Đại lão hòa thượng Thích Phổ Tuệ: Khiêm nhường và giản dị

Hoàng Minh (ghi) 24/10/2021 00:44

Từ những năm còn trẻ đến những giây phút cuối cùng của đời mình, Đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ vẫn giữ lối sống khiêm nhường giản dị, thanh tao. Với Ngài, người tu phải sống khuôn mẫu. Đó chính là tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đó cũng là giá trị vĩnh hằng ở vị cao tăng này.

Đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ trong lễ cầu nguyện tại chùa Quán Sứ, Hà Nội. Ảnh: GHPGVN.

Tin Đại lão Hòa thượng, Đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ viên tịch sáng 21/10 ở chính ngôi chùa làng - chùa Ráng (Viên Minh tự), xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên, Hà Nội - nơi người đã cả đời cấy cày tự nuôi mình để nghiền kinh nấu sử, khiến bất cứ ai biết yêu kính đạo hạnh khiêm cung và sự thông tuệ đều cảm một nỗi mất mát lớn lao.

Đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ khi còn tại thế, luôn quan tâm đến công tác giáo dục đào tạo. Với ngài, tăng đoàn là mạng mạch Phật pháp, đào tạo nguồn nhân lực là động lực cho sự phát triển. Ngài từng giữ chức Phó ban Giáo dục tăng ni Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Phật học Hà Tây; Viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội. Trong quá trình làm công tác quản lý giáo dục, nghiên cứu Phật học, ngài đã viết và dịch nhiều bộ sách quý.

Là người kế thế và đặt nhiều trọng trách đối với công tác giáo dục Phật giáo, nhiều năm qua, Hòa thượng Thích Thanh Quyết- Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự; Trưởng ban Giáo dục tăng ni Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam luôn thực hiện những lời chỉ giáo của Đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ.

Nhớ về những kỷ niệm gắn bó với Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Hòa thượng Thích Thanh Quyết kể: Tôi kính trọng cụ từ nhỏ, sau này, khi lớn lên về chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội), được thụ giới, các giới đàn đều có cụ tham gia. Tôi còn nhớ mỗi lần gặp, cụ đều hỏi han rất kỹ tình hình học hành thế nào. Những năm 90 của thế kỷ trước, khi mà trường Trung cấp Phật học Hà Sơn Bình được mở ra, cụ là người tham gia giảng dạy. Lúc đó, tôi được làm trợ giảng cho cụ. Mỗi lần lên lớp được cụ động viên, được dạy chính là học, là để trau dồi kiến thức.

Tôi luôn hành đạo theo lời giáo huấn của Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ. Những năm tháng học tập ở nước ngoài, tôi trau dồi kiến thức, tinh tấn tu học. Đến năm 2003, sau khi về nước tôi lại được Hòa thượng Thích Thanh Tứ tiếp nối công tác đào tạo và xây dựng Học viện Phật giáo Việt Nam tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

“Còn nhớ, đầu những năm 2000, Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ khi đó giữ chức Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Ban Giáo dục tăng ni Trung ương. Gặp tôi lúc ấy, cụ động viên, việc Hòa thượng Thích Thanh Tứ giao là việc tâm việc đức, việc tuệ học đấy”.

Ngày 29/4 (Âm lịch) năm 2004, tại lễ khởi công xây dựng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ đến dự và công đức để ủng hộ công tác đào tạo 5 triệu đồng. Tôi thật sự xúc động, bởi ngôi chùa quê của cụ còn nghèo, mà số tiền 5 triệu đồng thời đó rất lớn. Hiểu được băn khoăn của tôi, cụ bảo: Tôi đóng góp phát tâm là vì để giúp cho giáo dục đào tạo các thế hệ tăng ni sinh. Chỉ có các thế hệ sau mới là người giữ Phật pháp, nếu Học viện không nhận là phá nhân duyên của tôi đấy. Chùa tôi không cần làm to làm đẹp. Tổ để lại như thế nào tôi vẫn ở như vậy, chùa hỏng, chùa dột thì sửa sang chỉnh trang. Tôi lo nhất là đào tạo tăng tài cho đất nước, cho Giáo hội. Học viện phải tập trung làm tốt công tác giáo dục.

“Tôi luôn xem cụ là tấm gương, để nhắc nhở bản thân trên con đường tu học, giảng dạy”, Hòa thượng Thích Thanh Quyết bày tỏ.

Cả cuộc đời tu học, Đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ dịch và viết nhiều tác phẩm Phật học: Kinh Bách dụ, Phật Tổ tam kinh, Bát nhã dư âm, Đại từ điển Phật học, Đề cương Kinh Pháp hoa, Phật học là tuệ học, biên tập Đại tạng kinh Việt Nam, phiên dịch và hiệu đính Luật Tứ phần… Các sách của Đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ mang tính giáo dục cao.

Đó là, giáo dục nhân cách, đạo đức, cách làm người. Đối với tăng ni không chỉ là cách làm người mà còn giáo dục trách nhiệm với giáo hội, xã hội và với đất nước. Giáo dục Phật giáo không ở đâu xa, Phật không ở xa mà ở ngay trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Cần phải sống tốt ở trong xã hội này, nhân dân này, chúng sinh này thì mới trở thành chức sắc Phật giáo tốt.

“Đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ từng đảm nhiệm công việc của Phó ban Giáo dục tăng ni nên rất hiểu việc giáo dục tăng tài cho đất nước. Cụ là một nhà giáo dục Phật giáo lớn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Cụ là một người có nhân cách lớn của xã hội Việt Nam hiện nay”, Hòa thượng Thích Thanh Quyết chia sẻ.

Đặc biệt về lối sống của vị Đức Pháp chủ, Hòa thượng Thích Thanh Quyết cho biết: Từ những năm còn trẻ đến những giây phút cuối cùng của đời mình Đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ vẫn giữ một lối sống khiêm nhường giản dị, thanh tao. Trải qua biết bao thời kỳ gian khó, chiến tranh của đất nước, đến khi đảm nhiệm chức vị cao nhất của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, từ năm 2007 đến nay (14 năm - 3 nhiệm kỳ làm Pháp chủ) ở ngôi vị nào cụ cũng sống giản dị.

Khi làm Đức Pháp chủ, cụ cũng không màng vật chất. Đức tính đó là tấm gương răn dạy các thế hệ hôm nay cũng như mai sau. Kể cả ở hoàn cảnh nào đi nữa cũng không thể thay đổi bản chất của mình đặc biệt là những người tu hành. Với Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, người tu phải sống khuôn mẫu. Đó chính là tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến. Đó cũng là giá trị vĩnh hằng ở vị Đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đại lão hòa thượng Thích Phổ Tuệ: Khiêm nhường và giản dị

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO