Dân khốn khổ bên dòng Sào Khê

ĐÌNH MINH 02/07/2021 06:18

Năm 2009, tỉnh Ninh Bình cho phá cây cầu cũ xây cầu mới nối đôi bờ con sông Sào Khê thơ mộng. Vậy nhưng, suốt hơn thập kỷ trôi qua, đến nay, cây cầu này có chiều dài chỉ 44m vẫn dang dở.

Mố cầu số 3 nằm ngay trước cổng nhà bà Đinh Thị Bỉ, khi hoàn thành sẽ chiếm trọn diện tích phía trước khiến gia đình bà không có lối đi.

Phá cầu trăm triệu, xây cầu chục tỷ

Năm 2009, dự án cầu Khê Đầu Hạ bắc qua sông Sào Khê nối giữa thôn Khê Hạ, xã Ninh Xuân (huyện Hoa Lư) và thôn Hoàng Sơn, xã Ninh Tiến (TP Ninh Bình) được UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt với tổng mức đầu tư 19 tỷ đồng.

Đây là một dự án thành phần nằm trong tổng dự án nạo vét bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê được lập và triển khai từ năm 2001. Chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án (BQLDA) đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình.

Cầu Khê Đầu Hạ thuộc công trình giao thông cấp IV, xây dựng tại xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư. Cầu dài 44 m, rộng 9 m xây dựng bằng bê tông cốt thép. Đến nay, sau 11 năm thi công, cầu Khê Đầu Hạ mới chỉ làm được một nửa theo thiết kế.

Phía cầu bên xã Ninh Tiến đã xong 2 mố cầu, phía trên đã được lắp mặt cầu, chưa có đường dẫn lên. Phía bờ thôn Khê Hạ, xã Ninh Xuân vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng nên đơn vị thi công chưa xây dựng được cầu.

Được biết, trước khi xây dựng cầu Khê Đầu Hạ, người dân 2 xã lưu thông bằng một cây cầu cứng nằm ở vị trí tương tự cầu mới đang xây. Cây cầu cũ bắc qua sông Sào Khê, có kinh phí hàng trăm triệu đồng, được xây vào khoảng những năm 2000 với thiết kế chắc chắn.

Trước khi bị phá bỏ vào năm 2009, cây cầu cũ vẫn phục vụ tốt cho việc giao thương, đi lại của người dân 2 xã. Sau khi cầu cũ phá bỏ, cây cầu mới mang tên Khê Đầu Hạ thi công được 1 năm, từ 2009 – 2010 thì “đắp chiếu” cho đến nay. Không có cầu mới, đơn vị thi công phải đổ tạm đất và đá dăm tạo thành một “con đường” lởm chởm dài gần 50m ngay sát chân cầu.

Theo ghi nhận, dọc con đường tạm có chi chít ổ voi, ổ gà và những hố sâu. Trời nắng thì bụi mù mịt, trời mưa nước đọng vào các hố, tạo thành những ao, hồ mini. Để di chuyển an toàn qua đây, người dân phải di chuyển rất chậm, thậm chí phải dắt bộ.

Đến mùa mưa lũ, khó khăn lại càng chồng chất khi nước sông Sào Khê dâng cao, làm ngập cả con đường. Để khắc phục, đơn vị thi công cho bắc tạm một cây cầu gỗ vừa đủ diện tích một chiếc xe ben đi qua. Tuy nhiên, do làm tạm nên chiếc cầu gỗ ọp ẹp.

Theo người dân 2 bên đầu cầu, khi chính quyền về phổ biến việc phá bỏ cầu cũ để xây cầu mới to hơn, người dân đã rất vui mừng, ủng hộ. Nhưng đến hiện tại, những gì họ nhận được là một cây cầu hàng chục tỷ nằm “đắp chiếu” và một con đường đất thảm hại.

“Không hiểu vì lý do gì mà họ làm cầu được một nửa rồi “biệt tích” luôn, đến giờ vẫn chưa thấy làm lại. Từ thôn lên thành phố thì đi qua con đường đất dưới chân cầu là ngắn nhất, vì thế bao năm nay dù đường xuống cấp dân vẫn phải đi. 10 năm trước, nghe có cầu mới to hơn, dân sướng lắm, chứ đâu ai nghĩ thực tế 10 năm sau nó sẽ như thế này. Nghĩ lại, thà không có cầu mới còn hơn”, chị Lê Thị Hương, 35 tuổi, người dân thôn Khê Hạ thở dài.

“Đắp chiếu” hơn 10 năm vì… vướng 32 m2 đất

Về cây cầu chục tỷ nằm “đắp chiếu”, theo quan sát, hiện tại, do dãi nắng dầm mưa suốt 11 năm nên nhiều hạng mục trên cầu đã xuống cấp. Các thanh sắt, thép đã bắt đầu bị hoen gỉ, các nắp bê tông cũng được vứt bừa bãi. Theo các hộ dân sống ngay sát cây cầu, khi thi công mố cầu quá cao, nhà thầu đã phải cắt bỏ xuống thấp. Tại hiện trường, chúng tôi ghi nhận những vết xi trát rất nham nhở ở phía mố thứ 2 của cây cầu.

Lý giải về nguyên nhân khiến dự án cầu Khê Đầu Hạ chưa thể tiếp tục thi công, ông Đinh Đức An - Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Hoa Lư cho biết: Mới đây, sau khi có điều chỉnh từ BQLDA đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh, UBND huyện Hoa Lư đã thông báo thu hồi đất của 7 hộ dân với tổng diện tích 135 m2 đất ở và 32 m2 đất vườn (trồng cây).

Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hoa Lư đã kê khai, kiểm đếm tài sản hoa màu của các hộ dân. Khung giá đất đền bù đất ở cho các hộ dân là 5 triệu đồng/m2; còn 32 m2 đất vườn đến nay vẫn chưa có khung giá để thực hiện đền bù. Cách giải thích của ông Đinh Đức An nghe thật hài hước.

Để giải quyết vấn đề này, UBND huyện Hoa Lư đã gửi văn bản lên Sở TNMT Ninh Bình đề nghị phê duyệt khung giá đền bù đất vườn, nhưng đến nay vẫn chưa có trả lời. Vì thế, huyện chưa thể thực hiện các bước tiếp theo để tiến hành giải phóng mặt bằng, bàn giao cho chủ đầu tư và đơn vị thi công dự án cầu Khê Đầu Hạ.

Tìm hiểu được biết, 32 m2 đất đang vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng thuộc về nhà ông An Quang Hướng và vợ là bà Đinh Thị Bỉ. Theo bà Bỉ, trước khi thi công cầu Khê Đầu Hạ, bà cùng chính quyền địa phương đã xác nhận rằng ngôi nhà của bà hoàn toàn vững chãi, không có vết nứt. Tuy nhiên, khi đơn vị thi công khoan móng mố trụ cầu đã làm lún nền đất, nứt nhà bà, bà đã ý kiến lên chính quyền địa phương yêu cầu đơn vị thi công bồi thường nhưng không nhận được phản hồi.

Cùng với đó, bà Bỉ cho rằng, toàn bộ diện tích đất và tài sản trên đất của gia đình bà đều nằm trong diện thu hồi để thực hiện dự án nạo vét bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê. Bởi vậy, khi cán bộ về kiểm kê, nêu ý kiến chỉ muốn đền bù những vị trí đất mà cầu sẽ đi qua thì gia đình bà không đồng ý.

“Họ trả giá đền bù quá thấp. Hơn nữa, vì những ảnh hưởng của việc xây cầu mà nhà tôi bị nứt, cổng tôi phải đập đi 2 lần rồi xây lại cho phù hợp với việc xây cầu mà đến nay vẫn chưa thấy họ đến bồi thường. Khi cầu hoàn thành thì nhà tôi không có lối đi, và chiều cao cây cầu sẽ cao hơn cổng nhà tôi, như vậy khi phương tiện quá tải đi qua sẽ gây nên rung chấn, chẳng mấy chốc mà hỏng mất nhà. Bởi vậy, tôi kiến nghị chính quyền đền bù GPMB phù hợp và bố trí nơi tái định cư cho gia đình tôi”, bà Bỉ nêu nguyện vọng.

Ông Hà Đức Kim, Chủ tịch UBND xã Ninh Xuân cho biết: Người dân trong xã rất muốn cầu Khê Đầu Hạ sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng để bà con nhân dân, các cháu học sinh được đi lại thuận tiện hơn. Việc ngân sách nhà nước đã rót hàng chục tỷ đồng mà lại để một dự án “đắp chiếu”, hoang hóa suốt cả thập kỷ như vậy thực sự lãng phí. Tỉnh Ninh Bình cần nhanh chóng khắc phục các khó khăn, vướng mắc để tiếp tục cho dự án được triển khai, không thể để một dự án hàng chục tỷ đổi lấy 44m cầu “ngủ đông” lâu hơn nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dân khốn khổ bên dòng Sào Khê

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO