Đại sứ Phạm Sanh Châu và Chiến dịch Hoa Kim tước

Ngọc Anh 21/11/2020 09:00

Chiến dịch đưa hàng trăm người dân Việt Nam mắc kẹt tại Ấn Độ vì Covid-19 về nước an toàn đã được Đại sứ Phạm Sanh Châu kể lại trong cuốn sách "Chiến dịch Hoa Kim tước".

Đại sứ Phạm Sanh Châu chụp ảnh cùng bà con trước giờ họ lên máy bay trong chiến dịch Hoa Kim tước.

“Chiến dịch Hoa Kim tước” là tên một cuốn sách của Đại sứ Phạm Sanh Châu do Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn vừa phát hành. Chiến dịch đưa hàng trăm người dân Việt Nam mắc kẹt tại Ấn Độ vì Covid-19 về nước an toàn đã được Đại sứ kể lại trong cuốn sách. Còn ở ngoài đời, ông tiếp tục ở lại làm nhiệm vụ ở Ấn Độ, bản thân ông cũng bị mắc Covid-19 và cách đây vài tuần, ông đăng trên facebook bức thư gửi cô con gái yêu quí trong ngày cưới đầy trọng đại của cô mà ông là một người cha vì nhiệm vụ không thể về dự được.

Trong cuốn sách, Đại sứ Phạm Sanh Châu kể: Sau lệnh phong tỏa của chính phủ Ấn Độ vào tháng 3/2020, hàng trăm người Việt đang tu hành tại các viện Phật giáo ở nhiều địa điểm trên khắp Ấn Độ, khách hành hương, sinh viên, kỹ sư... đang học tập và làm việc tại nước này đã phải ở lại trong điều kiện sinh hoạt khó khăn, tâm trạng hoang mang lo sợ. Tất cả đều khao khát được về nhà trong vòng tay ấm áp của gia đình và quê hương khi bóng đen virus corona bao trùm lên cuộc sống.

Trong điều kiện phong tỏa gắt gao tại Ấn Độ để phòng chống Covid-19, đã có hàng trăm cuộc gọi, email của người dân Việt Nam được gửi về Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ và gửi trực tiếp cho Đại sứ (Đại sứ Phạm Sanh Châu là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tại Cộng hòa Ấn Độ kiêm nhiệm Cộng hòa Dân chủ Liên bang Nepal và Vương quốc Bhutan).

Ông Phạm Sanh Châu kể: “Hơn hai tháng không bước ra khỏi nhà trong bối cảnh Ấn Độ thực hiện lệnh phong toả nghiêm ngặt nhưng cuộc sống của tôi dường như trải đều trên khắp các bang và vùng lãnh thổ của đất nước Nam Á này.

Thay vì trực tiếp chủ trì tổ chức các sự kiện, tiếp xúc với giới chức sở tại, tham gia các hội thảo, gặp gỡ giới ngoại giao đoàn... lịch làm việc hàng ngày của tôi xoay quanh công tác bảo hộ công dân.

Tôi nhận được các cuộc gọi, tin nhắn... xin trợ giúp từ các công dân mắc kẹt tại khắp các địa phương ở Ấn Độ bất kể ngày, đêm. Tôi trực tiếp gọi cho từng bà con, họ là tăng ni sinh, Phật tử, là du học sinh, là công nhân lao động hết hạn hợp đồng, là thủy thủ, là chuyên gia kỹ thuật, là nhà đầu tư...

Khao khát trở về quê hương của họ khiến chúng tôi, những nhà ngoại giao được giao nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các công dân Việt Nam ở sở tại không thể không hành động”.

Cuối cùng Chính phủ Việt Nam đồng ý cho sứ quán nước ta tại Ấn Độ tổ chức chuyến bay giải cứu và Đại sứ Phạm Sanh Châu gọi đây là “Chiến dịch Hoa Kim tước” - tên của loài hoa có màu vàng sáng tươi, như biểu tượng của niềm tin, hy vọng và tình yêu con người.

Từ khi bắt đầu thủ tục xin phép tổ chức chuyến bay đến khi chuyến bay được chấp thuận thì muôn vàn khó khăn nảy sinh. Đại sứ kể lại trong cuốn sách: Thách thức lớn nhất là làm thế nào để bà con di chuyển được từ 17 bang trên toàn lãnh thổ rộng lớn của Ấn Độ đến New Delhi trong khi mọi phương tiện công cộng và đường hàng không đều đóng.

Song song với việc gỡ các nút thắt trong quá trình xin phép bay, chúng tôi sát cánh các bà con, động viên, tìm phương án di chuyển, hỗ trợ gia hạn visa, cứu trợ lương thực, thực phẩm khi có yêu cầu…

Và chúng tôi cùng các công dân Việt Nam bị mắc kẹt tại Ấn Độ trải qua một hành trình hơn hai tháng với nhiều bão giông nhưng đầy ắp niềm hy vọng để biến giấc mơ trở về Đất Mẹ trở thành sự thật.

Trong “Chiến dịch Hoa Kim tước”, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã chia công dân thành 13 nhóm theo từng khu vực, mỗi “cánh quân” do một cán bộ sứ quán phụ trách từ xa qua email và group chat, tổ chức đưa họ về thủ đô New Dehli bằng các loại phương tiện khác nhau, làm việc với các cơ quan liên quan của Ấn Độ để lo mọi loại giấy tờ thông hành, kết nối các chuyến bay nội địa và đặt chuyến bay trong nước. Sứ quán cũng chuẩn bị những bữa ăn giản dị đón tiếp bà con và chuẩn bị mấy trăm suất cơm nắm muối vừng cho công dân tại sân bay.

Bìa cuốn sách “Chiến dịch Hoa Kim tước”.

Cuối cùng các cán bộ sứ quán trực nhiều tiếng đồng hồ ở sân bay để giúp mọi người khai bằng tay các tờ khai xuất cảnh khi mà cả sân bay Indira Gandhi đã đóng băng hoạt động… Chiến dịch Hoa Kim tước thành công, hàng trăm người dân Việt Nam đã có hành trình trở về với quê hương an toàn, với biết bao cảm xúc vỡ òa.

Sau chiến dịch Hoa Kim tước đưa 339 công dân Việt Nam và nhà đầu tư Ấn Độ về nước ngày 19/5, Đại sứ quán đã tổ chức thêm ba chiến dịch nữa đều mang tên các loài hoa.

Chiến dịch Hoa đỗ quyên đưa hơn 200 bà con mắc kẹt tại năm nước Nepal, Bhutan, Bangladesh, Sri Lanka và Maldives. Chiến dịch Hoa phượng tím đưa về Việt Nam gần 200 bà con và các nhà ngoại giao Ấn Độ và Việt Nam. Chiến dịch Ba bông hồng không chỉ đưa về nước 100 bà con còn mắc kẹt tại Ấn Độ mà còn giúp đưa công dân Lào mắc kẹt tại Ấn Độ về Lào và đưa 200 công dân Ấn Độ mắc kẹt tại Việt Nam về Ấn Độ.

Mỗi chiến dịch có một bối cảnh khác nhau, con người khác nhau và trải nghiệm khác nhau. Nhưng tất cả đều có một điểm chung là lo lắng và hồi hộp đến phút cuối. Chưa bao giờ ba tiếng “Trở về nhà” vừa trở nên thiêng liêng vừa trở nên khó khăn đến thế cho tất cả mọi người dù bạn là ai, quốc tịch gì và đang ở đâu.

Điều gây hứng thú ở cuốn sách đặc biệt của Đại sứ Phạm Sanh Châu còn ở chỗ cho người đọc biết thêm về hoạt động hậu trường của những nhà ngoại giao và sứ quán Việt Nam tại nước ngoài, những cuộc gặp gỡ người đồng nhiệm các nước, sự kết nối với các quan chức và doanh nghiệp sở tại để thúc đẩy sự hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục… giữa hai quốc gia.

“Chiến dịch Hoa Kim tước” của Đại sứ Phạm Sanh Châu không phải một cuốn ghi chép hay ký sự về một vụ việc cụ thể cho dù là đại dịch Covid-19 đang thực sự làm hoảng loạn thế giới, mà là cuốn sách chứa đựng những vấn đề văn hóa và lòng bác ái. Nó cho chúng ta thấy một bí mật. Bí mật ấy là gì? Là khi con người còn tình yêu thương đồng loại thì không có gì có thể hủy hoại được thế gian này.

“Ý tưởng viết cuốn sách ra đời ít ngày sau chiến dịch Hoa Kim tước kết thúc. Cuốn sách ghi lại những nỗ lực phi thường của tập thể cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ và Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Mumbai trong công tác bảo hộ công dân và tìm cách đưa bà con về nước tránh dịch Covid-19.

Trước, trong và sau chiến dịch, tôi liên tiếp nhận được các bức thư cảm ơn, những dòng tâm sự, chia sẻ của các công dân được Chính phủ tạo điều kiện để về nước ngày 19/5” – Đại sứ Phạm Sanh Châu tâm sự.

Ông cũng cho biết: Chính những trải nghiệm cá nhân và câu chuyện kể của bà con trong thời khắc lịch sử có một không hai này đã thôi thúc tôi viết về hành trình hoa kim tước như một cách lưu dấu những năm tháng không thể nào quên.

Khép cuốn sách lại bạn đọc cảm nhận rõ hơn bao giờ hết về sự tận tâm, tinh thần nhân bản. Và như lời Đại sứ, câu nói “không để ai bị bỏ lại phía sau” thực sự “giống một câu “thần chú” cho tôi và các cộng sự của mình luôn tìm thấy ánh sáng cuối đường hầm, như những bông kim tước luôn biết cách toả sáng dù hoàn cảnh có khắc nghiệt đến chừng nào”.

"Tôi đã đọc cuốn sách với một cảm giác của một người ở trong chính những sự kiện mà Đại sứ Phạm Sanh Châu và các cán bộ, nhân viên của sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã làm. Việc đưa những người Việt Nam đang học tập, lao động, công tác tại Ấn Độ về Việt Nam một cách an toàn, với tôi, là một cuộc di dân đặc biệt. Và tôi gọi đó là “cuộc di dân bác ái’’. Chỉ cần đọc thông tin qua báo chí, những người ở trong nước cũng đã hình dung ra sự phức tạp, khó khăn của những người Việt Nam ở các vùng dịch tìm cách trở về nhà. Nhưng khi đọc những trang ghi chép của ông, tôi mới thấy hết những gì khó khăn, thách thức và cả hiểm nguy trong cuộc giải cứu tuyệt vời này... ", nhà văn Nguyễn Quang Thiều.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đại sứ Phạm Sanh Châu và Chiến dịch Hoa Kim tước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO