Bảo vệ nguồn nước ngầm

Phan Long 12/06/2017 15:00

Nguồn nước ngầm đang ngày một suy giảm khiến cho bà con ở nhiều địa phương, đặc biệt là những vùng núi cao Tây Bắc, Tây Nguyên thường xuyên trong tình trạng thiếu nước. Bên cạnh đó, nguồn nước ngầm hiện nay còn đối diện với nguy cơ bị ô nhiễm…

Nhiều khu vực nguồn nước ngầm bị ô nhiễm nặng.

1. Nước ngầm được định nghĩa là một dạng nước dưới đất, là nước ngọt được chứa trong các lỗ rỗng của đất hoặc đá. Nó cũng có thể là nước chứa trong các tầng ngậm nước bên dưới mực nước ngầm. Đôi khi người ta còn phân biệt nước ngầm nông, nước ngầm sâu và nước chôn vùi.

Nước ngầm cũng có những đặc điểm giống như nước mặt như: nguồn vào (bổ cấp), nguồn ra và chứa. Sự khác biệt chủ yếu với nước mặt là do tốc độ luân chuyển chậm (dòng thấm rất chậm so với nước mặt), khả năng giữ nước ngầm nhìn chung lớn hơn nước mặt khi so sánh về lượng nước đầu vào. Sự khác biệt này làm cho con người sử dụng nó một cách vô tội vạ trong một thời gian dài mà không cần dự trữ. Đó là quan niệm sai lầm, khi mà nguồn nước khai thác vượt quá lượng “đầu vào” sẽ dẫn đến cạn kiệt tầng chứa nước, lâu dài dẫn tới khó phục hồi.

Trong khi đó, nguồn cung cấp nước cho nước ngầm là nước mặt thấm vào tầng chứa thì cũng ngày càng hạn chế do biến đổi khí hậu. Ngoài ra, nguồn nước mặt xả thải ra trước khi thẩm thấu xuống nước ngầm đã bị ô nhiễm...

Một số liệu thống kê cho thấy, hiện nay nguồn nước ngầm chiếm 35 - 50% tổng lượng nước cấp sinh hoạt cho các đô thị trên toàn quốc, nhưng đang suy giảm trữ lượng đồng thời bị ô nhiễm. Tính riêng trong mùa khô năm 2015-2016, đã có 10 lưu vực sông bị khai thác ở mức căng thẳng, 4 sông đã đến mức rất căng thẳng gồm: sông Mã, cụm sông Đông Nam Bộ, sông Hương và sông Đồng Nai. Một số khu vực, nguồn nước dưới đất cũng bị khai thác quá mức, suy giảm liên tục và chưa có dấu hiệu phục hồi.

Bên cạnh đó, tại nhiều nơi, nguồn nước ngầm đang phải đối mặt với vấn đề xâm nhập mặn trên diện rộng, ô nhiễm vi sinh, ô nhiễm kim loại nặng như Hà Nội, TP HCM do khoan nước dưới đất thiếu quy hoạch và không có kế hoạch bảo vệ nguồn nước. Còn tại khu vực Tuyên Quang, Hà Giang, hàm lượng sắt ở nhiều nơi cao vượt mức cho phép trên 1mg/l, có nơi trên 15-20mg/l, tập trung chủ yếu quanh các mỏ khai thác sunphua…

Trong khi đó, theo các nhà khoa học, khu vực Tây Bắc với đặc điểm có độ karst hóa mạnh (sự hình thành các dòng ngầm, khe nứt lớn, hang, hốc phát triển) trong các tầng chứa nước tại đây, các chất ô nhiễm có thể lan tỏa nhanh với khoảng cách xa.

Theo điều tra, tại nhiều khu vực tập trung đông dân cư ở khu vực Tây Bắc (như TP Lai Châu và các khu vực phụ cận) đã và đang đối mặt với vấn đề khan hiếm nước, ô nhiễm nguồn nước do khai thác, sử dụng nước ngầm trực tiếp mà chưa có các quan trắc, giám sát đầy đủ về chất lượng... tiềm ẩn nguy cơ rủi ro lớn khi nguồn nước dưới đất bị ô nhiễm.

2. Nguồn nước ngầm là một tài nguyên vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, việc kiểm soát ô nhiễm nguồn nước ngày càng khó khăn khi nhà máy vẫn mọc lên với mật độ dày đặc, trong khi việc xử lý nguồn nước thải hầu như không được chú trọng. Để nâng cao hiệu quả của các hoạt động bảo về nguồn nước, các chuyên gia nghiên cứu về môi trường nước cho rằng, cần phải lập hành lang bảo vệ nước.

Cụ thể là lập hồ chứa thủy điện, thủy lợi; hồ tự nhiên, nhân tạo ở các đô thị, khu dân cư; hồ, ao lớn có chức năng điều hòa; đầm, đầm phá; sông, suối, kênh, rạch là nguồn cấp nước, trục tiêu nước hoặc có tầm quan trọng…

Trước vấn nạn nguồn nước ngầm suy giảm và ô nhiễm, các chuyên gia cảnh báo, an ninh nguồn nước đang là thách thức lớn đối với phát triển kinh tế, xã hội. Ô nhiễm nguồn nước ngày càng tăng cả về mức độ và quy mô. Rừng đầu nguồn suy giảm, biến đổi khí hậu và nước biển dâng, mặn xâm nhập cũng tác động mạnh mẽ đến tài nguyên nước.

Bộ TN&MT đang hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm quản lý chặt chẽ hơn các hoạt động cấp phép, khai thác, sử dụng nước và xả nước thải; đồng thời, đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước...

Theo bà Nguyễn Thị Phương Hoa- Thứ trưởng Bộ TN&MT: “Ngành TN&MT đang xây dựng quy hoạch tài nguyên nước cho cả nước, các lưu vực sông lớn và kế hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước. Tìm kiếm nguồn nước dưới đất ở các vùng khan hiếm nước và hải đảo; Nghiên cứu, đề xuất giải pháp giữ nước cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung và Tây Nguyên. Đồng thời, sớm đưa vào hoạt động 6 Ủy ban lưu vực sông nhằm hợp tác, đấu tranh bảo đảm quyền, lợi ích của Việt Nam đối với các nguồn nước liên quốc gia theo Công ước và thông lệ quốc tế”.

Ở Tây Nguyên tình trạng thiếu nước ngầm, hoặc nước ngầm bị ô nhiễm cũng là vấn đề đáng lưu tâm. Mới đây, trong kết quả quan trắc tài nguyên nước dưới đất quý I/2017 cho thấy, nhìn chung mực nước có xu hướng dâng chiếm ưu thế so với quý I/2016. Giá trị dâng cao nhất là 2,55m tại Diên Bình-Đắk Tô-Kon Tum (LK136Tm1) và giá trị hạ thấp nhất là 0,40m tại TT.Phú Thiện-Phú Thiện-Gia Lai (LK152T).
Trong đó, mực nước trung bình quý sâu nhất là 8,46m tại Ninh Gia-Đức Trọng-Lâm Đồng (LK107aT) và mực nước trung bình quý nông nhất là 0,26m tại Ea Kly-Krông Păk-Đắk Lắk (LK51T).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo vệ nguồn nước ngầm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO