Đại hội của sự đổi mới

Nguyễn Phượng (thực hiện) 21/07/2019 08:00

Đổi mới lề lối làm việc, đưa các hoạt động hướng về địa bàn dân cư, trẻ hóa cán bộ Mặt trận… chính là nội dung xuyên suốt được hệ thống MTTQ các cấp trên địa bàn Thủ đô triển khai bài bản từ nhiều năm nay.

Việc làm trên đã tạo tiền đề cho hoạt động MTTQ nhiệm kỳ 2019-2024 hiệu quả hơn, bắt kịp sự phát triển của xã hội, nhất là trong thời đại công nghệ 4.0, để Hà Nội xứng đáng với sự tin yêu của cả nước. Bà Nguyễn Lan Hương - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội trao đổi với PV Đại Đoàn Kết.

Đại hội của sự đổi mới

Bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tặng quà gia đình chính sách trên địa bàn thành phố.

PV: Đại hội MTTQ thành phố Hà Nội là sự kiện chính trị quan trọng, theo bà, người dân và cán bộ Mặt trận trên toàn thành phố đón nhận và kỳ vọng gì vào sự kiện này?

Bà Nguyễn Lan Hương: Không chỉ Đại hội cấp thành phố, mà ngay cả Đại hội cấp cơ sở cũng được nhân dân kỳ vọng và đặt nhiều mong đợi. Người dân vẫn coi MTTQ là chỗ để gửi gắm tâm tư, nguyện vọng, dám nói lên tiếng nói khách quan. Cùng với sự đổi mới về không khí dân chủ của xã hội mà không khí dân chủ này từ trong Đảng lan tỏa ra, nhân dân cũng nhìn thấy Mặt trận là hình ảnh của việc tăng cường dân chủ mà người dân được tham gia trực tiếp, cho nên bà con nhân dân đã gửi trọn niềm tin vào Mặt trận. Đơn cử như khi tổ chức góp ý vào văn kiện Đại hội MTTQ thành phố nhiệm kỳ 2019–2024, Mặt trận đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân về việc này. Những lá thư viết tay góp ý về Đại hội được gửi về trụ sở MTTQ thành phố bằng nhiều đường khác nhau. Có những lá thư của cán bộ nguyên là lãnh đạo nhưng đã nghỉ chế độ. Có những lá thư của doanh nhân, thanh niên hay của các bác nông dân… Nội dung bức thư không đề cập đến những vấn đề tiêu cực mà họ góp ý bằng tâm huyết, bằng sự quan tâm chân thành của chính mình.

Bà con nhân dân cũng quan tâm đến việc thay đổi cán bộ Mặt trận. Đây rõ ràng là sự thay đổi trong tư duy phân công mà thôi. Tất nhiên ở cấp thành phố cũng là sự liên tục, nhưng với cấp phường, xã, thị trấn thì đây là sự thay đổi, từ chỗ là người lớn tuổi, người uy tín trong cộng đồng làm Mặt trận thì đến bây giờ các bác sẵn sàng làm Phó, hỗ trợ các bạn trẻ làm Chủ tịch Mặt trận. Điều này cho thấy: Nếu những người thật sự tâm huyết, những người thật sự có trách nhiệm và tình yêu với địa phương thì vấn đề trưởng hay phó không còn quan trọng. Hiện nay mức bồi dưỡng cho các bác lại vô cùng ít ỏi, mức bồi dưỡng này chỉ mang giá trị tinh thần là chính, sự đóng góp và cống hiến của các bác lớn tuổi mới đáng trân trọng! Một điều đáng mừng nữa là từ nhiều năm nay MTTQ Hà Nội cũng đã tập hợp được nhiều chuyên gia giỏi, nhà khoa học, những người tâm huyết, có trách nhiệm tham gia vào Hội đồng tư vấn và Ủy viên Ủy ban, cho nên phong trào vẫn luôn luôn đi lên, không có khoảng trống giống như nhiều nơi đã làm.

Trong nhiệm kỳ Đại hội, công tác nhân sự bao giờ cũng là khâu quan trọng nhất. Để nhiệm vụ của Mặt trận đi vào chiều sâu thì Mặt trận Hà Nội cần phải đổi mới công tác cán bộ như thế nào để đáp ứng yêu cầu công việc, nhất là khi nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội ngày càng nặng nề hơn, thưa bà?

- Theo tôi, để làm được điều này, thứ nhất là MTTQ phải tập hợp được những người giỏi tham gia vào hệ thống của mình. Những người được giao giám sát, phản biện cũng phải tự mình nâng cao năng lực, trình độ để đáp ứng được yêu cầu công việc. Thứ hai, ngay cả khi kiện toàn cán bộ, bao giờ MTTQ cũng đề nghị cấp ủy xác định cho Mặt trận nhiệm vụ giám sát và phản biện là mũi nhọn, lĩnh vực then chốt để khẳng định vai trò của Mặt trận trong xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Từ nhiều năm nay lãnh đạo MTTQ cũng công tác nhiều năm bên chính quyền, từng làm ở các phòng, ban, ngành của Ủy ban; làm Phó Chủ tịch HĐND, tức là nắm rất sâu về công tác giám sát, phản biện và sau đó mới luân chuyển về làm MTTQ. Do đó, cán bộ Mặt trận nhìn chung đều là những người có năng lực, trình độ, hiểu biết xã hội để có thể đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của Mặt trận trong tình hình mới.

Giám sát và phản biện xã hội được xem là nhiệm vụ trọng tâm của công tác Mặt trận. Tuy nhiên, chúng ta mới chỉ dừng lại ở việc phản biện các Dự thảo trước khi được ban hành, còn chất lượng phản biện thì sao, thưa bà?

- Tôi cho rằng, chất lượng phản biện cũng đã được tăng dần theo từng cấp. Người có đủ trình độ, kỹ năng, uy tín để khảo sát thực tiễn và phản biện dự thảo Nghị quyết thì rõ ràng cấp thành phố thuận lợi hơn. Phạm vi và đối tượng tham gia các HĐTV cũng rộng lớn, phong phú hơn, trong đó quản lý có, lãnh đạo có, doanh nghiệp có, doanh nhân có, các lĩnh vực xã hội kỹ thuật đầy đủ… Quy trình làm việc cũng rất tốt từ đi khảo sát thực tế cho đến tổ chức tọa đàm tại cơ sở, gặp gỡ với cấp ủy chính quyền và đại diện nhân dân vùng bị ảnh hưởng của dự thảo Nghị quyết, xong mới tổ chức hội nghị phản biện. Tuy nhiên, đối với cấp huyện và cấp xã, chất lượng phản biện đã giảm đi một phần. Các nhà khoa học, những người có uy tín ở các lĩnh vực tham gia Ban Tư vấn cấp quận, huyện ít hơn; vai trò tập hợp của cán bộ MTTQ cấp cơ sở đối với những người giỏi, người tài trên địa bàn cũng chưa phát huy hết nên vẫn còn khoảng cách nào đó.

Đại hội Mặt trận bao giờ cũng xác định và đặt ra nhiệm vụ hoạt động cho cả một nhiệm kỳ. Vậy điểm mới của Đại hội lần này so với nhiệm kỳ trước là gì, thưa bà?

- Điểm mới thể hiện ngay ở phần chủ đề của Đại hội đó là “Dân chủ - Đoàn kết - Đổi mới - Hiệu quả”, tăng cường dân chủ ở cơ sở, đoàn kết, tạo sự đồng thuận trong nhân dân và coi đổi mới là yêu cầu bắt buộc của công tác Mặt trận trên các lĩnh vực, hướng tới hiệu quả, thực chất. Tại cấp Thành phố, thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TƯ cũng như những yêu cầu đổi mới về công tác cán bộ, UB MTTQ thành phố xác định việc trẻ hóa đội ngũ, các chuyên gia, cơ cấu các lĩnh vực, ngành nghề phong phú hơn. Dù số lượng Ủy viên có giảm so với nhiệm kỳ trước nhưng độ tuổi trẻ hơn, đồng thời bảo đảm cơ cấu về nữ, về tỷ lệ người ngoài Đảng, tỷ lệ người dân tộc, đặc biệt mời đầy đủ các chức sắc tôn giáo trên địa bàn tham gia Ủy viên Ủy ban.

Với Hà Nội hay bất cứ tỉnh nào cũng vậy, công tác Mặt trận không bao giờ được xa rời cơ sở. Đây mới là chỗ mà chúng ta tiếp cận với nhân dân, nắm nhân dân, tập hợp ý kiến nhân dân, cho nên việc hướng về cơ sở luôn luôn là nhiệm vụ số một, nằm trong mục tiêu hành động của các cấp Mặt trận trên địa bàn Thủ đô. Dù đổi mới thế nào, MTTQ thành phố vẫn đặt ra mục tiêu, đó là gần dân và hướng về cơ sở. Trong nhiệm kỳ mới, Mặt trận xác định và cam kết với lãnh đạo thành phố sẽ đẩy mạnh tuyên truyền để cải thiện chỉ số PAPI, để người dân hài lòng hơn về nền cải cách hành chính Thủ đô. Đó là yêu cầu lớn để hệ thống MTTQ theo kịp nhịp độ phát triển của thành phố.

Theo bà kết quả nổi bật nhất trong nhiệm kỳ vừa qua của MTTQ thành phố là gì?

- Có lẽ hoạt động nổi bật nhất của MTTQ thành phố mà MTTQ các cấp cũng như các tỉnh, thành khác có thể tham khảo được, đó chính là giám sát và phản biện xã hội. Từ quy trình cho đến tổ chức thực hiện đều đạt chất lượng.

Về tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, trước đây MTTQ gần như chỉ là phối hợp, nhưng đến thời điểm này với sự chỉ đạo từ trên xuống và sự chỉ đạo của Thành phố, công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư ở MTTQ đã trở thành địa chỉ tin cậy. Phòng tiếp công dân của MTTQ giờ đã bố trí thêm trụ sở mới, khang trang ở 55 phố Hàng Bài để nhân dân có thể gửi gắm tâm tư của mình. Đơn thư của bà con gửi đến được MTTQ xử lý nghiêm túc. Việc chuyển đơn kiến nghị và giải quyết đơn thư cũng được MTTQ theo dõi, đôn đốc thường xuyên và có trách nhiệm. Hiện nay, với những vấn đề liên quan đến doanh nghiệp và người lao động, về bảo hiểm, về nguyện vọng của giáo viên được xét tuyển… MTTQ cũng đã có tiếng nói để bảo vệ họ.

Trong nhiệm kỳ mới này, những người làm công tác Mặt trận cũng mong muốn tiếp tục nhận được tin tưởng của cấp ủy, chính quyền đối với hệ thống MTTQ. Khi MTTQ cung cấp thông tin hoặc ý kiến cử tri thì có một sự tin tưởng, coi trọng thật sự và có trách nhiệm đối với công tác phối hợp để giải quyết những vấn đề nhân dân bức xúc.

Trân trọng cảm ơn bà!

* Với Hà Nội hay bất cứ tỉnh nào cũng vậy, công tác Mặt trận không bao giờ được xa rời cơ sở. Đây mới là chỗ mà chúng ta tiếp cận với nhân dân, nắm nhân dân, tập hợp ý kiến nhân dân, cho nên việc hướng về cơ sở luôn luôn là nhiệm vụ số một, nằm trong mục tiêu hành động của các cấp Mặt trận trên địa bàn Thủ đô. Dù đổi mới thế nào, MTTQ thành phố vẫn đặt ra mục tiêu, đó là gần dân và hướng về cơ sở. Trong nhiệm kỳ mới, Mặt trận xác định và cam kết với lãnh đạo thành phố sẽ đẩy mạnh tuyên truyền để cải thiện chỉ số PAPI, để người dân hài lòng hơn về nền cải cách hành chính Thủ đô. Đó là yêu cầu lớn để hệ thống MTTQ theo kịp nhịp độ phát triển của thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đại hội của sự đổi mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO