Dân chủ và hài hòa lợi ích - điều kiện quan trọng để phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc

Nguyễn Túc  (Ủy viên Đoàn Chủ tịch  Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) 10/10/2015 09:05

Công cuộc đổi mới đất nước đến nay đã được 30 năm. Nhờ có đổi mới mà đất nước ta đã ra khỏi tình trạng kém phát triển và bước vào hàng ngũ những nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình; đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt; khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được mở rộng, củng cố và tăng cường… như Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã nêu.

Những thành tựu đó là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó “Đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm “Dân là gốc”, vì lợi ích của nhân dân, dựa vào dân phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Triển khai Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội do Đại hội VII của Đảng đề ra và Nghị quyết của các thời kỳ Đại hội tiếp theo, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị quan trọng về đại đoàn kết dân tộc ở các lĩnh vực khác nhau. Gần đây nhất, ngày 12/12/2013 Bộ Chính trị (Khóa XI) ban hành Quyết định số 217 về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” và Quyết định 218 “Về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng và xây dựng chính quyền”.

Nhiều Nghị quyết nêu trên đã từng bước thể chế hóa thành luật, pháp lệnh, chính sách và thể hiện ngày càng rõ nét tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc. Thực hiện các Nghị quyết trên, nhiều cấp ủy đã quan tâm hơn đến sự nghiệp đại đoàn kết, đến công tác dân vận - Mặt trận, đến củng cố, tăng cường cán bộ, phương tiện và điều kiện cho công tác Mặt trận. Quyền làm chủ của nhân dân trong việc tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế xã hội được thể chế hóa đã từng bước được phát huy… Đó là những yếu tố cực kỳ quan trọng, là động lực chủ yếu đảm bảo ổn định chính trị - xã hội và thúc đẩy đất nước phát triển.

Cùng với những chuyển biến và tiến bộ nêu trên, nhiều vấn đề mới đã và đang nảy sinh trong quá trình đổi mới. Đó là xã hội, giai cấp, tầng lớp, nhóm dân cư đang trong quá trình phân hóa.

Giai cấp công nhân: Phát triển nhanh về số lượng và đa dạng về ngành nghề. Với khoảng 11 triệu người chiếm hơn 47% lực lượng lao động xã hội, trong đó trên hai phần ba đang làm việc trong khu vực kinh tế tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; một bộ phận đang gặp rất nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế toàn cầu. Mong muốn của công nhân lúc này là có việc làm ổn định, có nhà ở, đời sống văn hóa và điều kiện học hành cho con em tốt hơn, nhất là trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Giai cấp nông dân: Lực lượng đông đảo nhất với khoảng 20 triệu người vẫn đang trong quá trình chuyển hóa nhanh chóng. Đời sống của đại bộ phận nông dân được cải thiện rõ rệt. Trong lúc kinh tế đất nước gặp khó khăn, nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã góp phần rất quan trọng vào việc ổn định đời sống xã hội, hỗ trợ đắc lực cho công nghiệp, dịch vụ phát triển. Song mặt khác cũng cho thấy, đại bộ phận hộ nghèo hiện nay vẫn là nông dân, đặc biệt là nông dân vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.

Đội ngũ trí thức: Phát triển nhanh về số lượng và đa dạng hóa về ngành nghề. Với 4,9 triệu người, chiếm 11,5% lực lượng lao động xã hội, trí thức đang đi đầu trong các hoạt động khoa học, công nghệ, văn hóa, giáo dục và đào tạo, phát triển kinh tế tri thức, tạo ra nhiều công trình, sản phẩm khoa học có giá trị cao, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Điều lo lắng hiện nay của trí thức là đang hẫng hụt nghiêm trọng lớp trí thức đầu đàn, nhất là ở những ngành mũi nhọn, cũng như thiếu thốn phương tiện và điều kiện nghiên cứu khoa học.

Đội ngũ doanh nhân: Với sự phát triển của nền kinh tế nhiều thành phần đã hình thành nhanh chóng đội ngũ doanh nhân. Với khoảng 2 triệu người hoạt động trong khoảng 346.000 doanh nghiệp, doanh nhân giữ vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế, tạo việc làm, góp phần xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Song cũng đã xuất hiện ngày càng nhiều những “doanh nhân ma”, doanh nhân làm ăn bất chính; lừa đảo, chụp giật, lậu thuế, trốn thuế, không đóng bảo hiểm xã hội, gây ô nhiễm môi trường v.v…

Công nhân viên chức: Cả nước hiện có khoảng 2,4 triệu người, chiếm 5,6% lực lượng lao động xã hội. Bên cạnh số đông sống bằng đồng lương, cuộc sống còn nhiều khó khăn do giá cả leo thang, tuy Nhà nước đã nhiều lần tăng lương, đã xuất hiện một bộ phận bằng nhiều việc làm, nhiều biện pháp để có thêm thu nhập, kể cả những việc làm bất chính, vi phạm đạo đức của người cán bộ và pháp luật Nhà nước.

Cùng với sự chuyển hóa của các giai cấp và tầng lớp xã hội là sự chênh lệch ngày càng lớn về mức thu nhập và hưởng thụ giữa các vùng, miền; giữa người đương chức và người về hưu; giữa thành thị và nông thôn; giữa miền xuôi và miền ngược v.v… Sự phân hóa giàu nghèo có chiều hướng gia tăng đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tình hình nêu trên đã tác động mạnh mẽ đến khối đại đoàn kết. Vì vậy, tuy đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được mở rộng, củng cố và tăng cường như Dự thảo Báo cáo Chính trị nêu song chưa thật vững chắc và đang đứng trước những thách thức không thể xem thường.

Để đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng thực sự là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định, bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhân dịp Đảng tiến hành Đại hội các cấp tiến đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, nhân dân mong muốn: Đảng cần làm cho cả hệ thống chính trị, trước hết là các cấp ủy Đảng và người đứng đầu cấp ủy quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc và Mặt trận dân tộc thống nhất.

Cụ thể, cần nắm vững những quan điểm cơ bản và cũng là những định hướng chủ yếu sau đây về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong giai đoạn hiện nay.

1. Lợi ích cơ bản của nhân dân, của dân tộc ta ngày nay là độc lập, tự do và cuộc sống ấm no, hạnh phúc trong chủ nghĩa xã hội. Lợi ích đó thể hiện cụ thể hàng ngày trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng. Củng cố và tăng cường đoàn kết hiện nay không thể chung chung mà phải gắn chặt với việc đảm bảo các lợi ích đó của nhân dân.

2. Một trong những động lực thúc đẩy nhân dân tăng cường đoàn kết trong tình hình hiện nay là quyền làm chủ đất nước của nhân dân phải được tôn trọng. Pháp luật và những cơ quan thi hành pháp luật phải đảm bảo để nhân dân thực sự là người chủ, thực sự làm chủ đất nước, như Hiến pháp (sửa đổi, bổ sung) đã quy định.

3. Thắt chặt mối liên hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân không chỉ là trách nhiệm của Đảng và Nhà nước, mà còn là trách nhiệm của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và của toàn dân. Do đó, qua hoạt động của mình, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội cần không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để góp phần làm cho mối liên hệ giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước luôn luôn bền chặt, làm cho ý Đảng gắn với lòng dân.

4. Trong giai đoạn hiện nay, các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước có tác dụng trực tiếp và quyết định đến kết quả xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Vì vậy, MTTQ Việt Nam, các tổ chức trị - xã hội phải thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội để các chủ trương, chính sách sát cuộc sống, đáp ứng lợi ích của nhân dân. Và để Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội, Đảng lãnh đạo Nhà nước sớm Luật hóa các Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị.

***

Kiên trì thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” Đảng, Nhà nước và nhân dân ta quyết phát huy hơn nữa truyền thống đoàn kết, nhân nghĩa, khoan dung của tổ tiên, cùng nhau hợp sức xây dựng cho được một xã hội đồng thuận cao trên tinh thần cởi mở, độ lượng, tin cậy lẫn nhau vì sự ổn định và phát triển toàn diện và bền vững của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dân chủ và hài hòa lợi ích - điều kiện quan trọng để phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO