Đất nước cần doanh nhân chúng tôi có mặt, khi Tổ quốc gọi chúng tôi sẽ trả lời… Đó là khẳng định của các đại biểu đóng góp tại phiên thảo luận tổ với chủ đề “tăng cường đoàn kết quốc tế mở rộng hoạt động đối ngoại nhân dân”.
Hình ảnh thảo luận tại tổ 4.
Tại phiên thảo luận tổ, TS Nguyễn Chánh Khê, Việt kiều Mỹ cho rằng: Việt Nam có rất nhiều điều kiện để phát triển đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Hiện nay hầu hết mọi người hay nói về nông sản, nông thôn mới. Nhưng tất cả những điều này chỉ giới hạn trong lĩnh vực nông nghiệp, nông sản và chưa thoát ra khỏi phạm trù mới.
“Tôi đề xuất chúng ta cần mạnh dạn đưa ra công nghệ nano ứng dụng vào trong nông nghiệp. Bởi, nhiều nơi trên thế giới đã và đang nghiên cứu thành công về công nghệ này”, ông Khê nói. Nếu áp dụng thành công công nghệ mới này sẽ tạo ra những giá trị rất lớn.
Cụ thể, từ lúa gạo có thể chế biến thành than, nếu là thành phẩm của 1 kg sẽ thu được 100 triệu đồng, trong khi gạo của mình chỉ là 13.000 đồng. Không chỉ lúa gạo, ngay vỏ trấu cũng tạo ra chất nano phản ứng. Tôi đang làm việc nhiều nước, nhiều đoàn đã đến nước ta để khảo sát.
Nếu thành công tại Việt Nam, có thể dùng cao su, hạt thóc, trấu mình vào công nghệ nano thì giá trị gia tăng rất lớn. Tôi đề nghị quan tâm Việt kiều trở về nước triển khai nguồn tài nguyên của Việt Nam, tạo ra những giá trị lớn để đưa ra thị trường thế giới.
Với tư cách là Phó Chủ tịch Hội liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng bày tỏ, “chúng tôi cố gắng làm sao để Việt kiều hiểu, yêu Việt Nam. Mong bà con kiều bào với trí tuệ được đào tạo bài bản ở nước ngoài sẽ đem những kiến thức ấy về Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển chung”.
Theo GS Nguyễn Lân Dũng, những năm qua Đảng, Nhà nước không bao giờ quên phần máu thịt của VN ở nước ngoài đó là 5 triệu kiều bào. Hiện nay, đất nước ta đã giành lại nền hòa bình, độc lập nhưng vẫn còn thế lực mong muốn xâm chiếm hải đảo. Chỉ có đoàn kết trong và ngoài nước mới thành sức mạnh vô địch, bất chấp mọi âm mưu, gìn giữ giang sơn gấm vóc của Tổ quốc. Chỉ có đoàn kết mới chống được mọi âm mưu xâm lược của kẻ thù.
Kiến nghị một số vấn đề liên quan đến công tác đối ngoại với MTTQ Việt Nam, GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng cần có cơ chế để thu hút người tài về với đất nước. “Hiện nhiều em đi học nước ngoài, có bạn giữ lại Mỹ với mức lương 4 nghìn USD. Họ muốn trở về, nhưng lương ở Việt Nam chỉ trả cho họ 3 triệu thì không thể thu hút được một TS giỏi ở nước phát triển về làm việc”.
Tuy nhiên, giải quyết vấn đề này không dễ. TP HCM đưa ra mức lương 1.000 USD, nhưng cũng khó thực hiện vì người đóng góp lâu năm chỉ đạt mức 500 USD mà người trẻ nhận được mức cao gấp đôi. Khẳng định “khó vẫn có giải pháp để tháo gỡ, GS Nguyễn Lân Dũng kiến nghị, cần giao nhiệm vụ kèm quỹ lương, để đáp ứng nhiệm vụ đó, mới thu hút được người giỏi.
“Đừng đề chảy máu chất xám, MTTQ Việt Nam cần nghiên cứu chính sách để thu hút người giỏi về nước”, GS Nguyễn Lân Dũng kiến nghị.
Góp ý với vấn đề học tiếng Việt, gìn giữ văn hóa Việt Nam đặc biệt là thế hệ trẻ hiện nay dù được quan tâm chưa hiệu quả vì người Việt ở nước ngoài phần lớn sống rải rác, phân tán. Do vậy, phải học bằng con đường kỹ thuật số, dạy qua mạng, để mọi người đều có thể học.
Bà Nguyễn Thị Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đề nghị, cần tăng cường nhận thức để huy động trí tuệ đóng góp cho công tác đối ngoại nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. MTTQ phát huy hơn nữa vai trò nơi tập hợp sức mạnh của các tổ chức, tập hợp khối đại đoàn kết trong và ngoài nước để làm nên sức mạnh. MTTQ cần tranh thủ các nguồn lực từ quốc tế, kể cả vật chất, tri thức công nghệ góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.
Đặc biệt, theo bà Nga, cần tăng cường thông tin ra bên ngoài trong bảo vệ chủ quyền, quyền tài phán ở Biển Đông. Để thế giới hiểu rằng Việt Nam rất yêu chuộng hòa bình, muốn giải quyết các tranh chấp bằng giải pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Nhưng Việt Nam cũng sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền của đất nước.
Xuất khẩu chất xám tại sao không?
Ông Phan Kế Đạt, kiều bào Đan Mạch chia sẻ, công ty ông đang thử nghiệm thành lập 1 công ty tư vấn xuất khẩu kỹ sư sang làm cho các dự án của Đan Mạch, vào châu Âu “vì nước mình có rất nhiều kỹ sư giỏi”. Hiện Công ty ông đã ký hợp đồng với 3 kỹ sư và đưa họ sang Đan Mạnh làm việc 6 tháng tại công ty sau đó sẽ cung cấp cho các công ty khác.
Theo ông Đạt, đây sẽ là nguồn tài nguyên để tăng dòng kiều hối chảy về nước. “Cần có chính sách ủng hộ hướng đi mới này, xuất khẩu chất xám, tại sao không”, ông Đạt nêu quan điểm.
Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cho rằng: Rất nhiều ý kiến đóng góp tại phiên thảo luận tổ cho thấy rằng, kiều bào ta ở nước ngoài chỉ mong muốn góp gì đó cho sự phát triển của đất nước.
Bà Trương Thị Mai chia sẻ, khi đến với kiều bào, bà thường nhận được những câu hỏi, làm sao để đồng bào đóng góp cho sự phát triển của đất nước? Khi nào, có chế nào, chính sách nào để kiều bào về Việt Nam, đầu tư, sinh sống, gắn bó nhiều hơn với đất nước? Có những câu hỏi đau đáu về chủ quyền biển đảo bảo vệ vững chắc thế nào? Vì đây không chỉ trách nhiệm trong nước mà của tất cả kiều bào ở nước ngoài.
“Tôi sẽ tham gia với trách nhiệm cao nhất để nghiên cứu, quan tâm giải quyết những vấn đề vướng mắc của kiều bào”, bà Trương Thị Mai khẳng định.
Về nhiệm vụ thời gian tới, bà Trương Thị Mai khẳng định niềm tin sâu sắc người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Theo đó, cần làm sâu sắc hơn, thực chất hơn nữa vấn đề này.
Bà Trương Thị Mai cũng khẳng định với các đại biểu, Đảng và Nhà nước kiên quyết bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ ở Biển Đông. Bởi đây là trách nhiệm của thế hệ hôm nay với người đi trước và thế hệ sau này. “Biển đảo của cả nước, tất cả có trách nhiệm phải quan tâm, giữ gìn, bảo vệ. Kiều bào cần tiếp tục kết nối để nhân dân thế giới đứng về lẽ phải, đứng về phía Việt Nam”.
Về nhiệm vụ của MTTQ, bà Trương Thị Mai đề nghị, MTTQ tăng cường kết nối mạnh mẽ hơn nữa nguyện vọng chính đáng của kiều bào với người dân trong nước. Đặc biệt là với 17 Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam là người Việt Nam ở nước ngoài cần kết nối với đất nước. “Nếu kết nối tốt, chung sức, chung lòng, đất nước sẽ phát triển. Đất nước phát triển đó là mong muốn, là niệm tự hào của chúng ta”.