Dân không đồng thuận thì chính sách khó đi vào cuộc sống

Tuệ Phương (thực hiện) 28/02/2023 05:35

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được xã hội đặc biệt quan tâm, kỳ vọng khi được thông qua sẽ giúp giải quyết, tháo gỡ triệt để những khó khăn vướng mắc phát sinh từ thực tiễn, tạo động lực cho phát triển đất nước.

TS Nguyễn Viết Chức.

Đó là khẳng định của TS Nguyễn Viết Chức - Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa – xã hội, UBTƯ MTTQ Việt Nam với PV Báo Đại Đoàn Kết.

PV: Thưa ông, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ông đánh giá như thế nào về Dự thảo Luật lần này?

TS Nguyễn Viết Chức: Theo tôi Quốc hội đặt vấn đề lấy ý kiến toàn dân với dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã thể hiện một tinh thần vì dân. Mặc dù, đây chỉ là một luật nhưng liên quan đến mọi mặt đời sống, thậm chí liên quan đến uy tín, danh dự của cán bộ cho nên việc lấy ý kiến toàn dân là hoàn toàn chính xác.

Về mặt khoa học, đất đai thuộc sở hữu toàn dân nên hỏi ý kiến toàn dân là hoàn toàn đúng vì nhân dân là chủ đất đai, sở hữu đất đai. Tuy nhiên, để thực hiện quyền làm chủ, sở hữu đất đai như thế nào phải thông qua Luật. Trước đây, nhiều bộ Luật đã xin ý kiến toàn dân rồi nhưng vấn đề khó ở đây là cơ quan chức năng sẽ tiếp thu ý kiến này thế nào. Xin ý kiến toàn dân không có nghĩa là tất cả người dân đều ra nói mà phải cử đại diện như Mặt trận, các tổ chức đoàn thể... đứng ra có tiếng nói. Mặt trận chính là đại diện hợp pháp, hợp hiến của những quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân.

Trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, tôi băn khoăn nhất đó là việc bỏ khung giá đất. Một số chuyên gia cho rằng cần bỏ khung giá đất nhưng với tư cách một người quan tâm đến lĩnh vực này tôi lại thấy rất băn khoăn. Nếu không có khung giá đất thì chúng ta đi thỏa thuận thế nào. Lấy gì làm căn cứ để thỏa thuận. Tôi nghĩ rằng, vấn đề nằm ở chỗ khung giá đất phải sát với thị trường; đồng thời phải đảm bảo hài hòa lợi ích, công khai minh bạch và phải đặt lợi ích quốc gia lên trên hết.

Hiện nay, MTTQ các cấp đang tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, theo ông, Mặt trận cần phát huy vai trò của mình như thế nào?

Nếu không có sự đồng thuận của dân thì mọi chính sách đặt ra đều khó đi vào cuộc sống. Tôi mong rằng, Luật Đất đai lần này phải làm cho thật căn cơ, đầy đủ, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân, và ở đó, MTTQ Việt Nam các cấp phải thể hiện đúng vai trò, vị trí của mình. Nếu theo Luật, Mặt trận là đại diện hợp pháp, hợp hiến cho quyền lợi chính đáng của người dân. Vì vậy, Mặt trận phải có tiếng nói.

Tiếng nói của Mặt trận rất quan trọng. Tôi kiến nghị rằng, tiếng nói của Mặt trận phải trở thành tiếng nói chung và mạnh mẽ hơn nữa. Theo đó, trong cách lấy ý kiến nên tập trung lấy ý kiến của MTTQ Việt Nam và các hội đồng tư vấn của Mặt trận vì các hội đồng này tập trung rất nhiều nhà khoa học, nhiều người đã kinh qua quản lý ở các lĩnh vực khác nhau nên họ có kiến thức thực tiễn lớn.

Có một thực tế là trước đấy chúng ta cũng đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân ở rất nhiều bộ luật khác nhau, nhưng “tuổi thọ”không dài. Vậy, theo ông, chúng ta cần có những giải pháp như thế nào để Luật Đất đai lần này khả thi, đáp ứng nhu cầu cuộc sống?.

- Tôi chia sẻ khó khăn với những người có nhiệm vụ tiếp thu ý kiến của nhân dân nhưng vấn đề quan trọng là những người đó cần phải có năng lực như thế nào để tiếp thu hết được ý kiến của người dân. Đảng, Nhà nước đã đưa ra một chính sách, một chủ trương hoàn toàn đúng đắn: Lấy ý kiến toàn dân nhưng bây giờ các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện thế nào để lấy được đúng tinh thần, nguyện vọng của người dân và thể hiện vào trong Luật. Tôi hy vọng lần này với tinh thần, thái độ cầu thị như vậy thì khi đi vào đời sống, Luật sẽ đáp ứng được yêu cầu của người dân; đặc biệt đáp ứng được sự phát triển trong thời kỳ mới.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dân không đồng thuận thì chính sách khó đi vào cuộc sống

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO