Đảm bảo tính khả thi

Minh Thủy 30/07/2022 07:30

Liên quan đến thông tin từ ngày 25/8/2022, các hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, mới đây đại diện lãnh đạo Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: “Đó là cách hiểu chưa đúng”. Bởi, theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, việc xử phạt là cần thiết nhưng phải có lộ trình và đúng thời điểm. Vậy, thế nào là “hiểu đúng” về vấn đề này và chính xác thì bao giờ áp dụng xử phạt?

Ngày 7/7/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký, ban hành Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, thay thế Nghị định 155/2016 và Nghị định 55/2021. Theo đó, các hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác thải rắn; hoặc không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định, sẽ bị phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng. Nghị định có hiệu lực từ ngày 25/8/2022.

Khi “lệnh xử phạt” đến gần, người dân có nhiều thắc mắc, bày tỏ lo ngại sẽ bị phạt nặng về hành vi không phân loại rác từ thời điểm ngày 25/8/2022. Trong khi không phải người dân nào, hộ gia đình nào cũng hiểu rõ khái niệm “phân loại chất thải rắn tại nguồn” là gì, thế nào là “chất thải rắn sinh hoạt”, và nếu vi phạm thì ai sẽ đứng ra phạt, nộp tiền phạt cho ai, có biên lai không...

Riêng về khái niệm “chất thải rắn sinh hoạt”, theo đại diện Vụ Quản lý chất thải (Tổng cục Môi trường) được TTXVN trích dẫn thì việc phân loại dựa trên các yêu cầu xử lý và theo 3 nhóm, gồm: Chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác. Bên cạnh đó, các địa phương có thể tổ chức phân chia thêm thành các nhóm chất thải như: Chất thải nguy hại; chất thải cồng kềnh; chất thải thuộc nhóm sản phẩm, bao bì tái chế theo trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu.

Như vậy là không dễ hiểu để thực hiện cũng như rất dễ bị “xử oan” vì cách hiểu về các loại chất thải rắn sinh hoạt vẫn thiếu rõ ràng.

Trở lại vấn đề bao giờ thì xử phạt? Đại diện lãnh đạo Tổng cục Môi trường cho biết, ngày 25/8/2022 là thời điểm Nghị định 45 có hiệu lực, chứ không phải thời điểm áp dụng chế tài xử phạt, vì với hành vi “không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định” hiện vẫn chưa có quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, UBND cấp tỉnh dựa vào hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường để xây dựng hướng dẫn về phân loại chất thải tại nguồn. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đang chuẩn bị lấy ý kiến các địa phương về hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Sau khi bộ này ban hành hướng dẫn thì các tỉnh, thành phố sẽ căn cứ vào điều kiện thực tế về hạ tầng kỹ thuật, công nghệ xử lý rác ở địa phương mình để quy định chi tiết việc này.

Để đảm bảo tính khả thi, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã đưa ra một số quy định. Trong đó, căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, UBND cấp tỉnh quyết định việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt với thời hạn áp dụng chậm nhất là ngày 31/12/2024.

Vì thế, lộ trình phạt - nộp phạt thực hiện chậm nhất là vào ngày 31/12/2024. Luật “cho” thời gian khá dài để triển khai áp dụng chế tài trên. Cho đến ngày 1/1/2025, phân loại chất thải rắn sinh hoạt là việc làm bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình. Đến thời điểm đó, nếu không thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Trước thời điểm đó, các cấp sẽ vận động cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, để việc này trở thành thói quen, thành ý thức của người dân.

Lâu nay, chuyện rác thải đã gây bức xúc trong cộng đồng, không chỉ ở thành thị mà cả ở nông thôn. Chất thải vẫn được hiểu chung cho tất cả các loại, từ thực phẩm thừa, phế liệu xây dựng, bao bì hóa chất, chất thải bệnh viện... cũng đều là rác cả. Điều đó dẫn đến mối nguy cho môi trường, kể cả phát sinh bệnh tật cho gia súc, cho người. Chất thải cũng không được gom lại một chỗ mà bỏ khắp nơi, rất tùy tiện. Có những nơi rác thải lưu cữu, bốc mùi hôi thối từ ngày nọ sang ngày kia, sinh ra hàng đàn chuột “khủng” cũng như ruồi muỗi rất mất vệ sinh, gieo rắc mầm bệnh. Trong cộng đồng, đôi khi việc xả rác vô ý thức dẫn đến xích mích cãi cọ, mất đoàn kết.

Vì thế, không chỉ chất thải rắn sinh hoạt cần phải được phân loại tại nguồn, mà với các loại chất thải khác gọi chung là rác, thì “chủ nhân” của nó cũng cần phải có ý thức. Phạt vi phạm là cần thiết, và cũng cần lộ trình, cần hướng dẫn cụ thể để người dân làm quen, xây dựng ý thức thông qua việc nhắc nhở. Vì vậy, tới ngày 1/1/2025 mới chính thức phạt hành chính các hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn nhằm đảm bảo tính khả thi, là đúng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đảm bảo tính khả thi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO