Dân nghèo mà giá thuốc cao

Ngọc Anh 19/04/2017 10:00

Ngay trong tháng 5, Bộ Y tế phải tiến hành đấu thầu giá thuốc, để ngay trong năm 2017, làm thế nào giảm giá thuốc từ 10- 15%. Đó là thông điệp chính và mạnh mẽ được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt ra tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá vừa diễn ra cách đây một ngày.

Giá thuốc cao, người bệnh thêm khó khăn.

Câu nói thẳng thắn của Phó Thủ tướng, tiếc thay, là nghịch lý tồn tại đã lâu: dân còn nghèo mà giá thuốc lại cao chót vót. Và dù đã khởi động khá lâu, vấn đề đấu thầu tập trung để giảm giá thuốc xuống vẫn chưa được thực hiện. Trước cái mốc đưa ra của Bộ Y tế là sẽ tiến hành vào quý II, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã “bắt bài”: Tháng 6 cũng là quý II và có thể đến tháng 6, “các anh” lại đưa ra một lộ trình tiếp theo là quý III.

Cho nên ông quyết liệt yêu cầu đưa ra cái hạn cuối cùng là ngay trong tháng 5 này, Bộ Y tế phải tiến hành ngay đấu thầu tập trung để giảm giá thuốc xuống: “Tháng 6 là muộn quá. Chính phủ, Thủ tướng và các bộ ngành hết lòng với ngành y tế trong việc điều chỉnh giá theo lộ trình bước hai. Còn bước ba mới là bước quan trọng. Do đó, nếu năm nay các đồng chí không điều chỉnh giá thuốc xuống thì bước ba không thực hiện được đâu”.

Để chuẩn bị cho lộ trình đấu thầu giá thuốc tập trung, năm 2016, Bộ Y tế đã thành lập Trung tâm đấu thầu thuốc Quốc gia. Nhưng cho đến nay vẫn chưa thực hiện được việc đấu thầu tập trung và đàm phán giá, khắc phục triệt để tình trạng chênh lệch giá thuốc giữa các địa phương cũng như các loại thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung, thuốc biệt dược…Và như lời ông Huệ thốt lên: “Không thể chấp nhận mãi việc này. Dân còn nghèo mà giá thuốc cứ cao thì sao được”.

Đấu thầu thuốc tập trung là một mô hình tiên tiến mà nhiều quốc gia đã áp dụng, có ý nghĩa rất lớn trong việc tạo lập một thị trường thuốc ổn định. Trong khi ở Việt Nam, nhiều năm qua vẫn tồn tại tình trạng giá thuốc sau đấu thầu mỗi nơi một kiểu.

Tuy nhiên, khi đặt vấn đề đấu giá thuốc tập trung, nhiều người đã lo ngại về việc lợi ích nhóm nếu có, sự “bắt tay” sẽ “kinh khủng” hơn. Chưa kể, để phục vụ cho yêu cầu giảm 10-15% giá thuốc, rất có thể các nhà thuốc sẽ đưa ra các loại thuốc kém chất lượng. Như vậy, sẽ có hại hơn nhiều cho người bệnh, nhất là bệnh nhân nghèo.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, Trung tâm đấu thầu thuốc quốc gia cũng không phải là cơ quan ký hợp đồng với nhà thầu, đó chỉ là đầu mối để giúp giảm thủ tục, thời gian thực hiện đấu thầu của các bệnh viện khi cần đấu thầu.

Các bệnh viện mới là đơn vị ký hợp đồng với nhà thầu cung cấp thuốc theo nguyên tắc thỏa thuận khung. Nếu hiểu đúng, làm đúng, đấu thầu thuốc tập trung sẽ không tạo ra bất kỳ rào cản nào, ngược lại, sẽ có nhiều lợi ích đối với tất cả các bên gồm: bệnh viện, nhà thầu và người bệnh.

Đấu thầu thuốc tập trung cũng không chỉ đảm bảo cho giá thuốc giảm, thị trường thuốc ổn định mà còn tạo động lực cho nền sản xuất thuốc trong nước phát triển.

Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đã đi đầu cả nước trong việc áp dụng đấu thầu thuốc tập trung kể từ cuối năm 2013. Thực tế thời gian qua cho thấy việc đó đã giảm đáng kể tình trạng chênh nhau về giá thuốc giữa các bệnh viện trong thành phố do không còn đấu thầu riêng lẻ, lắt nhắt.

Việt Nam là một trong những quốc gia đang chịu gánh nặng bệnh tật lớn trên thế giới. Chỉ cần một lần đi viện có thể khiến một gia đình khánh kiệt tài sản. Trong khi đó, thuốc chiếm đến 60% chi phí khám chữa bệnh và nghịch lý người nghèo dùng thuốc giá cao vẫn đang tồn tại.

Tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ hy vọng sẽ được thực hiện để trong tháng 5 đưa vào đấu thầu giá thuốc tập trung và trong năm 2017 giảm giá thuốc xuống 10-15%. Người ta có thể chậm trễ việc gì khác nhưng việc có lợi cho dân, nhất là người bệnh, người nghèo thì không thể và không nên chậm trễ hơn nữa.

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, đấu thầu giá thuốc tập trung tự thân nó không phải là phép màu. Đó chỉ là một biện pháp thực hiện có nhiều ưu điểm nổi trội. Nhưng để nó thực sự hiệu quả như mong muốn, vấn đề mấu chốt vẫn là con người và phương thức quản lý để biện pháp ấy được thực hiện có hiệu quả.

Đấu thầu tập trung sẽ chỉ là hình thức nếu vẫn có sự “bắt tay” giữa cơ quan quản lý với các nhà thầu. Và nhất là sẽ vô nghĩa lý nếu giá thành thuốc giảm đồng thời kéo cả chất lượng thuốc giảm xuống.

Mặt khác, trong vấn đề quản lý giá thuốc hiện nay, đang còn rất nhiều vấn đề khi loạn giá thuốc từ trong các bệnh viện đến cả thị trường bên ngoài. Có những loại thuốc, giá cả hiện đang chênh lệch lên tới hàng trăm nghìn đồng/vỉ giữa bên trong bệnh viện và bên ngoài, giữa hiệu thuốc này với hiệu thuốc khác. Vì thế, quản lý thị trường giá thuốc bây giờ đòi hỏi rất nhiều việc, không phải chỉ là đấu thầu tập trung.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dân nghèo mà giá thuốc cao

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO