Đảm bảo tối đa quyền của người tự ứng cử

Trần Duy Hưng (thực hiện) 26/04/2021 08:30

Cùng với hệ thống Mặt trận cả nước, đến nay MTTQ tỉnh Thái Bình đã hoàn tất quy trình hiệp thương lựa chọn, giới thiệu những người đang cư trú, công tác ở địa phương ứng cử ĐBQH khoá XV, đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026. Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Giang, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thái Bình.

Ông Nguyễn Văn Giang.

PV: Ông có thể cho biết kết quả công tác hiệp thương, giới thiệu người ứng cử ĐBQH và HĐND tỉnh khóa mới của MTTQ Việt Nam tỉnh Thái Bình. Ông đánh giá như thế nào về kết quả hiệp thương đã đạt được?

Ông Nguyễn Văn Giang: Theo phân bổ của Hội đồng Bầu cử quốc gia, kỳ này tỉnh Thái Bình được bầu 9 ĐBQH (trong đó có 5 đại biểu là người đang cư trú, công tác tại địa phương; 4 đại biểu do Trung ương giới thiệu). Về HĐND tỉnh, kỳ này tỉnh được bầu 62 đại biểu.

Xác định công tác bầu cử là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng nên thời gian qua, MTTQ các cấp trong tỉnh đã nghiêm túc quán triệt sâu sắc chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương; bám sát các quy định của luật; xác định rõ các nội dung, phần việc của công tác Mặt trận tham gia bầu cử.

Qua đó, MTTQ các cấp trong tỉnh đã triển khai đầy đủ, nghiêm túc các nhiệm vụ được giao, với các nhiệm vụ chính là phối hợp thực hiện tuyên truyền về bầu cử; thực hiện quy trình hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử, gồm lấy ý kiến cử tri nơi công tác, nơi cư trú và tổ chức 3 hội nghị hiệp thương về số lượng, thành phần, cơ cấu; lập danh sách sơ bộ và danh sách chính thức người được giới thiệu ứng cử; phối hợp tổ chức tiếp xúc giữa người ứng cử và cử tri…

Kết quả, đến nay MTTQ tỉnh đã hiệp thương, lựa chọn giới thiệu được 11 người ứng cử ĐBQH, 107 người ứng cử HĐND tỉnh. Chúng tôi đánh giá kết quả hiệp thương đảm bảo đúng luật, dân chủ, đúng tiến độ, thể hiện ý chí, nguyện vọng của cử tri và nhân dân trong tỉnh. Những người được giới thiệu đảm bảo đủ về số lượng, thành phần, cơ cấu, tiêu chuẩn và số dư theo quy định.

Được biết, kỳ này, tỉnh Thái Bình có một người tự ứng cử ĐBQH. Tại hội nghị hiệp thương lần hai, người này được MTTQ tỉnh hiệp thương, nhất trí đưa vào danh sách sơ bộ những người được giới thiệu ứng cử nhưng ở hội nghị hiệp thương lần ba, người này không đạt được tín nhiệm để đưa vào danh sách chính thức. Ông có thể chia sẻ thêm về việc này?

- Đúng vậy, kỳ này tỉnh Thái Bình có 1 người tự ứng cử là Tiến sỹ Ngô Sỹ Trung - Giảng viên, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển thuộc Trường Đại học Nội vụ Hà Nội. Cũng cần nói thêm, người tự ứng cử quê ở Thái Bình nhưng đang cư trú và công tác ở Hà Nội.

Để đảm bảo tối đa quyền ứng cử của công dân, tại Hội nghị hiệp thương lần hai, các đại biểu tham dự thống nhất đưa ông Ngô Sỹ Trung vào danh sách sơ bộ những người được giới thiệu ứng cử. Sau Hội nghị hiệp thương lần hai, MTTQ tỉnh đã hướng dẫn, triển khai việc lấy ý kiến nhận xét, tín nhiệm, giới thiệu của cử tri nơi ông Ngô Sỹ Trung đang công tác là Trường Đại học Nội vụ Hà Nội và cử tri ở quê nhà ông Ngô Sỹ Trung.

Kết quả, người tự ứng cử được 100% cử tri ở quê tín nhiệm nhưng chỉ được 41,3% (45/109 phiếu) cử tri nơi công tác tín nhiệm, giới thiệu ứng cử, không đảm bảo trên 50%. Đến ngày 6/4/2021, Ủy ban MTTQ tỉnh nhận được đơn tố cáo của một số công dân ở Hà Nội, tố cáo người tự ứng cử và vợ có hành vi chiếm đoạt tài sản (vay tiền nhưng không trả). Rất thận trọng, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh sau đó đã có văn bản đề nghị Công an tỉnh Thái Bình xác minh sự việc. Kết quả, cơ quan công an xác minh việc vay mượn tiền của ông Ngô Sỹ Trung và vợ là đúng, đến nay vẫn chưa trả những người cho vay, dẫn đến khiếu kiện, gây phức tạp về an ninh trật tự.

Tuy đã có kết quả xác minh của cơ quan chức năng có thẩm quyền nhưng để đảm bảo quyền ứng cử của công dân, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh vẫn đưa ông Ngô Sỹ Trung vào danh sách 12 người trình Hội nghị hiệp thương lần ba để hội nghị xem xét, quyết định (1 người trước hội nghị hiệp thương lần 3 có đơn xin thôi ứng cử - PV).

Việc thảo luận tại hội nghị sau đó diễn ra rất dân chủ, với các ý kiến nhận xét, đánh giá công khai, thẳng thắn về những người được giới thiệu ứng cử, tự ứng cử. Để đảm bảo dân chủ, khách quan, công bằng, hội nghị sau đó đã quyết định lựa chọn hình thức lựa chọn, giới thiệu người ứng cử bằng hình thức bỏ phiếu kín, thay bằng giơ tay biểu quyết.

Kết quả, 11/12 người trong danh sách do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh trình hội nghị đều đạt sự tín nhiệm cao. Riêng ông Ngô Sỹ Trung, người tự ứng cử chỉ được 1/46 phiếu tín nhiệm, giới thiệu, không đạt đủ sự tín nhiệm cần thiết để được giới thiệu ứng cử làm ĐBQH khóa XV.

Chúng ta đều biết, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta là khuyến khích, tạo điều kiện cho công dân ứng cử vào các cơ quan dân cử. Nhưng việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử phải dựa trên kết quả của quy trình hiệp thương, dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan, công bằng, vì kết quả này hội tụ, thể hiện rõ nhất ý chí, nguyện vọng của cử tri và nhân dân.

Hiện tại MTTQ các cấp trong tỉnh Thái Bình đang tập chung chuẩn bị phối hợp tổ chức thật tốt hoạt động tiếp xúc cử tri, đảm bảo quyền vận động bầu cử của những người ứng cử đồng thời giúp cử tri hiểu rõ hơn về những người ứng cử trước khi lựa chọn, bầu.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đảm bảo tối đa quyền của người tự ứng cử

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO