Dân số Việt Nam 100 triệu người: Cơ hội và thách thức – Bài cuối: Làm gì để phát huy lợi thế dân số vàng?

Nhóm PV (thực hiện) 13/04/2023 06:33

Dân số đạt mốc 100 triệu chính là nền tảng và cơ hội vàng để Việt Nam phát triển mạnh mẽ, nâng tầm ảnh hưởng trong khu vực và thế giới khi được bổ sung nguồn nhân lực lớn. Tuy nhiên, đi kèm với đó là không ít thách thức cần sớm được hóa giải. Nhân dịp này PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trò chuyện cùng ông Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê; TS Phạm Vũ Hoàng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) và GS.TS Giang Thanh Long - Giảng viên cao cấp khoa Kinh tế học (Đại học Kinh tế quốc dân).

Lao động không chỉ có nghề mà còn phải có nhiều kỹ năng. Ảnh: Quang Vinh.

Chớp thời cơ dân số vàng để phát triển

PV: Tất cả các quốc gia đều coi nguồn nhân lực là công cụ quan trọng nhất để nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu, thì việc Việt Nam đón công dân thứ 100 triệu được coi là một dấu mốc cực kỳ quan trọng. Đây là cơ hội vàng. Tuy nhiên Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) cho rằng đó cũng là thách thức. Ý kiến của các ông?

GS Giang Thanh Long.

GS.TS Giang Thanh Long: Nếu nhìn con số 100 triệu, Việt Nam đứng thứ 3 ở khu vực Đông Nam Á và thứ 15 thế giới về quy mô dân số. Nhìn về cơ cấu, độ tuổi trong 100 triệu số dân đó, chúng ta có thể tận dụng được những tinh túy của dân số vàng hay không, đó là vấn đề cần phải bàn. Dân số vàng nhưng đồng thời cũng đang già. Tôi lấy ví dụ, một người đang ở tuổi 35 - 40, có nghĩa là 10 - 15 năm nữa sẽ xếp vào khu vực dân số già. Nếu thời điểm này vẫn đang chung chiêng về nghề nghiệp thì lấy đâu ra nguồn lực để lo tuổi già.

Do đó, cần phát triển hệ thống y tế, giáo dục làm sao để thúc đẩy phát triển nhân lực, thể lực, trí lực, để người lao động Việt Nam sẽ được ra ở tuyến đầu và cả tuyến cuối của chuỗi sản xuất toàn cầu. Phải tăng năng suất lao động, không có con đường nào khác. Và điều này phụ thuộc vào chúng ta nằm ở công đoạn nào của chuỗi sản xuất. Nếu nằm ở chuỗi giữa thì sẽ mãi thu nhập thấp, năng suất sẽ không thể tăng lên được.

Ông Nguyễn Bích Lâm.

Ông Nguyễn Bích Lâm: Thời kỳ cơ cấu dân số vàng là cơ hội hiếm hoi để các quốc gia cất cánh về kinh tế. Theo các nhà nhân khẩu học, cơ cấu dân số vàng thường kéo dài từ 30 - 35 năm, thậm chí là 40 -50 năm. Đối với nước ta, xu hướng già hóa dân số đang diễn ra nhanh, thời kỳ cơ cấu dân số vàng của Việt Nam chỉ kéo dài trong khoảng 30 năm.

Vì vậy, Việt Nam cần chớp lấy thời cơ dân số vàng để phát triển vì cơ hội này sẽ không quay trở lại, nếu có phải ít nhất 100 - 200 năm sau.

Hiện nay trật tự và hoạt động kinh tế thế giới đang thay đổi mạnh mẽ; gia tăng quá trình toàn cầu hoá dịch vụ; chuỗi cung ứng toàn cầu linh hoạt, ứng dụng công nghệ số, thúc đẩy thương mại điện tử minh bạch là các yếu tố không thể tách rời với xu hướng phát triển bền vững. Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, để hội nhập thành công vào nền kinh tế toàn cầu và tận dụng thành công cơ hội của cơ cấu dân số vàng đòi hỏi lực lượng lao động phải “thực sự vàng” về tri thức và kỹ năng, tay nghề.

Chính phủ cần hoàn thiện thể chế, chính sách đồng bộ, thống nhất nhằm tạo dựng và nâng cao hiệu quả vận hành thị trường lao động linh hoạt, hội nhập và bền vững đáp ứng nhu cầu lao động của doanh nghiệp, xu hướng chuyển đổi chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực. Cùng đó là chủ động đào tạo lại, đào tạo thích ứng cho lực lượng lao động đang làm việc; đồng thời thực hiện phương châm học suốt đời, học linh hoạt nhằm nâng cao trình độ và kỹ năng của người lao động.

Đặc biệt, Chính phủ cần đổi mới hơn nữa công tác quản lý, sử dụng đánh giá và đào tạo lại đội ngũ nhân lực. Đổi mới căn bản và toàn diện chính sách tuyển dụng, đánh giá, sử dụng và đề bạt đội ngũ nhân lực trong bộ máy nhà nước.

Lao động không chỉ có nghề mà còn phải có nhiều kỹ năng

PV: Đầu tư cho thế hệ trẻ về giáo dục, y tế, sức khỏe có ý nghĩa quan trọng đối với năng suất lao động, thu nhập thực tế và sự phát triển. Vậy, theo các ông, vấn đề này ở Việt Nam đang tiến hành ra sao?

GS.TS Giang Thanh Long: Thời gian qua, Chính phủ rất quan tâm đầu tư nguồn lực vào hệ thống giáo dục. Về y tế, các chỉ số đều cải thiện như tỷ lệ người dân có thẻ bảo hiểm y tế tăng, mạng lưới cơ sở y tế phát triển rộng khắp, ngân sách nhà nước và nguồn lực xã hội đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân ngày càng tăng...

Tuy nhiên, vấn đề tôi muốn nói ở đây là để đạt được những yếu tố trong cơ cấu dân số vàng thì còn nhiều thách thức, như tỷ lệ lao động có tay nghề thấp, năng suất lao động cũng chưa cao. Mặc dù tuổi thọ đã có cải thiện nhưng tuổi thọ khỏe mạnh (trừ số năm bệnh tật) lại không cao. Theo báo cáo của UNDP, chỉ số phát triển con người của Việt Nam đã tăng bậc khá. tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng, đạt mức 73,6 tuổi nhưng tuổi thọ khỏe mạnh chỉ là 63,2 tuổi. Bình quân mỗi người cao tuổi có 3 bệnh. Và nhiều bệnh nếu như trước kia chỉ người già bị mắc phải thì nay cũng đã trẻ hóa.

Về vấn đề giáo dục, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi phải thay đổi rất lớn theo sự thay đổi của thế giới với đảm bảo nguồn nhân lực có tính cạnh tranh. Chúng ta đang ở thời kỳ hội nhập, người lao động nước ngoài đến Việt Nam dễ dàng và ngược lại, người lao động Việt Nam ra nước ngoài cũng đơn giản. Trong bối cảnh đó, đòi hỏi người lao động không chỉ có nghề mà còn phải có nhiều kỹ năng, từ ngoại ngữ cho đến các kỹ năng khác để có thể đáp ứng yêu cầu hội nhập. Năng suất lao động là một yếu tố quan trọng nhưng quan trọng nhất là tinh hoa, tố chất, đào tạo một con người toàn diện.

Ông Nguyễn Bích Lâm: Tôi cũng đồng ý với quan điểm phải nâng cao chất lượng lao động. Hiện chất lượng lao động chưa được cải thiện nhiều do thực hiện vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về lao động việc làm chưa đạt, định hướng nghề của hệ thống giáo dục, đào tạo chưa phù hợp.

Cụ thể, chưa thực hiện đầy đủ vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về hỗ trợ người lao động, như: Tài chính, đào tạo kỹ năng, cung cấp các tư vấn cá nhân, tìm kiếm việc làm phù hợp với kỹ năng, tay nghề và khả năng của người lao động; chưa hỗ trợ người lao động muốn thay đổi công việc; nâng cao kỹ năng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Về đầu tư cho công tác đào tạo nghề chưa thỏa đáng; chưa có chương trình, kế hoạch tổng thể dài hạn về đào tạo nghề đối với lao động. Cơ chế, chính sách đối với đào tạo nghề còn bất cập, chưa thu hút được sự đồng hành của các doanh nghiệp sử dụng lao động tham gia cùng với cơ quan quản lý nhà nước về đào tạo, dẫn đến tình trạng cung - cầu lao động không đồng nhịp.

Định hướng nghề nghiệp phù hợp cho các lao động tương lai từ trên ghế nhà trường còn nhiều bất cập; chưa dự báo được nhu cầu của thị trường lao động để định hướng cho học sinh ngay từ bậc trung học và đại học, dẫn đến tình trạng thừa thầy, thiếu thợ ở rất nhiều ngành, nghề.

Các chính sách thúc đẩy việc làm, nâng cao khả năng của người lao động chưa phù hợp; cần tập trung khuyến khích đào tạo nghề, liên tục thích ứng cho người tìm việc đối với một thị trường lao động đang thay đổi.

Cuối cùng là công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của người lao động phải làm thế nào để họ thấy rõ việc học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm, là yêu cầu để đảm bảo việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp.

Chất lượng lao động chưa đạt yêu cầu

PV: Hiện chúng ta có 3 yếu tố: Dân số trẻ, quy mô lớn, mức thu nhập trung bình thấp. Làm thế nào tận dụng cả 3 yếu tố để đạt tăng trưởng cao?

GS.TS Giang Thanh Long: Thu nhập là hệ quả của tận dụng dân số. Mục tiêu của chúng ta là đến năm 2045 đạt thu nhập trung bình cao. Chúng ta đang có lợi thế cơ cấu dân số trẻ, với lực lượng nhân lực trong độ tuổi thanh niên 15 - 24 hiện có khoảng trên 18 triệu người. Lực lượng này sau sẽ trở thành tuổi lao động, nếu tận dụng tốt được lực lượng đó chắc chắn đạt được tăng trưởng cao. Tất nhiên, chúng ta có tận dụng được hay không phụ thuộc nhiều vào chính sách. Chính sách đưa ra cần đồng bộ từ chính sách vĩ mô đến vi mô, từ các chính sách về kinh tế đến giáo dục, y tế, sức khỏe, an sinh xã hội để tạo ra một lực lượng lao động với sức khỏe tốt, chất lượng cuộc sống tốt, khi đó họ sẽ lao động, cống hiến, tạo năng suất lao động hiệu quả.

Kinh nghiệm của Nhật Bản là họ phối hợp rất tốt từ chính sách vĩ mô đến các chính sách về chăm sóc sức khỏe, giáo dục. Thời kỳ “hoàng kim” họ đã nghĩ ngay đến việc chăm sóc sức khỏe của người lao động. Và chất lượng cuộc sống của người lao động Nhật Bản rất tốt, tuổi thọ cao, những cống hiến của người lao động cho nền kinh tế thể hiện ở chính diện mạo của Nhật Bản ngày hôm nay.

Nói như vậy để thấy, các nước khác đã chuẩn bị hệ thống an sinh rất tốt. Với Việt Nam, các chính sách về an sinh xã hội cũng đã được thực hiện, như Bảo hiểm xã hội đã được triển khai từ năm 1951, thế nhưng tại sao lại có tình trạng người lao động xin rút bảo hiểm xã hội 1 lần? Là bởi, nhiều người ở độ tuổi trung niên vẫn có thể lao động được nhưng khi họ không có việc làm, mà nhiều gánh nặng cuộc sống, cơm áo gạo tiền đè nặng thì họ buộc phải rút...

Nói như vậy, tôi muốn nhấn mạnh, để tận dụng được cơ cấu dân số vàng, đòi hỏi một cách toàn diện về tất cả chính sách, từ giáo dục, kỹ năng đến chăm sóc sức khỏe. Người lao động làm việc, cống hiến thì họ cần phải được các chế độ ưu đãi, cần được tái tạo sức lao động, sức khỏe cũng cần được quan tâm, đảm bảo hơn. Nếu dân số tăng lên mà chất lượng cuộc sống thấp thì cũng sẽ tuột mất các cơ hội. Do đó cần phải có một hệ thống an sinh tốt để “chớp” lấy cơ hội dân số vàng

Ông Nguyễn Bích Lâm: Hiện thị trường lao động Việt Nam có một số hạn chế, đó là cả bên cung và bên cầu chưa đáp ứng được một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Cơ cấu lao động theo 3 khu vực kinh tế chưa hợp lý, lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm tới 27,5% tổng số. Số lượng lao động tăng nhanh nhưng ở khu vực phi chính thức. Chất lượng lao động chưa đáp ứng nhu cầu. Tính bấp bênh và dễ bị tổn thương đến việc làm và thu nhập của người lao động khá cao. Lao động thời vụ phát triển, hạn chế về đào tạo kỹ năng.

Về lực lượng lao động hiện chủ yếu vẫn là lao động nông nghiệp, nông thôn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Thị trường lao động đang thiếu hụt lao động kỹ thuật trình độ cao, đặc biệt tại một số ngành dịch vụ như: Ngân hàng, tài chính, thông tin, viễn thông, du lịch và những ngành công nghiệp mới.

Ngoài ra, tỷ lệ lao động được đào tạo nghề còn thấp, kỹ năng, tay nghề chưa đạt yêu cầu nên khả năng cạnh tranh thấp. Người lao động chưa được trang bị các kiến thức và kỹ năng làm việc theo nhóm; chưa có tinh thần phát huy sáng kiến và chia sẻ kinh nghiệm.

Một bộ phận khá lớn người lao động chưa được tập huấn về kỷ luật lao động công nghiệp. Tình trạng thể lực của lao động Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được cường độ làm việc và những yêu cầu trong sử dụng máy móc thiết bị theo tiêu chuẩn quốc tế.

Thời gian qua, Đảng và Chính phủ đã quan tâm đến đào tạo trình độ và kỹ năng cho lực lượng lao động. Tuy vậy, đến quý I năm 2023, trong số 52,2 triệu người thuộc lực lượng lao động của toàn nền kinh tế vẫn có khoảng 38,1 triệu lao động chưa qua đào tạo. Đây là thách thức lớn đối với mục tiêu hiện thực hóa khát vọng xây dựng một Việt Nam hùng cường; đặt ra yêu cầu cấp bách trong thời gian tới Chính phủ khẩn trương xây dựng và thực hiện các chương trình đào tạo nhằm nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của lực lượng lao động.

Nâng chất lượng nguồn nhân lực ngay từ khâu đào tạo

PV: Cơ hội cơ cấu dân số vàng chỉ xuất hiện một lần và nếu không được khai thác thì sẽ rất lãng phí, nhất là đặt trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thưa các ông?

Ông Nguyễn Bích Lâm: Theo quy luật, thời kỳ dân số vàng là cơ hội “có một không hai” đối với các quốc gia để phát triển kinh tế - xã hội. Đây là nền tảng và cơ hội vàng để Việt Nam có thể thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, tận dụng cơ cấu “dân số vàng” đòi hỏi phải có những chính sách đột phá, phù hợp. Đối với nước ta, muốn tận dụng thành công thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bắt đầu ngay từ khâu đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề. Hiện nay, nguồn lao động đang làm việc của Việt Nam tương đối dồi dào nhưng chủ yếu là lao động tay nghề thấp, vì vậy sẽ dễ bị thay thế bởi máy móc.

GS.TS Giang Thanh Long: Nói về nhân khẩu học, lịch sử về dân số chứng minh, định nghĩa “dân số vàng” ở các quốc gia chỉ xuất hiện một lần, rồi sau đó sẽ là thời kỳ già hóa, gánh nặng phụ thuộc nhiều lên. Về mặt kinh tế học, trước đây chúng tôi đã có nghiên cứu và kết luận rằng thời kỳ dân số vàng có thể xuất hiện lần 2 nếu chúng ta thay đổi năng suất lao động. Nếu năng suất lao động thực sự thay đổi, đặc biệt trong nhóm nằm trong dân số vàng thì sẽ chắc chắn sẽ tạo động lực phát triển mạnh. Như Philipines chẳng hạn, nước này có cơ cấu dân số lao động trẻ, khi họ thay đổi năng suất lao động thì thời điểm của cơ cấu dân số vàng sẽ xuất hiện lần 2 vào năm 2060 -2070, lần 1 của họ là năm 2030 - 2040. Tuy nhiên, nếu xét về mặt nhân khẩu học cơ cấu vàng chỉ xuất hiện một lần.

Đột phá để tránh tình trạng “chưa giàu đã già”

PV: Với Việt Nam mặc dù đang trong giai đoạn “dân số vàng” nhưng tốc độ già hóa dân số cũng tăng, như người ta vẫn nói là “chưa giàu đã già”. Vậy, vấn đề này cần được nhìn nhận ra sao, thưa các ông?

TS Phạm Vũ Hoàng.

TS Phạm Vũ Hoàng: Chúng ta đang ở giai đoạn cơ cấu “dân số vàng”. Một dân số được coi đã bước vào giai đoạn dân số vàng khi dân số trong độ tuổi lao động (15 - 64 tuổi) nhiều gấp 2 lần dân số phụ thuộc (dưới 15 tuổi và trên 65 tuổi) hoặc tỷ số phụ thuộc chung dưới 50%. Thực tế, chúng ta đã bắt đầu bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007 và theo dự báo, giai đoạn dân số vàng của nước ta sẽ kéo dài đến khoảng năm 2038 và đây là cơ hội có một không hai dành cho Việt Nam. Nhưng Việt Nam chưa thực sự khai thác hiệu quả lợi thế của cơ cấu dân số vàng.

Nguyên nhân theo tôi là do chất lượng nguồn nhân lực cũng như năng suất lao động còn hạn chế. Chúng ta tận dụng được nguồn lao động dồi dào nhưng chủ yếu là khai thác lao động giá rẻ và lao động giản đơn, chất lượng công việc nằm trong chuỗi giá trị thấp, hơn một nửa số việc làm chỉ đòi hỏi kỹ năng trung bình. 33,2% là việc làm kỹ năng thấp, chỉ có 11,2% việc làm kỹ năng cao (trung bình các nước phát triển trên thế giới là 20%). Vì vậy, để cơ cấu dân số vàng thực sự tận dụng có hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta cần phải nâng cao hơn nữa chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

Ông Nguyễn Bích Lâm: - Cơ cấu dân số của một quốc gia được coi là trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng khi nhóm dân số trẻ em (0-14 tuổi) chiếm tỷ trọng thấp hơn 30% và nhóm dân số người cao tuổi chiếm tỷ trọng thấp hơn 15%. Tuy nhiên xu hướng già hóa dân số ở ta đang diễn ra nhanh, tỷ trọng nhóm dân số trẻ từ 0-14 tuổi liên tục giảm từ 24,5% năm 2009 xuống 24,3% năm 2019 và 24,1% năm 2022; trong khi nhóm dân số người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên liên tục tăng từ 6,4% năm 2009, lên 7,7% năm 2019 và 8,5% năm 2022. Dự báo Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có dân số già vào năm 2036.

Năm 2022, GDP bình quân đầu người của nước ta ước đạt 4.100 USD, thuộc nhóm các quốc gia có nền kinh tế thu nhập trung bình thấp. Mặc dù Việt Nam đang khai thác lợi thế về cơ cấu dân số vàng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng để nắm bắt được cơ hội, tận dụng được thời cơ thì cần phải có những đột phá quan trọng về phát triển chất lượng nguồn nhân lực. Xét cho cùng, con người trong mọi lĩnh vực, trên mọi phương diện và ở mọi thời điểm luôn là yếu tố quyết định, đảm bảo thành công cho tất cả các mục tiêu cao quý.

Trân trọng cảm ơn các ông!

Chiều cao của thanh niên Việt Nam sẽ tiếp tục tăng

Theo đánh giá của GS.TS Lê Danh Tuyên - Chủ tịch Hội Tiết chế dinh dưỡng Việt Nam, hiện chiều cao của thanh niên Việt Nam ở mức trung bình so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên từ những kết quả đã đạt được, hứa hẹn chiều cao thanh niên Việt Nam sẽ tiếp tục tăng lên. “Hiện tại, có thể thấy nhiều cầu thủ bóng đá có chiều cao trên 1,8m và chúng ta không còn lép vế như trước kia” - ông Tuyên nói, đồng thời cho rằng về độ bền thì ngoài ăn uống, chế độ dinh dưỡng tốt còn cần phải được tập luyện một cách phù hợp theo lứa tuổi.

Chúng ta đang ở giai đoạn “tăng tốc bù” sau nhiều năm tăng trưởng chậm. Đáng chú ý, việc chăm sóc 1.000 ngày đầu đời (1.000 ngày vàng) được thực hiện một cách khoa học, trong đó bao gồm cả chăm sóc sức khỏe sinh sản người mẹ và trẻ từ bào thai đến 2 tuổi.

GS Nguyễn Đình Cử - nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội:

Cơ cấu dân số vàng mang lại nhiều dư lợi về lao động

Việt Nam sắp đạt 100 triệu dân đúng thời kỳ dân số vàng, tức là tỷ lệ người trong độ tuổi lao động cao (15-64). Chúng ta đạt 100 triệu dân khi mà mức sinh đạt thấp. Từ 2005, mỗi phụ nữ Việt Nam đã sinh 2 con. Mô hình hai con đã phổ biến, giữ vững cho tới nay. Nhiều nước khi đạt 100 triệu dân, mức sinh rất cao, nên họ gặp khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục, y tế. Chúng ta giữ mức sinh tốt và đã gặt hái được quả ngọt. Quy mô dân số lớn, quy mô gia đình nhỏ, chính là điều kiện để các gia đình chăm sóc và nuôi dạy con cái tốt. Hai yếu tố tạo điều kiện chất lượng dân số cao.

Và cơ cấu dân số vàng đã mang lại nhiều dư lợi về lao động. Tôi ví dụ, cũng với 100 triệu dân nhưng với cơ cấu hiện nay, Việt Nam có khoảng 68 triệu người trong độ tuổi lao động nhưng nếu với cơ cấu dân số năm 1979 thì chúng ta chỉ có 52 triệu dân. Như vậy, riêng cơ cấu dân số theo tuổi thay đổi đã mang lại dư lợi 16 triệu lao động. Tuy nhiên, cơ cấu dân số vàng chỉ nói về số lượng lao động nhiều. Để tận dụng cơ hội này, chúng ta cần trả lời được câu hỏi: Bao nhiêu % những người trong độ tuổi lao động có khả năng làm việc? Bao nhiêu % những người có khả năng làm việc, có việc làm? Và bao nhiêu % những người có việc làm, làm việc với năng suất cao?

Trả lời những câu hỏi trên sẽ cho thấy chúng ta chưa tận dụng hiệu quả thời cơ dân số vàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dân số Việt Nam 100 triệu người: Cơ hội và thách thức – Bài cuối: Làm gì để phát huy lợi thế dân số vàng?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO