Đảm bảo quyền lợi giáo viên

Hàn Minh 30/11/2021 06:50

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã ban hành thông tư mới liên quan đến việc bổ nhiệm, thăng hạng, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non, phổ thông công lập.

Trong đó, một số nội dung khiến giáo viên lo lắng như quy định xếp lương theo trình độ chuẩn được đào tạo quy định trong Luật Giáo dục 2019… nhưng không tính đến quá trình giảng dạy.

Cụ thể, theo thông tư mới, giáo viên THPT hạng 1 muốn giữ hạng phải có bằng thạc sĩ song nhiều giáo viên lâu năm, lớn tuổi sẽ khó khăn để đi học thạc sĩ bổ sung. Mặc dù đã “bỏ” chứng chỉ tin học và ngoại ngữ trong việc bổ nhiệm, thăng hạng, nhưng theo quy định mới này, giáo viên nếu muốn giữ hạng, nâng hạng phải đi học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp cùng các bằng cấp theo quy định Luật Viên chức 2010 và Nghị định số 101 của Chính phủ.

Vẫn biết đây là quy định chung đối với viên chức của tất cả các ngành, các lĩnh vực, không riêng gì ngành Giáo dục song trên thực tế, những kiến thức này khi học xong không ứng dụng nhiều vào công việc giảng dạy của giáo viên trong khi để đáp ứng theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo viên phải bồi dưỡng, tập huấn và tự học rất nhiều. Vì vậy, đa số giáo viên có chung kiến nghị với Bộ GDĐT khi xét nâng ngạch giáo viên cần tính đến các điều kiện cụ thể khác cho phù hợp.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc với Bộ GDĐT, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính. Phó Thủ tướng yêu cầu việc sửa đổi các thông tư, quy định liên quan đến xếp hạng chức danh nghề nghiệp, xếp lương cho giáo viên cần công bằng, không bị thiệt thòi, “thực sự có sự đổi mới về chế độ cho giáo viên”.

Bộ GDĐT tổ chức khảo sát nguyện vọng, thu thập phản ánh của giáo viên cả nước về xếp hạng, xếp lương, tiếp thu đầy đủ, kỹ lưỡng những ý kiến đóng góp xác đáng vào thông tư mới, có kế hoạch để triển khai thống nhất, đồng bộ trên toàn quốc sau khi ban hành, không để giáo viên bị thiệt thòi.

Bộ GDĐT, Bộ Tài chính rà soát những vấn đề bất cập liên quan đến chế độ, chính sách lương, phụ cấp đối với giáo viên hợp đồng đúng theo công việc giảng dạy đang thực hiện; rà soát lộ trình sắp xếp, cơ cấu lại giáo viên ở các địa phương theo hướng giảm nhưng không để thiếu giáo viên đứng lớp.

Câu chuyện lương và chính sách đãi ngộ đối với nhà giáo lâu nay vẫn là đề tài “nóng” trên tất cả các diễn đàn. Song bàn nhiều, thay đổi cũng đã có nhưng vẫn còn những bất cập, vướng mắc cần gỡ để thực sự giáo viên không bị thiệt thòi. Trong đó, mong muốn giáo viên sống được bằng lương là vấn đề đặt ra rốt ráo, như vậy mới giữ chân được người giỏi, thu hút học sinh giỏi vào ngành sư phạm để nâng cao chất lượng đội ngũ, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục căn bản và toàn diện.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đảm bảo quyền lợi giáo viên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO