Đảm bảo quyền lợi của người bị thu hồi đất

Quốc Định 15/02/2023 16:15

Sửa đổi Luật Đất đai cần làm rõ hơn phần nội dung, mục đích thu hồi đất. Đối với dự án liên quan đến doanh nghiệp tư nhân, phải để người bị thu hồi tham gia ngay từ đầu, đồng thời để họ tự thoả thuận với doanh nghiệp, tránh gây thiệt hại cho dân.

Đó là những ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức ngày 15/2 tại TP HCM.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại hội nghị.

Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Khoá XV tới dự và chủ trì Hội nghị. Hội nghị thu hút sự tham gia của lãnh đạo Uỷ ban MTTQ Việt Nam một số tỉnh, thành khu vực phía Nam; đặc biệt các chuyên gia, các nhà khoa học; các Luật sư; lãnh đạo nhiều sở, ngành… tham gia góp ý kiến.

Góp ý cho Dự thảo Luật, PGS - TS Nguyễn Quang Tuyến (Trường Đại học Luật Hà Nội) cho rằng, việc thu hồi đất luật cần giải thích rõ các tiêu chí thế nào là vì lợi ích công cộng để tránh việc lạm dụng vì lợi ích của tư nhân. Đối với dự án do doanh nghiệp tư nhân thực hiện cần để cho người dân và doanh nghiệp tự thoả thuận.

Về thu hồi đất xây dựng hạ tầng cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu tập trung người lao động, theo ông Tuyến, luật cần phải thể hiện rõ trong đó bao gồm xây dựng cả vật chất và tinh thần, chứ không chỉ có quy định xây nhà vì hiện nay đời sống tinh thần của người lao động ở các khu vực nói trên hầu hết đang rất kém.

Ông Tuyến cũng đề nghị, trong quá trình xây dựng phương án bồi thường, người bị thu hồi phải được tham gia ngay từ đầu. “Không xây rồi mới hỏi ý kiến người dân, đặt chuyện đã rồi, lúc đó ý kiến của người dân gần như không có tác dụng, gây thiệt thòi cho người bị thu hồi. Trong trường hợp tỷ lệ người dân không đồng tình cao thì phải giải trình, thay đổi phương án như thế nào cũng cần phải được đưa vào luật”, ông Tuyến nhấn mạnh.

Quang cảnh Hội nghị.

Cũng đề cập đến các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, cộng đồng tại Điều 78 của Dự thảo, bà Ung Thị Xuân Hương, nguyên Chánh án Toà án TP HCM đánh giá, đối chiếu với Luật hiện hành có thể thấy quy định của Dự thảo có phạm vi mở rộng hơn, cụ thể hơn. Tuy nhiên, để thống nhất nhận thức và tránh phát sinh những bất cập trong quá trình thực hiện, cần làm rõ mục đích, tiêu chí trường hợp thật cần thiết Nhà nước phải tiến hành thu hồi.

Theo bà Hương, thu hồi đất là vấn đề liên quan đến nhiều tổ chức, lực lượng và quyền lợi, sinh kế của nhiều người dân. Đây cũng là một trong những lĩnh vực nhạy cảm có nhiều khiếu kiện. Do vậy, nên có quy định cho những trường hợp cụ thể để giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa Nhà nước, chủ đầu tư và người sử dụng đất; đồng thời, giúp các địa phương có sự chủ động hơn trong việc thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trên cơ sở đặc điểm tình hình cụ thể của mỗi địa phương.

Trong khi đó, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam quan tâm đến nội dung dự thảo, về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, tại Điều 225 Dự thảo Luật quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp về đất đai theo hướng chuyển toàn bộ sang cho Tòa án nhân dân giải quyết; UBND các cấp không giải quyết tranh chấp đất đai mà chỉ cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất để làm căn cứ cho Tòa án nhân dân giải quyết.

Theo ông Hậu, mặc dù trải qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung, song pháp luật nước ta luôn giao cho UBND là một trong những cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai. Bởi vì đây là cơ quan có chức năng quản lý Nhà nước về đất đai, nên việc thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến nguồn gốc đất, liên quan đến quá trình sử dụng đất rất thuận lợi, do các hồ sơ, tài liệu này đều đang được lưu giữ tại cơ quan hành chính.

Việc hoàn thiện Luật Đất đai sẽ giúp người dân yên tâm hơn trong việc sử dụng cũng như đầu tư kinh doanh.

Ông Hậu nhận xét, cơ chế giải quyết thông qua UBND thủ tục đơn giản hơn, người dân không phải nộp lệ phí. Dự thảo đã sửa theo hướng bỏ thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của UBND là đã thu hẹp bớt quyền của người dân, đã bỏ đi một cơ chế giải quyết có tính linh hoạt và có tính ưu việt riêng.

Thêm vào đó, do đất đai là một đối tượng vô cùng phức tạp nên việc chỉ giao thẩm quyền giải quyết tranh chấp cho Tòa án nhân dân thì sẽ gây ra tình trạng ùn ứ, kéo dài thời gian giải quyết tranh chấp giải quyết đất đai, trong khi vụ việc đã có thể kết thúc ngay từ những buổi làm việc tại UBND.

Ông Ngô Sách Thực, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam kiến nghị, theo quy định dự thảo Luật phải kèm theo dự thảo Nghị định của Chính phủ. Phải tổ chức lấy ý kiến dự thảo các Nghị định kèm theo Dự thảo Luật mới bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ. Cần bổ sung, hoàn thiện các quy định bảo đảm công khai, minh bạch như: Công khai giá đất, bắt buộc giao dịch qua các sàn giao dịch, thanh toán qua ngân hàng, không dùng tiền mặt; xử lý nghiêm các vi phạm. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện các quy định để đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất. Xây dựng hệ thống thông tin thị trường bất động sản gắn với thông tin đất đai; có chính sách khuyến khích phát triển thị trường quyền sử dụng đất, nhất là thị trường cho thuê đất nông nghiệp.

Ngoài ra, ông Thực cũng đề nghị, cần hoàn thiện cơ sở pháp lý và tăng cường thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch bất động sản. Có cơ chế bảo đảm thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, an toàn, bền vừng; kiểm soát chặt chẽ, khắc phục tình trạng đầu cơ đất đai.

Phát biểu kết thúc Hội nghị, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cảm ơn những đóng góp quý báu của các đại biểu, đồng thời cho biết sẽ tập hợp các ý kiến để có kiến nghị tới các cơ quan chức năng liên quan, nhằm điều chỉnh các luật cho phù hợp với tình hình thực tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đảm bảo quyền lợi của người bị thu hồi đất

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO