Đắk Lắk: Đầu tư 2.668 tỷ đồng phát triển cà phê bền vững

Nguyễn Tuấn Anh 14/07/2017 07:30

Trong 3 ngày từ 11 đến 13/7, HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa IX đã tổ chức kỳ họp thứ 4 đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh; tình hình thu, chi ngân sách nhà nước; thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản 6 tháng đầu năm 2017.

Kỳ họp lần này, HĐND tỉnh Đắk Lắk cũng sẽ đề ra nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm và xem xét, quyết định nhiều vần đề quan trọng khác của tỉnh trong thời gian tới.

Một trong những nội dung quan trọng tại kỳ họp được HĐND tỉnh Đắk Lắk xem xét thông qua, là Đề án phát triển cà phê bền vững của tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Theo Đề án được thông qua, tỉnh Đắk Lắk phấn đấu đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt bình quân 600-650 triệu USD/năm; từ sau năm 2020 phấn đấu đạt từ 700-800 triệu USD/năm.

Theo đó, trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh Đắk Lắk đặt mục tiêu giảm dần diện tích cà phê từ 203.000 ha như hiện nay xuống còn 180.000 ha và sản lượng bình quân 450.000 tấn/năm; đến năm 2030, diện tích ổn định 170.000-180.000 ha, sản lượng bình quân đạt 550.000 tấn/năm; năng suất bình quân đến năm 2020 đạt 2,5 tấn/ha, năm 2030 đạt 2,8 tấn/ha.

Đảm bảo đến năm 2020 có 70% diện tích cà phê tái canh ghép cải tạo và trồng mới sử dụng giống cà phê mới có năng suất, chất lượng cao; đến năm 2030 có 90% diện tích cà phê tái canh sử dụng giống mới có chất lượng.

Tỉnh phấn đấu đến năm 2020, có 75-80% diện tích cà phê chủ động được nguồn nước tưới, 10.000 ha ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm và đến năm 2030, có 85-90% diện tích cà phê chủ động được nước tưới, 20.000 ha tưới nước tiết kiệm.

Điểm đáng chú ý nữa trong đề án là tỉnh Đắk Lắk phấn đấu đến năm 2020 cơ bản hoàn thành việc đăng ký bảo hộ thương hiệu “Buôn Ma Thuột Coffee” ở 17 nước đang xin đăng ký.

Đến năm 2030 mở rộng thêm việc đăng ký bảo hộ thương thiệu cà phê “Buôn Ma Thuột Coffee” ở một số nước tiêu thụ cà phê khác trên thế giới, phấn đấu đưa thương hiệu cà phê “Buôn Ma Thuột Coffee” trở thành một trong những thương hiệu cà phê mạnh trên thị trường thế giới...

Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương cho biết: Mục tiêu chung của đề án là xây dựng ngành cà phê của tỉnh Đắk Lắk phát triển theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, mang lại giá trị gia tăng cao.

Đổi mới tổ chức sản xuất, đẩy mạnh liên kết dọc, liên kết ngang trong ngành hàng. Ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ cao vào các khâu sản xuất, chế biến và tổ chức quản lý sản xuất; nâng cao thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp, quản lý tốt các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Để đạt được mục tiêu đặt ra, tỉnh Đắk Lắk cũng đưa ra các nhóm giải pháp thực hiện như: Quản lý ngành hàng; tổ chức sản xuất; đào tạo nguồn nhân lực; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa; xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu; bảo đảm nguồn nước cho sản xuất cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu góp phần bảo vệ môi trường...

Đắk Lắk dự kiến tổng nguồn vốn đầu tư để thực hiện Đề án là 2.668 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách sự nghiệp của tỉnh 15 tỷ đồng, vốn huy động doanh nghiệp và người dân 2.653 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đắk Lắk: Đầu tư 2.668 tỷ đồng phát triển cà phê bền vững

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO