Niềm tin nhiệm kỳ mới

Anh Vũ-Nhã Phương (ghi)Ảnh: Quang Vinh 17/09/2019 22:00

Những năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã để lại những dấu ấn đặc biệt trong hoạt động của mình. Trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, các vị trong Hội đồng Tư vấn (HĐTV) UBTƯ MTTQ Việt Nam đã chia sẻ với Đại Đoàn Kết về niềm tin và những kỳ vọng vào hoạt động của Mặt trận trong nhiệm kỳ mới.

Niềm tin nhiệm kỳ mới

Ông Nguyễn Túc.

ÔNG NGUYỄN TÚC - CHỦ NHIỆM HĐTV VỀ VĂN HÓA - XÃ HỘI:

Tạo bước đột phá về giám sát và phản biện

Có thể nói đây là khóa có sự thay đổi lớn nhất về cán bộ chủ chốt của Mặt trận Trung ương trong suốt 8 nhiệm kỳ vừa qua. Song rất mừng là các vị mới về “nhập cuộc” nhanh; có một Đoàn Chủ tịch mạnh; các HĐTV mạnh và một đội ngũ chuyên viên chuyên sâu nên không ảnh hưởng nhiều đến việc điều hành các hoạt động của Mặt trận.

Mặt trận đã có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động; đã động viên, hỗ trợ các tầng lớp nhân dân hưởng ứng thực hiện chương trình hành động mà Đại hội VIII đã đề ra, góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tôi hy vọng với tinh thần “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới và phát triển”, nhiệm kỳ 2019-2024 sẽ là nhiệm kỳ có bước đột phá về giám sát và phản biện để cùng với Đảng, Nhà nước lo cho dân thực hiện theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Nhiệm kỳ 2019-2024, công tác giám sát và phản biện xã hội đã trở thành hoạt động thường xuyên của phần lớn Ủy ban Mặt trận các địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội. Qua giám sát và phản biện xã hội, Mặt trận đã kiến nghị với Đảng và Nhà nước những vấn đề bất hợp lý trong chính sách, những vấn đề bức xúc trong dân, những chỗ vênh giữa chủ trương với thực tế cuộc sống… và được Đảng, Nhà nước tiếp tục sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung.

Để hoạt động giám sát, phản biện đúng, trúng và hiệu quả cao và trở thành công việc thường xuyên của Mặt trận cần có sự đổi mới mạnh mẽ hơn nữa trong cách tổ chức hoạt động. Trong đó, cơ quan cần phản biện cần phải chuyển sớm những dự thảo chủ trương, chính sách, nghị định cần phản biện cho Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, chậm nhất là 3 tuần trước thời gian HĐTV tổ chức phản biện, kèm theo những tài liệu hiện có liên quan đến nội dung phản biện.

Với Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam cần tổ chức cho các HĐTV đi khảo sát ở một số địa phương có liên quan đến vấn đề phản biện. Để thu hút hơn nữa chất xám của đội ngũ chuyên gia hoạt động trong các HĐTV, cần giải quyết những vấn đề cụ thể như: kinh phí đi lại, chế độ họp hành, quy chế đi khảo sát… Nhiều vị trong HĐTV của Ủy ban tuy tuổi cao, đã nghỉ hưu nhưng vẫn chưa nghỉ việc, vẫn đi dạy hoặc làm việc cho các cơ quan, xí nghiệp hoặc chủ trì cho những đề tài khoa học. Vì vậy, cần tổ chức cách làm việc khoa học để mỗi thành viên trong Hội đồng đều có thể tham gia, tránh tình trạng “nước đến chân mới nhảy” như đã từng xảy ra.

Niềm tin nhiệm kỳ mới - 1

Ông Đỗ Quang Hưng.

ÔNG ĐỖ QUANG HƯNG - CHỦ NHIỆM HĐTV VỀ TÔN GIÁO:

Sinh lực mới trong việc đoàn kết nhân dân

Bước vào nhiệm kỳ IX, một yêu cầu đặt ra với công tác Mặt trận đó là phải thực sự tạo ra sinh lực mới trong việc đoàn kết, tập hợp các tầng lớp nhân dân. Với chức năng thiên bẩm của mình, Mặt trận phải là mái nhà tập hợp được đông đảo các lực lượng xã hội để hướng tới những nhiệm vụ cụ thể trong từng giai đoạn.

Bên cạnh việc phát huy những giá trị cốt lõi là chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dân tộc thì nhiệm vụ vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc của Mặt trận phải có một tư duy chính trị mới. Trong giai đoạn hiện nay, việc tập hợp, đoàn kết các giai tầng, các lực lượng xã hội cùng với việc dựa vào những lực lượng, giai cấp lớn, Mặt trận cần quan tâm để không thể bỏ qua bất kỳ một nhóm nhỏ nào trong xã hội.

Như vấn đề dân tộc thiểu số. Đây là một vấn đề lớn, nhưng bây giờ nó không chỉ là vấn đề của những tộc người trên 1 triệu người, mà lại còn là vấn đề của những nhóm dân tộc chỉ còn từ 1 đến 2 nghìn người.

Trong tôn giáo cũng vậy, nếu trước đây chúng ta chỉ quan tâm những tôn giáo chính như Công giáo, Phật giáo, Tin Lành, Hồi giáo, Cao Đài, Hòa Hảo. Nhưng bây giờ nói về đoàn kết dân tộc như trong Phật giáo, chúng ta không chỉ nói về Phật giáo Bắc Tông mà cần quan tâm đến 1,2 triệu tín đồ Nam Tông Khơ-me, hay thậm chí là Tông phái thứ 3 của Phật giáo Việt Nam là Khất sĩ. Rồi cộng đồng Công giáo với gần 7 triệu người, cũng chính là vấn đề lớn trong chính sách tôn giáo nói chung và trong vấn đề tập hợp lực lượng đại đoàn kết toàn dân tộc nói riêng.

Điều đó đặt ra yêu cầu phải thay đổi trong tư duy về công tác Mặt trận đối với vấn đề dân tộc, tôn giáo. Đối với vấn đề dân tộc, hiện nay không chỉ là bình đẳng nữa mà cần lưu tâm đến bình đẳng cơ hội, và quan trọng hơn là quan hệ dân tộc, thậm chí là quan hệ dân tộc xuyên quốc gia.

Vấn đề vận động các tôn giáo cũng bắt đầu khác vì họ đã và đang có sự chuyển đổi rất nhiều. Những khuynh hướng trong nội bộ Công giáo hiện tại đặt ra cho chính Mặt trận phải hiểu và suy nghĩ về những vấn đề mà một vài thập kỷ trước nó chưa có hoặc chưa đặt ra như vấn đề thế nào là thần học giáo dân; thế nào chiến lược tái truyền giáo; thế nào là chiến lược hội nhập văn hóa của họ...

Chính những điều đó đặt ra cho nhiệm vụ đại đoàn kết toàn dân tộc của Mặt trận trong nhiệm kỳ tới, cần phải được nhìn trên tư duy chính trị mới để từ đó tìm hiểu, nhận thức lại đối tượng vận động sao cho phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Mặt trận phải quan tâm tới việc tìm ra những hình thức mới, phương pháp mới để vận động, tập hợp đoàn kết các lực lượng trong xã hội nhằm đáp ứng yêu cầu luôn luôn phải đổi mới phương thức hoạt động của mình.

Niềm tin nhiệm kỳ mới - 2

Ông Trần Ngọc Đường.

ÔNG TRẦN NGỌC ĐƯỜNG - CHỦ NHIỆM HĐTV VỀ DÂN CHỦ-PHÁP LUẬT:

Chống bệnh hình thức trong giám sát và phản biện

Hiến pháp năm 2013 đã quy định một nhiệm vụ, quyền hạn rất lớn của Mặt trận về giám sát và phản biện. Vì vậy, cần có nhận thức đúng đắn về giám sát, phản biện cho tương xứng với vị trí, vai trò của Mặt trận, phù hợp với tinh thần và nội dung của Hiến pháp 2013 đó là một phương thức giám sát quyền lực xã hội, quyền lực của Nhà nước từ phía nhân dân; một phương thức kiểm soát quyền lực Nhà nước từ phía các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp.

Giám sát và phản biện là vấn đề mới nên từ nhận thức đến tổ chức thực hiện còn lúng túng, chưa chu đáo, chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ của nó. Về phương diện pháp lý, những quy định pháp luật để giám sát và phản biện chưa thật đầy đủ. Ví dụ, khi phản biện một dự án Luật thì trách nhiệm của cơ quan có văn bản đưa ra phản biện dự thảo Luật đó phải có trách nhiệm và sau khi phản biện rồi thì kết quả tiếp thu phải có sự giải trình và trả lời cho Mặt trận để Mặt trận nắm được. Do đó nên tiếp tục hoàn thiện thêm cơ sở pháp lý để tổ chức, thực hiện giám sát và phản biện xã hội tốt hơn.

Nhiệm kỳ mới, Mặt trận phải tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của giám sát và phản biện trong điều kiện một hệ thống chính trị do một Đảng cầm quyền thì vai trò của giám sát và phản biện xã hội rất quan trọng để góp phần kiểm soát quyền lực nhà nước hiệu lực, hiệu quả, phòng chống sự tha hóa. Đây là nhiệm vụ quan trọng để xây dựng một Nhà nước thực sự của dân, do dân và vì dân; một Nhà nước được xây dựng theo định hướng Nhà nước pháp quyền.

Vì vậy phải tiếp tục suy nghĩ để tổ chức thực hiện có chất lượng hơn, hiệu lực hơn, hoạt động giám sát và phản biện xã hội. Nhất là việc làm thế nào để chống bệnh hình thức, làm thì nhiều nhưng hiệu quả, hiệu lực chưa được như mong muốn.

Niềm tin nhiệm kỳ mới - 3

Bà Phạm Thị Trân Châu.

BÀ PHẠM THỊ TRÂN CHÂU - CHỦ NHIỆM HĐTV VỀ KHOA HỌC-GIÁO DỤC VÀ MÔI TRƯỜNG:

Cần những cán bộ thực sự là đại diện cho dân

Nhiệm kỳ vừa qua, Mặt trận đã làm được nhiều việc. Việc đó chủ yếu là nhờ Ban Thường trực, các ban của UBTƯ MTTQ Việt Nam đã cố gắng, nhiệt tình, tâm huyết, năng động, sáng tạo và sự tham gia tích cực của phần lớn các Uỷ viên Đoàn Chủ tịch, các Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam cũng như sự đóng góp của cán bộ các cấp của Mặt trận. Trong nhiệm kỳ qua, cơ cấu thành phần dân tộc, đại diện các tầng lớp nhân dân, các tôn giáo, đại diện các tổ chức, đoàn thể ... đã thể hiện rõ tính chất đoàn kết rộng rãi của Mặt trận. Do đó, nếu Mặt trận ở tất cả các cấp có phương pháp hoạt động thích hợp thì Mặt trận sẽ lắng nghe được nhiều loại ý kiến khác nhau, để kịp thời phản ánh với Đảng, Nhà nước thì sẽ tránh được những sự việc đáng tiếc đã xảy ra đây đó như trong thời gian qua.Việc thu nhận ý kiến cũng có thể thực hiện trong các kỳ họp giữa năm, cuối năm. Thiết nghĩ, đây là một thuận lợi cần khai thác để đoàn kết nhân dân, tập hợp nhân dân.

Nhiệm kỳ vừa qua, Mặt trận có nhiều hoạt động nổi bật, để lại nhiều dấu ấn rõ nét trong nhân dân, nhất là hoạt động xóa đói, giảm nghèo. Đối với các hoạt động giám sát và phản biện xã hội, Mặt trận đã có sự chủ động trong giám sát nhưng việc phản biện còn thụ động; chủ yếu là góp ý cho các dự thảo Luật khi có yêu cầu. Để làm tốt hơn việc giám sát và phản biện, thiết nghĩ chúng ta cần căn cứ vào chủ trương, chính sách, nhiệm vụ trọng tâm của từng năm, đặc biệt là những vấn đề, những địa phương mà dân có nhiều bức xúc, lập kế hoạch chủ động tập trung vào một số vấn đề, một số địa phương để tiến hành giám sát và phản biện.

Bên cạnh đó cần tăng cường hơn nữa, chủ động hơn nữa việc tham gia với các đoàn giám sát của Quốc hội, để nắm thêm tình hình và thực hiện theo chức năng của Mặt trận; cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa UBTƯ MTTQ Việt Nam với Ủy ban MTTQ các cấp, các địa phương để phát hiện trúng vấn đề cần giám sát và phản biện.

Hy vọng rằng, trong nhiệm kỳ khóa mới, cán bộ Mặt trận cũng phải làm thế nào để mọi người cảm nhận được cán bộ Mặt trận thực sự là đại diện cho dân chứ không phải chỉ là một công chức nhà nước trong hệ thống chính trị.

Niềm tin nhiệm kỳ mới - 4

Ông Vũ Xuân Hồng.

ÔNG VŨ XUÂN HỒNG - CHỦ NHIỆM HĐTV VỀ ĐỐI NGOẠI VÀ KIỀU BÀO:

Có những giải pháp đột phá trong công tác đối ngoại, kiều bào

Nhìn lại nhiệm kỳ VIII vừa qua, công tác đối ngoại và kiều bào của MTTQ Việt Nam tiếp tục có những bước tiến quan trọng qua đó có những đóng góp quan trọng vào đối ngoại của Đảng, Nhà nước.

Điểm nhấn trong hoạt động đối ngoại của Mặt trận tiếp tục động viên các tổ chức, cá nhân, bạn bè quốc tế để truyền đạt đến họ những thông điệp đúng đắn về tình hình thực tế Việt Nam qua đó tăng cường tình đoàn kết, sự hiểu biết, qua đó bạn bè quốc tế có những hành động thiết thực ủng hộ đất nước ta.

Bên cạnh đó, Mặt trận cũng mở rộng quan hệ với các nước trong khu vực Đông Nam Á, các khu vực khác nhất là những quan hệ mới với những đối tác mới. MTTQ Việt Nam cũng làm tốt việc củng cố mối quan hệ truyền thống với các nước láng giềng, nhất là các tỉnh thành có chung đường biên giới với các nước láng giềng để tạo nên một môi trường hòa bình, hợp tác.

Với việc xác định người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận khăng khít, máu thịt của đất nước trên tinh thần xây dựng khối đại đoàn kết, trong tất cả hoạt động của mình, Mặt trận luôn quan tâm tới công tác vận động, đoàn kết, lôi cuốn, thuyết phục để bà con Việt kiều, những tổ chức đoàn thể, hội nhân dân ở nước ngoài hướng về Tổ quốc.

Để công tác đối ngoại - kiều bào tiếp tục có sự chuyển biến mạnh mẽ bên cạnh những kinh nghiệm đã có, Mặt trận cần có những giải pháp đột phá. Trong điều kiện của thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đổi mới mạnh mẽ nhất của Mặt trận là phải có phương thức để truyền tải được những thông điệp của nhân dân Việt Nam tới bạn bè quốc tế một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất và trong một thời gian ngắn nhất.

Cùng với đó, Mặt trận cần quan tâm đẩy mạnh việc tuyên truyền thông tin đối ngoại qua hệ thống các cơ quan truyền thông của mình từ đó định hướng, tác động tới dư luận xã hội một cách tích cực theo hướng lợi ích đất nước là trên hết, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Với đối tác đối ngoại, Mặt trận cần mạnh dạn có những đối tác mới, không chỉ giới hạn trong những đối tác cũ truyền thống mà phải tìm đến những tổ chức có nhiệm vụ tương đồng với Mặt trận cũng như các tổ chức thành viên. Song song với đó phải kết nối, thúc đẩy được nỗ lực của các tổ chức thành viên như Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, công đoàn, phụ nữ, thanh niên… để đáp ứng công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới.

Niềm tin nhiệm kỳ mới - 5

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh.

ÔNG NGUYỄN TIẾN DĨNH - PHÓ CHỦ NHIỆM HĐTV VỀ KINH TẾ:

Tập trung vào những vấn đề mà nhân dân bức xúc nhất

Trong nhiệm kỳ qua Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tôn trọng và sử dụng linh hoạt, hiệu quả 7 HĐTV từ đó tạo bước chuyển biến tích cực trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội. Nhất là trong hoạt động phản biện xã hội, các HĐTV đã chủ động tham gia góp ý phản biện vào các văn bản quy phạm pháp luật, các luật, nghị định thông tư của một số bộ, ngành xin ý kiến của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Trước những vấn đề nổi cộm thuộc cách lĩnh vực như kinh tế, dân chủ - pháp luật, dân tộc, tôn giáo, đối ngoại và kiều bào, văn hóa, xã hội, khoa học, giáo dục và môi trường, các HĐTV đều chủ động tham mưu với Ban Thường trực để có ý kiến với Đảng, Nhà nước xem xét giải quyết.

Trong nhiệm kỳ 2019-2024, tôi mong rằng, Mặt trận sẽ tiếp tục có những bước tiến lớn hơn nữa trong phản biện xã hội.

Và thực hiện tốt chức năng này Mặt trận phải tập trung đi vào những vấn đề thiết thực, cụ thể liên quan mật thiết tới cuộc sống nhân dân, những bức xúc lớn nhất của nhân dân.

Đặc biệt những ý kiến đóng góp của Hội đồng cần được phản hồi, vấn đề gì được tiếp thu hoặc không tiếp thu cần được trao đổi lại rõ ràng. Mặt khác, Mặt trận phải kiên quyết theo dõi, đôn đốc để các cơ quan thực hiện tránh tình trạng các cơ quan, tổ chức nói là tiếp thu nhưng thực tế không sửa đổi, bổ sung hoặc thực hiện.

Để phát huy đầy đủ và nhiều hơn sự đóng góp của các HĐTV thì việc đưa các thành viên Hội đồng tham gia các cuộc kiểm tra, khảo sát, đánh giá, đặc biệt là các cuộc giám sát, phản biện theo các chuyên đề ở cơ sở, địa phương hoặc các bộ, ngành là thực sự cần thiết. Thông qua những cuộc khảo sát như vậy, các thành viên Hội đồng sẽ có thêm những ý kiến sâu sắc, phù hợp góp phần quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội.

Niềm tin nhiệm kỳ mới - 6

Ông Hà Văn Núi.

ÔNG HÀ VĂN NÚI - PHÓ CHỦ NHIỆM HĐTV VỀ DÂN TỘC:

Hoàn thiện cơ chế để người dân tham gia giám sát

Trong nhiệm kỳ Đại hội VIII, MTTQ Việt Nam đã khẳng định một giai đoạn phát triển mới trong công tác phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, thực hiện giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền.

Để công tác này duy trì và phát huy có hiệu quả, vấn đề đặt ra là phải tiếp tục cụ thể hóa nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên về các hình thức giám sát và phản biện xã hội. Chú trọng việc lựa chọn các nội dung, vấn đề giám sát, phản biện xã hội trên cơ sở phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, điều kiện và năng lực của MTTQ Việt Nam ở mỗi cấp, mỗi địa phương. Hoàn thiện cơ chế để người dân có đầy đủ thông tin và điều kiện thuận lợi tham gia giám sát ngay từ cộng đồng khu dân cư.

Bên cạnh đó cần thực hiện đầy đủ trách nhiệm giám sát của MTTQ Việt Nam theo quy định tại các nghị quyết của Trung ương Đảng, các kế hoạch của Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan đến xây dựng chỉnh đốn Đảng, kiện toàn hệ thống chính trị, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Đổi mới nội dung, phương thức tổ chức tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền tăng cường phối hợp để tổ chức các diễn đàn nhân dân, định kỳ tổ chức gặp mặt, đối thoại giữa lãnh đạo cấp ủy, chính quyền với nhân dân, nhất là ở cơ sở để trao đổi, tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của nhân dân; kịp thời tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, góp phần giảm thiểu những bức xúc kéo dài…

Tôi kỳ vọng trong nhiệm kỳ 2019- 2024, MTTQ Việt Nam sẽ tiếp tục tự đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung và phương thức hoạt động. Trong đó, Mặt trận cần tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình trước Đảng và nhân dân, xác định rõ mục tiêu, chương trình hành động, giải pháp cụ thể để thực hiện sứ mệnh cao cả xây dựng và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Niềm tin nhiệm kỳ mới