Ngày 18/9, Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024 bắt đầu phiên họp ngày thứ nhất tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội). Đại Đoàn Kết Online đã ghi nhận một số ý kiến tâm huyết về công tác Mặt trận của các đại biểu bên lề Đại hội.
Ông Đỗ Duy Thường
Ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Dân chủ Pháp Luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam:Muốn hoạt động hiệu quả, Mặt trận phải dựa vào dân
Tôi thấy rất phấn khởi, vì đã được dự liên tục từ đại hội lần thứ III đến nay. Lần này, trong không khí phấn khởi trước tình hình đất nước phát triển, đời sống nhân dân ổn định, hệ thống của MTTQ Việt Nam từ địa phương đã hoàn thành Đại hội của mình. Nghị quyết của các địa phương đều đặt ra những hành động rất thiết thực, rất hiệu quả với tinh thần hướng về Đại hội.
Tôi kỳ vọng vào Đại hội lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024 với những vấn đề như đánh giá được tình hình khối đại đoàn kết trong những năm qua một cách đầy đủ, trên cơ sở đó đưa vào chương trình hành động sắp tới. Để từ đó tập hợp, đoàn kết được tất cả các tầng lớp nhân dân, các giai cấp, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài hưởng ứng chương trình hành động của MTTQ Việt Nam.
Một vấn đề quan trọng nữa là Mặt trận phải làm tốt hơn việc tập hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân, vì Mặt trân là đại diện cho nhân dân nên phải tập hợp tất cả các giai tầng, các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài,…
Bên cạnh đó, MTTQ muốn hoạt động hiệu quả, phải dựa vào nhân dân. Đặc biệt, trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, Mặt trận phải dựa vào dân là vô cùng quan trọng, bởi nhân dân là chủ thể của đất nước mình. Mặt trận phải nêu rõ vai trò giám sát, phản biện của mặt trận.
Mặt trận phải thể hiện dũng khí của mình trong việc phản biện các vấn đề xã hội, để làm sao khi đến đâu cũng được nhân dân “chào ông phản biện”. Muốn thế phải có mô hình phản biện hiệu quả. Giám sát cũng cần được đề cao và cần chọn những vấn đề giám sát trọng tâm, được nhân dân quan tâm, giám sát đến nơi đến chốn. Yêu cầu lớn nhất là Mặt trận phải đổi mới phương thức hoạt động làm sao để ngày càng gần dân hơn, hiệu quả hơn.
Ông Nguyễn Đức Điền.
Ông Nguyễn Đức Điền, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển doanh nghiệp BDC, TP Hồ Chí Minh:Thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện
Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam khóa IX đã lan tỏa đến từng khu dân cư và các tỉnh, thành trên cả nước. Tôi nghĩ rằng các tầng lớp nhân dân, giới trí thức, các giai tầng xã hội đều mong muốn qua Đại hội này, Mặt trận sẽ tiếp tục là tổ chức đại diện cho khối đại đoàn kết của toàn dân, làm tốt vai trò giám sát phản biện, chăm lo tốt hơn đời sống nhân dân.
Trong nhiệm kỳ Đại hội lần này, các đại biểu đều kỳ vọng Đại hội tiếp tục đổi mới và có cơ chế tốt hơn để Mặt trận phát huy vai trò giám sát phản biện. Cơ chế đó phải được Đảng, Nhà nước tạo điều kiện thì Mặt trận mới có thể làm tốt. Ví dụ như muốn Mặt trận tổ chức giám sát, phản biện tốt thì phải cung cấp thông tin đầy đủ, tạo điều kiện tối đa để Mặt trận thực hiện tốt chức năng của mình.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng phải lắng nghe, có văn bản trả lời khi Mặt trận yêu cầu. Việc này cần được thực hiện thực chất hơn, thường xuyên hơn.
Đối với hoạt động giám sát phản biện xã hội, từ thành phố đến cơ sở, một số nơi đã làm việc này rất tốt nhưng một số nơi lại chưa thực hiện tốt. Từ chuyện thông tin không được cung cấp đầy đủ cho đến đội ngũ cán bộ Mặt trận phải sâu sát hơn với cơ sở.
Về phía chính quyền, các sở, ban, ngành cũng phải cung cấp thông tin, khảo sát trước khi làm.
Về phía cán bộ Mặt trận cũng như các thành viên Ủy ban MTTQ cũng phải dành thời gian, công sức của mình đi cơ sở để nắm bắt thông tin, “nói có sách mách có chứng”, từ đó tiếng nói mới có trọng lượng, góp ý cho người dân được chính xác.
Ông Phan Kế Đạt.
Ông Phan Kế Đạt, kiều bào Đan Mạch: Kết nối Mặt trận với kiều bào, góp sức xây dựng đất nước
Đây là lần thứ hai tôi tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam. Lần này, Đại hội đã có những sự đột phá về quy mô cũng như chất lượng. Khi tham dự Đại hội MTTQ tôi cũng như bà con kiều bào ở Đan Mạch nói riêng; cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung đều một lòng hướng về đất nước. Hy vọng rằng sau Đại hội MTTQ Việt Nam sẽ có thêm nhiều chính sách để thu hút người Việt Nam ở nước ngoài góp sức xây dựng quê hương.
Với vai trò là tổ chức đại diện cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài cần được Mặt trận tiếp tục đẩy mạnh; tăng cường, phát huy vai trò, thế mạnh của mỗi Ủy viên Ủy ban là kiều bào ở nước ngoài trong từng chương trình hành động của Mặt trận và coi đó là việc làm cần thiết để kết nối Mặt trận với kiều bào.
Bên cạnh đó, Mặt trận cũng nên huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia HĐTV, Đoàn Chủ tịch để những ý kiến của kiều bào được chia sẻ, đóng góp nhiều hơn. Mong rằng, Đại hội MTTQ Việt Nam sắp tới sẽ tập trung được sức mạnh, tinh hoa của khối đại đoàn kết dân tộc cũng như nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam.
Bà Lý Thị Lân.
Bà Lý Thị Lân, Trưởng thôn Yên Sơn, xã Ba Vì, huyện Ba Vì, Hà Nội: Cán bộ cơ sở phải gần dân, sát dân
Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cán bộ Mặt trận cơ sở đã có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ Mặt trận cấp trên để truyền tải những chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với bà con nhân dân. Đặc biệt, cán bộ Mặt trận phải gần dân, sát dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, lấy mục tiêu phát triển kinh tế địa phương làm phương châm hoạt động.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình tại cơ sở, cán bộ cơ sở phải có sự phối hợp nhuần nhuyễn, phải “chia lửa” khi cần thiết. Đặc biệt, cán bộ Mặt trận cơ sở phải biết bà con nhân dân đang cần gì, mong muốn gì để tìm ra tiếng nói chung. Qua Đại hội toàn quốc MTTQ Việt Nam, mong rằng Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm hơn nữa đến bà con vùng sâu vùng xa, làm sao để bà con phát triển tốt nhất về mọi mặt, về kinh tế xã hội.