Đắk Lắk: Giá hồ tiêu tăng nhưng nông dân 'kém vui'

Thanh Nga 15/03/2022 15:57

Sau nhiều năm giá tiêu chạm đáy, năm nay giá hồ tiêu tăng cao song nông dân Đắk Lắk vẫn “kém vui”.

Giá tăng, năng suất giảm

Huyện Cư Kuin là địa phương có diện tích trồng hồ tiêu lớn nhất tỉnh Đắk Lắk với hơn 4.600 ha. Nông dân trên địa bàn huyện đang vào vụ thu hoạch hồ tiêu, mùa vụ thu hoạch năm nay muộn hơn các năm trước.

Hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk năm nay chín  muộn hơn các năm trước.
Hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk năm nay chín muộn hơn các năm trước.

Gia đình ông Nguyễn An Thạnh, thôn 3, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin, (tỉnh Đắk Lắk) trồng gần 2 ha hồ tiêu với khoảng 2.000 trụ. Trung bình mọi năm, gia đình ông Thạnh thu được khoảng 7 tấn tiêu/ha, thế nhưng năm nay, chỉ thu được khoảng 5 tấn/ha. Nhiều hộ xung quanh, năng suất mất mùa chỉ còn 2 tấn/ha.

Ông Thạnh cho biết: giá tiêu năm 2020 dao động từ 48.000 - 56.000 đồng, năm 2021 khoảng 60.000 - 65.000 đồng/kg, riêng năm nay giá tiêu đang được thu mua dao động từ 78.000 - 81.000 đồng/kg.

Theo ông Thạnh, nguyên nhân hồ tiêu năm nay mất mùa là do sau vụ thu hoạch năm 2021, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk xuất hiện những trận mưa trái mùa, kích thích quá trình ra chuỗi, nông dân không kịp xử lý để đầu tư dinh dưỡng cho cây. Do đó, quá trình ra hoa đậu hạt bị ảnh hưởng dẫn đến mất mùa.

Chi phí nhân công, phân bón tăng cao

Hồ tiêu năm nay chín muộn dẫn đến tình trạng tìm kiếm nhân công thu hoạch khó khăn hơn. Gia đình bà Nguyễn Thị Sương, thôn 3, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin đang thu hoạch 2 ha hồ tiêu.

Mỗi ngày gia đình bà cần khoảng 14 - 16 nhân công, giá thuê lên tới 220 – 230.000 đồng/người/ngày, bao cơm trưa. Đa số nhân công, gia đình bà thuê từ huyện Krông Bông (tỉnh Đắk Lắk) hoặc từ tỉnh Gia Lai qua thu hái. Song do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, có những ngày gia đình bà Sương chỉ thuê được 7 - 8 nhân công.

Giá tiêu tăng nhưng năng suất thấp, chi phí nhân công và phân bón tăng cao nên nhiều hộ trồng tiêu lấy công làm lãi.
Giá tiêu tăng nhưng năng suất thấp, chi phí nhân công và phân bón tăng cao nên nhiều hộ trồng tiêu lấy công làm lãi.

Bên cạnh đó, giá cả các mặt hàng như phân bón tăng cao khiến cho người trồng kém vui. Anh Võ Văn Quỳnh ở buôn Ta Ra, xã Hoà Đông, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: Ngoài mất mùa, năng suất giảm gần một nửa, thì giá phân bón cũng tăng cao. Năm trước 1 tạ phân u-rê có giá khoảng 700.000 đồng nhưng năm nay đã tăng lên gần 2 triệu đồng. Giá tăng nhưng năng suất tiêu lại thấp nên nhiều hộ chỉ lấy công làm lãi. Anh hy vọng giá sẽ tiếp tục tăng để bù lại phần nào lợi nhuận cho người sản xuất.

Để sản xuất bền vững

Tỉnh Đắk Lắk hiện có 33.100 ha hồ tiêu, sản lượng năm 2021 đạt 76.700 tấn. Những năm gần đây, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, người dân tích lũy được nhiều kinh nghiệm nên chất lượng hạt tiêu sau thu hoạch được đánh giá tốt hơn so với trước. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền các cấp cũng tích cực vận động nhân dân sản xuất hồ tiêu bền vững.

Theo bà Vũ Thị Thanh Bình, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk, liên kết sản xuất hồ tiêu không ổn định và thời tiết, biến đổi khí hậu diễn biến thất thường là những khó khăn lớn trong sản xuất hồ tiêu bền vững. Tỉnh Đắk Lắk đã có những chính sách hỗ trợ, tập huấn, hướng dẫn nông dân sản xuất đúng quy trình, có giấy chứng nhận, hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại.

Tuy nhiên, để sản xuất hồ tiêu bền vững, người nông dân cần thường xuyên theo dõi tình hình sinh trưởng, phát triển của cây hồ tiêu, nắm tình hình sâu bệnh hại để có biện pháp xử lý kịp thời hoặc báo với cơ quan chuyên môn can thiệp ngay.

Ông Nguyễn Văn Minh, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Cư Kuin cho biết, quan điểm của huyện là giữ vững diện tích hai cây trồng chủ lực là cà phê và hồ tiêu. Hiện nay, phụ phẩm nông nghiệp của huyện có khoảng 100.000 tấn. Huyện đang khuyến cáo người dân hạn chế sử dụng phân vô cơ, thuốc hóa học, tích cực sử dụng phân hữu cơ, thuốc sinh học; sử dụng phương pháp tưới tiết kiệm và duy trì hệ thống trụ sống trong vườn hồ tiêu, trồng xen hồ tiêu với cà phê để đạt năng suất cao hơn.

Kỳ vọng về giá hồ tiêu năm 2022 tiếp tục tăng, đó là mong mỏi của ngành chuyên môn cũng như người nông dân để nông dân có lãi, có động lực duy trì vườn cây. Về lâu dài, nông dân Đắk Lắk kỳ vọng giá hồ tiêu hữu cơ cạnh tranh được và được bao tiêu toàn bộ sản phẩm, tiến đến xây dựng thương hiệu để sản xuất hồ tiêu bền vững, ổn định, không phải thất vọng mỗi khi “được mùa mất giá” hay “được giá mất mùa”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đắk Lắk: Giá hồ tiêu tăng nhưng nông dân 'kém vui'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO