'Đại phẫu' cầu Thăng Long: Độ bền 10 năm, liệu có khiêm tốn?

Hạnh Nhân 22/07/2020 09:50

GS.TSKH Nguyễn Xuân Trục nhấn mạnh, nếu Bộ GTVT khắc phục được hạn chế của những lần sửa trước, thì độ bền của cây cần lần sửa này ít nhất phải được 15 năm, chứ đề ra 10 năm là khiêm tốn. 

Các đơn vị bắt đầu lắp đặt hệ thống biển báo phân luồng giao thông.

Việc triển khai dự án sửa chữa cầu Thăng Long đang được người dân đặc biệt quan tâm, vì đây là cây cầu trọng yếu nối liền các tỉnh phía Bắc với Thủ đô Hà Nội đã bị hư hỏng nặng và kéo dài nhiều năm qua. Tổng kinh phí là gần 270 tỷ đồng và thời gian hoàn thành trong 5 tháng, dư luận đang rất kỳ vọng vào cuộc “đại phẫu” lần này.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ cho hay: Từ ngày 8/8/2020, sẽ chính thức cấm xe lưu thông trên cầu Thăng Long để sửa mặt đường, thời gian hoàn thành dự kiến trong 150 ngày (quý IV/2020) với tổng kinh phí gần 270 tỷ đồng.

Ông Huyện cũng thông tin thêm, trước đó, vào các năm 2013 - 2014, theo phương án của Tư vấn KEI (Nhật Bản) thì kinh phí sửa chữa mặt cầu Thăng Long là 313 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư sửa chữa sẽ trích từ nguồn kinh phí sự nghiệp chi hoạt động kinh tế đường bộ cho công tác quản lý bảo trì quốc lộ.

Thực hiện dự án là liên danh nhà thầu gồm Thành Hưng - Vĩnh Hưng - Phương Thành - Thuận An. Thời gian ký hợp đồng thi công xây dựng từ ngày 20/7/2020.

Trước đó, cầu Thăng Long được các chuyên gia Liên Xô thiết kế và xây dựng từ năm 1974, hoàn thành cuối năm 1985. Sau hơn 20 năm vận hành, cầu bị hư hỏng bề mặt, xuất hiện các vết nứt ngang, nứt xiên, dồn ụ bê tông nhựa trên mặt cầu. Về việc sửa chữa cây cầu cũng gây không ít tranh cãi trong nhiều năm qua khi liên tục lặp lại tình trạng “vừa xây xong đã hỏng”.

Năm 2009, cầu Thăng Long được sửa chữa lần đầu tiên, nhưng việc sửa chữa không đạt yêu cầu vì chỉ một thời gian ngắn sau mặt cầu lại bị nứt. Tới năm 2013, cầu Thăng Long tiếp tục được sửa chữa theo công nghệ Mỹ, rồi cũng xuất hiện những vết nứt tương tự lần sửa chữa năm 2009.

Như vậy là sau hai lần sửa chữa lớn với chi phí hàng trăm tỷ đồng cùng nhiều đợt duy tu, cải tạo nhỏ, mặt cầu Thăng Long vẫn xuống cấp trầm trọng, và là mối lo mất an toàn giao thông của người dân.

Đề cập tới nguyên nhân chính dẫn đến việc cầu Thăng Long sửa xong đã hỏng, GS.TSKH Nguyễn Xuân Trục, nguyên Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường Việt Nam phần tích: Thứ nhất, khi người Nga bắt đầu làm cầu Thăng Long là họ không cho xe lưu thông cho đến khi kết cấu ổn định mới cho xe chạy. Còn khi mình cải tạo, sửa chữa chỉ ngăn làn, bên sửa bên đi nên vẫn tạo ra sự rung lắc.

Thứ 2, các chuyên gia Nga làm cầu kỳ, độ bám giữa lớp bê tông bề mặt và cốt cầu rất cao. Còn khi mình sửa chữa, cải tạo lại không duy trì được điều này nên dẫn tới độ bền rất ngắn.

Bởi vậy, lo ngại của người dân thời điểm này vẫn là độ bền của cây cầu Thăng Long sẽ ra sao? Cũng cần nhắc lại, với lần sửa chữa này, khi đi kiểm tra tình trạng hư hỏng mặt cầu Thăng Long, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận Nguyễn Văn Thể đã ra “tối hậu thư”, yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các đơn vị phải nhanh chóng tìm phương án, giải pháp căn cơ sửa chữa cầu Thăng Long, đặc biệt, mặt cầu phải bảo đảm vận hành từ 7 - 10 năm.

Và lần này, ông Nguyễn Trung Sỹ, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng (Tổng cục Đường bộ) cam kết: Phương án sửa chữa đã được lựa chọn kỹ càng, trên cơ sở kết quả phân tích so sánh, tổng hợp thực tiễn sửa chữa mặt cầu thép trên thế giới để tìm ra phương án phù hợp nhất. Chúng tôi bảo đảm chắc chắn 100% mặt cầu Thăng Long sẽ tồn tại rất nhiều năm, ít nhất trên 10 năm theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Bởi vì kết cấu được thực hiện bằng những giải pháp khoa học và kỹ thuật mới nhất.

Tuy nhiên, với sự tốn kém hàng trăm tỷ đồng mỗi lần sửa chữa, cùng với đó là những chi phí kéo theo, như việc phân luồng xe khách, xe buýt đội thêm hàng chục tỷ đồng… khiến giới chuyên gia nhìn nhận, nếu đây là một cuộc “đại phẫu” thì ít nhất độ bền của cây cầu phải được lâu hơn so với yêu cầu của Bộ GTVT.

Bởi vậy, GS.TSKH Nguyễn Xuân Trục nhấn mạnh, nếu Bộ GTVT khắc phục được hạn chế của những lần sửa trước, thì độ bền của cây cần lần sửa này ít nhất phải được 15 năm, chứ đề ra 10 năm là khiêm tốn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Đại phẫu' cầu Thăng Long: Độ bền 10 năm, liệu có khiêm tốn?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO