Đảm bảo sự liên thông, thông suốt để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số

Nguyễn Phượng 29/10/2021 11:45

Ngày 29/10, Ủy ban Dân tộc tổ chức hội thảo góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, do Ủy ban Dân tộc quản lý; thông tư hướng dẫn quy trình đánh giá, giám sát thực hiện chương trình. Ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc dự và chủ trì hội nghị. Cùng tham dự còn có đại diện các Bộ, ngành Trung ương và đại diện lãnh đạo tỉnh tại các điểm cầu.

Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu đã làm rõ những nội dung liên quan đến Thông tư hướng dẫn quy trình giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025; Hướng dẫn thực hiện Dự án 1, Dự án 2, Dự án 4, Dự án 9, Tiểu dự án 4 của Dự án 5 và Tiểu dự án 1, Tiểu dự án 2 của Dự án 10 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025.

Theo đó, Ủy ban Dân tộc chủ trì, xây dựng kế hoạch giám sát, đánh giá; phối hợp với các Bộ, cơ quan Trung ương tổ chức giám sát, đánh giá tại các địa phương; xây dựng hệ thống báo cáo số liệu ứng dụng các giải pháp số hóa của Chương trình; đồng thời tổng hợp, báo cáo chung kết quả giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình trên phạm vi toàn quốc.

Ban tổ chức chủ trì hội thảo.
Ban tổ chức chủ trì hội thảo.

Góp ý tại hội thảo, ông Hà Thanh Sơn, Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh cho biết, qua nghiên cứu cho thấy dự án đã giải quyết được tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số. Đối với tỉnh Trà Vinh, qua rà soát năm 2019, tại thời điểm đó nhiều người dân đạt chuẩn hộ nghèo nhưng đến thời điểm này khi một số xã đã đạt những tiêu chí cơ bản của xã nông thôn mới thì tiêu chí hỗ trợ có thay đổi? Cần bổ sung thêm hướng dẫn để thực hiện các dự án không? Ông Hà Thanh Sơn cũng kiến nghị Trung ương sớm ban hành quy tắc, tiêu chí và định mức phân bổ. Có thể nghiên cứu việc phân bổ vốn theo những nguyên tắc đặc thù.

Cùng quan điểm, ông Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho rằng, sau khi nhận được dự thảo tài liệu của Ủy ban Dân tộc, tỉnh Hòa Bình đã gửi công văn hỏa tốc tới các sở, ngành trên địa bàn tỉnh để làm rõ các nội dung của tiểu dự án và dự án. Tuy nhiên, đối với việc hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần cân nhắc các trường hợp đã được hỗ trợ nhà ở theo các chương trình khác để tránh trùng lắp.

Ở góc độ khác, theo ông Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, đề án sẽ góp phần thay đổi đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, trước đây chúng ta đã thực hiện nhiều dự án nhưng nhiều nội dung chưa đạt được như mong muốn. Do đó, để dự án này đạt được hiệu quả như mong muốn các Bộ, ngành Trung ương cần quyết liệt hơn trong chỉ đạo, thực hiện. Đặc biệt, khi triển khai thực hiện đề án, tiểu đề án không nên quy định cứng cách thức thực hiện mà nên linh hoạt để đáp ứng được yêu cầu thực tế của từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiêm Ủy ban Dân tộc phát biểu tại hội thảo.
Ông Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Bộ Trưởng, Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, các ý kiến của các sở, ngành liên quan, các huyện, thành phố và UBND các tỉnh đã thể hiện tinh thần cầu thị, thể hiện trách nhiệm đối với công tác dân tộc. UBND các tỉnh cũng đã phối hợp chặt chẽ, đưa ra những ý kiến sâu sắc thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình phối hợp. Tuy nhiên, trước khi Thông tư được ban hành thì cần có một khoảng thời gian để thực hiện nên đề nghị Ban Soạn thảo Trung ương tiếp thu tối đa các ý kiến phát biểu tại hội thảo và các văn bản góp ý của các địa phương thành từng nhóm vấn đề.

“Những vấn đề mới, cần phải được phân cấp để đưa ra các giải pháp tiếp thu, thực hiện cho hiệu quả. Đối với những vấn đề phát sinh trong thực tiễn cuộc sống cũng cần có sự phân tích chu đáo, vận dụng linh hoạt, thực hiện cho phù hợp, bám sát vào cơ sở pháp lý, đồng bộ, thống nhất để khi thực hiện không vướng mắc. Thông tư phải rõ ràng để đảm bảo cho các địa phương khi triển khai không vướng mắc, đảm bảo sự liên thông, thống nhất từ trên xuống”, ông Hầu A Lềnh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đảm bảo sự liên thông, thông suốt để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO