặt trận các nước xã hội chủ nghĩa và bạn bè quốc tế.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười đến dự và phát biểu ý kiến với Đại hội. Tham dự Đại hội còn có các vị cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam: Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ.

Trong Diễn văn khai mạc Đại hội, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam (Khóa II) nêu rõ: Đại hội lần này của chúng ta là Đại hội tăng cường và đổi mới công tác Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đưa công tác Mặt trận và tổ chức Mặt trận lên ngang tầm nhiệm vụ chính trị. Đây là đòi hỏi cấp bách của quần chúng đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đây cũng là trách nhiệm phải tự đổi mới của Mặt trận. Đây cũng là xu thế của thời đại.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã có bài phát biểu quan trọng với chủ đề: “Mặt trận Tổ quốc hãy cùng với Đảng và Nhà nước đồng tâm hiệp lực trong cùng một đội ngũ cách mạng kiên cường”. Sau khi phân tích những thuận lợi cùng những khó khăn mới, đồng chí Tổng Bí thư nêu rõ: “Đổi mới là một quá trình, phải có những bước đi và cách làm phù hợp, không thể nôn nóng, vội vã”… Đổi mới không phải là con đường tráng nhựa bằng phẳng cho ta tiến nhanh lên được, mà là con đường gập ghềnh, quanh co, phải vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại, nhiều khi phải tìm tòi, mò mẫm mà đi. Điều quan trọng là mọi người chúng ta phải giữ được bản chất cách mạng, vững tin ở những mục tiêu và phương hướng hành động mà Nghị quyết Đại hội VI của Đảng đã đề ra. Điều cũng hết sức quan trọng là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không đứng ngoài cuộc, mà hãy cùng với Đảng và Nhà nước đồng tâm hiệp lực cùng một đội ngũ cách mạng kiên cường, khắc phục khó khăn, phấn đấu ổn định tình hình kinh tế - xã hội bằng những hành động cách mạng cụ thể, nói đi đôi với làm”.

Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhấn mạnh: “Trong cơ chế Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý, muốn đổi mới hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thì trước hết, Đảng phải đổi mới sự lãnh đạo của mình đối với công tác Mặt trận. Phải coi sự đổi mới công tác lãnh đạo của Đảng là điểm mấu chốt để triển khai sự đổi mới của hệ thống Mặt trận”.

Phát biểu trước Đại hội, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười khẳng định: “Trong điều kiện nhân dân ta làm chủ đất nước thông qua Nhà nước của mình, dưới sự lãnh đạo của Đảng, vai trò của Mặt trận đoàn kết toàn dân, chỗ dựa vững chắc của Nhà nước, càng trở nên quan trọng”.

Ông Đỗ Mười cũng cam kết sẽ bàn bạc với Đoàn Chủ tịch và Ban Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam để sớm có một văn bản thỏa thuận về quy chế hợp tác phối hợp giữa các cấp chính quyền và Mặt trận nhằm giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ và cùng chung vai gánh vác đưa đất nước ta vượt qua khó khăn để vững bước tiến lên.

Bản báo cáo của UBTƯ MTTQ Việt Nam (khóa II) đánh giá: Năm năm qua đã có một số chuyển biến tích cực trong việc thực hiện Chương trình hành động của Đại hội lần thứ II Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Mặt trận đã có những hoạt động thiết thực, chú ý nhiều đến công tác Mặt trận cơ sở, trên địa bàn dân cư. Mặt trận Tổ quốc đã làm nòng cốt hoặc tích cực tham gia phát động một số phong trào quần chúng trên quy mô cả nước, có ý nghĩa quan trọng…Kết quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc tuy chưa nhiều, chưa đều khắp, nhưng là những tiến bộ có ý nghĩa, là điều kiện thuận lợi để vươn lên đáp ứng yêu cầu đổi mới hiện nay.

Đại hội đã đưa ra 3 định hướng nhằm tăng cường và đổi mới công tác Mặt trận và yêu cầu các cấp Mặt trận, các tổ chức thành viên quán triệt 4 quan điểm, trong đó nêu bật lợi ích cơ bản của nhân dân, của dân tộc ta ngày nay là độc lập, tự do và cuộc sống ấm no, hạnh phúc trong chủ nghĩa xã hội. Lợi ích đó thể hiện cụ thể hàng ngày trong mọi mặt của cuộc sống. Việc củng cố, tăng cường đoàn kết không thể chung chung, mà phải gắn chặt với việc đảm bảo thực hiện các lợi ích đó.

Một trong những động lực thúc đẩy nhân dân tăng cường đoàn kết trong tình hình hiện nay là quyền làm chủ đất nước. Nhân dân thực sự được làm chủ mới tăng cường đoàn kết và tích cực hành động cách mạng.

Cùng với đó, thắt chặt mối liên hệ giữa Đảng, Nhà nước với các giai cấp, các tầng lớp nhân dân không chỉ là công việc và trách nhiệm của Đảng và Nhà nước, mà còn là công việc và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải ra sức đóng góp làm cho mối liên hệ giữa Đảng, Nhà nước và quần chúng luôn luôn bền chặt, thông suốt hai chiều, ý Đảng lòng dân là một.

Trong giai đoạn mới, các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tác động trực tiếp và quyết định đến kết quả xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Do đó, trong hoạt động của mình, Mặt trận Tổ quốc không chỉ tuyên truyền, vận động, thực hiện, mà phải chú trọng tổ chức, hướng dẫn nhân dân tham gia xây dựng và giám sát thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật.

Căn cứ vào 3 định hướng và 4 quan điểm nêu trên, Đại hội đã thông qua Chương trình hành động 6 điểm cho nhiệm kỳ (1988 - 1993). Đại hội đã cử ra Ủy ban Trung ương gồm 212 vị, Đoàn Chủ tịch 30 vị và Ban Thư ký gồm 6 vị. Chủ tịch Hoàng Quốc Việt được suy tôn làm Chủ tịch danh dự, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được cử làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch. Hai Phó Chủ tịch gồm: Luật sư Phan Anh và Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Phạm Văn Kiết. Các vị Ủy viên thư ký gồm: Hồ Anh Dũng, Mai Khang, Nguyễn Tiến Thụ, Hoàng Thái, Nguyễn Túc.

Trong Diễn văn bế mạc, Chủ tịch, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, nhấn mạnh: “Đại hội hôm nay là điều kiện quan trọng và là sức mạnh để củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, là tiền đề cần thiết tạo nên sự thống nhất cao trong hành động ngày mai... Đại hội chúng ta đã thành công tốt đẹp. Nhân dân đòi hỏi chúng ta đồng tâm, hiệp lực, thống nhất hành động để biến những thành công trong Đại hội thành hiện thực trong cuộc sống”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024 - Bài 3: Đại hội III - Đại hội của đoàn kết và đổi mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO