Đắk Lắk: Hoang mang vì khai thác cát

Nguyễn Tuấn Anh 21/03/2017 08:15

Bên cạnh việc cung cấp nước tưới cho hàng trăm ngàn héc ta cây trồng của người dân, các dòng sông ở Tây Nguyên còn cung cấp cát, sỏi phục vụ cho nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng. Thế nhưng với việc khai thác cát tràn lan và có phần buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng ở các địa phương đã khiến nhiều diện tích đất canh tác của người dân bị cuốn trôi, gây sạt lở, thay đổi dòng chảy ảnh hưởng không chỉ đến đời sống dân sinh mà các công trình hạ tầng cũng bị đe dọa.

Nhiều diện tích đất canh tác của người dân ven sông bị sạt lở.

Thôn 2, xã Cư Kty (huyện KRông Bông) cả thôn có hơn 30 héc ta đất sản xuất nằm sát sông Krông Na, vậy nhưng những năm qua cứ mỗi lần lũ lên, nước về lại cuốn đi một phần diện tích đất của bà con. Hiện cánh đồng này chỉ còn hơn 10 héc ta.

Ông Võ Văn Hạnh người dân thôn 2, chia sẻ: Nhà tôi có ruộng mía ở gần sông trước đây cây cối ở hai bên bờ sông còn nhiều nên tình trạng sạt lở rất ít, vậy mà khi các đơn vị khai thác cát về đây thì sông đã cuốn mất đất của nhà tôi hơn 20m. Trung bình mỗi năm con sông này lấn vào đất sản xuất hai bên bờ khoảng 5m. Trước đây lòng sông này rộng chưa đầy 25 m thì nay đã lan rộng ra từ 50 đến 70m.

Không chỉ đất sản xuất bị mất mà nhiều hộ dân đang rất hoang mang khi nhà cửa, tính mạng cũng hàng ngày bị dòng sông đe dọa, hiện nhiều hộ ở cách bờ sông chưa đầy 100m. Nguyên nhân mất đất theo phản ánh của bà con là do các doanh nghiệp, hộ gia đình sử dụng các loại phương tiện có công suất lớn khai thác cát bừa bãi ở dưới lòng sông, khiến dòng chảy thay đổi.

Người dân đã có kiến nghị với chính quyền địa phương. Đại diện lãnh đạo huyện Krông Bông cho biết, sau khi nhận được phản ánh của người dân thì huyện đang cho kiểm tra, rà soát lại những nơi bị sạt lở và tìm hiểu nguyên nhân để báo cáo UBND tỉnh nhằm tìm biện pháp khắc phục.

Được biết hiện trên khúc sông Krông Na chạy qua địa bàn huyện Krông Bông có chiều dài 27km đang được UBND tỉnh Đắk Lắk cấp phép cho Công ty khai thác cát Tây Nguyên, Công ty TNHH Hưng Vũ và một số công ty ở huyện Krông Pắk khai thác cát.

Cùng chung hoàn cảnh với người dân ở huyện Krông Bông, tại huyện Ea Kar tình trạng khai thác cát trên sông Krông Pắk chảy qua địa bàn huyện này ngày càng diễn ra phức tạp cũng khiến hàng trăm hộ dân lo lắng vì đất sản xuất của họ đang bị dòng sông “cuốn đi từng ngày”.

Ông Hồ Văn Khang, trú tại thôn 4, xã Ea Ô, huyện Ea Kar bức xúc: “Trước đây gia đình tôi có hơn 1 sào đất trồng lúa ven sông, canh tác cả chục năm nay cũng không bị ảnh hưởng gì. Vậy mà từ khi tỉnh cấp phép cho Công ty TNHH Khai thác cát Đoàn Kết tới khai thác, phần đất của gia đình tôi bắt đầu bị sạt lở. Tới năm 2016, toàn bộ gần 1 sào đất của tôi trôi hết xuống sông. Tôi đã làm đơn gửi xã để yêu cầu bồi thường nhưng chưa được giải quyết”.

Trao đổi với phóng viên, ông Nông Văn Hợp, Thôn trưởng thôn 7b, xã Ea Ô cho biết: “Trước tình trạng này, người dân đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền xã và huyện nhưng chưa thấy các cơ quan chức năng vào cuộc. Chúng tôi cũng đã phản ánh lên doanh nghiệp khai thác, họ nói sẽ hỗ trợ cho người dân nhưng đến giờ vẫn chưa thấy gì”.

Được biết, đầu năm 2014, UBND tỉnh Đắk Lắk đã cấp phép cho Công ty TNHH Khai thác cát Đoàn Kết được quyền khai thác cát trên lòng sông Krông Pắk chảy qua địa bàn huyện Ea Kar.

Tuy nhiên, trong quá trình khai thác, doanh nghiệp này đã không tuân thủ các quy định dẫn đến nhiều diện tích đất của người dân bị sạt lở, nhấn chìm xuống sông. Không chỉ đất canh tác, mà ngay cả cây cầu số 1 bắc qua sông Krông Pắk nối liền thôn 4 với các thôn 7b, 6a, 6b cũng sụt lún nghiêm trọng.

Tại hiện trường, toàn bộ bê tông gia cố bảo vệ mố cầu bị sụt, trượt sâu khoảng 5m, dài khoảng 12m; mặt cầu sụt lún, nứt dài, phía dưới xung quanh mố cầu được đổ đất, đóng cọc tre để gia cố tạm thời.

Cầu số 1 tại xã Ea Ô nằm trong Dự án Hồ Krông Pắk Thượng, được Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 8 thuộc Bộ NN-PTNT thi công hoàn thành, bàn giao cho UBND huyện Ea Kar sử dụng, quản lý từ tháng 1-2016 với tổng số vốn đầu tư 20 tỷ đồng.

Theo ông Mai Quang Vượng, Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 8 thuộc Bộ NN-PTNT, nguyên nhân sụt lún cầu không chỉ do nước lũ dâng cao, thay đổi dòng chảy mà còn do doanh nghiệp khai thác cát quá gần cầu. Chúng tôi đã có báo cáo gửi lên Bộ NN-PTNT để Bộ phối hợp cùng UBND tỉnh Đắk Lắk có giải pháp phù hợp để doanh nghiệp khai thác cát cách xa cầu”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đắk Lắk: Hoang mang vì khai thác cát

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO