Căn bệnh a dua

Khương Duy (thực hiện) 22/06/2015 09:00

Khi cộng đồng rất dễ bị kích động. Xã hội vừa được chứng kiến cơn “lên đồng tập thể” của rất nhiều người khi ném đá bức ảnh được cho là “tự sướng” của một cá nhân bên trận động đất ở Nepal. Đây chỉ là một ví dụ, mà trong phạm vi bài báo này cũng không bàn đến tính đúng sai của bức ảnh, để minh họa cho căn bệnh a dua đang mỗi ngày một trầm kha của cộng đồng.

Giả sử đúng là ai đó sơ suất, giả sử đúng là ai đó có hình ảnh chưa đẹp, thậm chí có hành vi sai, nhưng điều đó cũng không đồng nghĩa với việc cả xã hội xông vào ném đá họ tơi bời. Mỗi lời bình phẩm thản nhiên đưa lên mạng, với người viết ra là để thỏa mãn mình (có thể để câu like, cũng có thể vì thấy người khác nói mình cũng nói) thì nhẹ như không, nhưng với người bị chỉ trích thì là sự tổn thương ghê gớm.

Đọc rất nhiều bình phẩm của mọi người về một việc hoặc một cá nhân ai đó, ta dễ nhận ra không phải ai cũng viết ra bằng nhận thức, quan điểm của chính mình. Rất nhiều người a dua theo mà không cần suy xét đến tính đúng sai và nhìn nhận cho ngọn ngành, nhân văn mọi chuyện. Khi cộng đồng dễ bị kích động thì tất yếu dẫn tới việc xã hội rất dễ bị tổn thương. Gây ra tổn thương cho người khác dễ dàng thì cũng đồng thời tạo ra bất ổn cho chính mình, ai cũng có thể đến một ngày, vì một sơ suất nào đó mà bị đem ra bình phẩm không thương tiếc.

Cộng đồng mạng ngày nay phổ biến từ “ném đá” – một hình phạt thời trung cổ mà nhân loại trải qua biết mấy gian nan, có thể phải bằng cả những cuộc cách mạng long trời lở đất mới xóa bỏ được. Vậy mà ngày nay nó trở lại chễm trệ ngồi trong một xã hội nhân danh văn minh, nhân danh công nghệ hiện đại. Loài người sau những bước đi khổng lồ để xác lập quyền con người bỗng trở lại với thời mông muội “chiềng làng chiềng chạ”.

Đóng góp ý kiến, phản biện là để xã hội tốt lên. Nhưng phản biện khác xa với việc tập trung vào chỉ trích hành vi cá nhân theo hướng nghiệt ngã và cay độc, nhất là những hành vi ấy có khi chỉ mang tính riêng tư. Cộng đồng mạng xã hội ngày nay là nơi luôn đòi hỏi quyền con người, nhưng tại đó, họ cũng vi phạm quyền con người nhanh nhất. Ngay cả trong những trường hợp đối với các hành vi phạm pháp, hay tội ác cũng đã có sự phán xét của pháp luật, chứ không phải làm cách ném đá cho đến chết như xưa kia.

Một xã hội nhân danh văn minh thì rất cần những ứng xử và suy xét văn minh. Trước mỗi hành vi, mỗi sự việc cần sự nhìn nhận suy nghĩ và lý giải cho thấu đáo. Nếu căn bệnh a dua ngày một phát triển, sẽ đến lúc mọi người đều lười biếng trong việc nhìn nhận mọi vấn đề. Giống như việc người ta sẵn sàng chen nhau trèo qua hàng rào vào công viên nước, đám đông là môi trường để trạng thái bị kích động rất dễ xảy ra. Việc a dua “ném đá” một cá nhân trên mạng cũng mang tính đám đông khiến nhiều người rất dễ sa đà, rất dễ bị kích động. Cần phải xem đó là một mối lo ngại.

Và đã đến lúc không thể vẫn tồn tại hàng ngày, hàng giờ muôn vàn những thông tin, những lời lẽ xúc phạm nặng nề tới nhiều cá nhân nổi tiếng và không nổi tiếng. Thậm chí những sự xúc phạm danh dự, nhân phẩm, làm tổn thương người khác (dù là trên mạng ảo) cũng cần bị xử phạt thích đáng.

CT

KTS Nguyễn Trương Quý: Người ta bình phẩm cho sướng miệng

Chuyện a dua theo các tin trôi nổi thật ra nhìn ở khía cạnh khả dĩ nhất thì phản ánh nhu cầu thông tin của người đọc. Có vẻ như người ta đang cần một chân lý nào đấy. Tuy vậy vấn đề lại ở chuyện thông minh vốn sẵn tính… lười. Ở cái thời tưởng như rất sẵn phương tiện để kiểm tra thông tin, thì phản xạ của cư dân mạng là ngay và luôn, mặc nhiên coi hình ảnh và vài dòng chữ ngắn ngủi là đúng bản chất sự việc rồi.

Người xưa dặn nhau, uốn lưỡi bảy lần trước khi nói, vậy mà bây giờ nhiều người phát ngôn bừa bãi, thể hiện cả trong việc lan truyền tin tức thất thiệt lẫn việc bóp méo hiện thực cho vừa ý đồ, hoặc đơn giản là cho sướng miệng và thỏa mãn sự ích kỷ trong lối sống.

KTS Nguyễn Trương Quý

Mạng xã hội tựa như một hệ thống kỹ thuật dẫn lối cho các luồng hình ảnh và phát ngôn trên đi xa và nhanh hơn. Tuy nhiên trước mắt thì giống như cách người Việt Nam sử dụng các phát minh tiên tiến vẫn ở bề nổi hay công nghệ ô tô nước nhà chỉ là lắp ráp, thì việc dùng mạng xã hội như Facebook với đa số là một trò tiêu khiển. Đã tiêu khiển thì dễ trở thành con mồi cho các đợt sóng truyền thông.

Facebook lúc này giống các trò chơi thực tế trên truyền hình ở chỗ đều nhập vai, đều phản ứng tức thì với bối cảnh diễn ra trong vài chục phút đồng hồ. Trò chơi thực tế kinh doanh cảm xúc người xem thông qua các loại phiếu bầu hay tin nhắn (vote, rating) chứ không quan trọng người chơi nào vô địch hay ca sĩ nào hát hay nhất.

Facebook và mạng xã hội cũng “sống động” nhờ những đợt sóng cảm xúc trồi lên liên tục, đợt sau đè đợt trước. Trong khi người chơi Facebook chưa kịp tỉnh táo hơn về sự tồn tại liệu có hợp lý của mình thì sự a dua trên mạng lại khuếch trương yếu tố “nhập vai” của từng người. Nhập vai theo nghĩa ích kỷ, để thỏa mãn cái tôi có quyền phán xét bất luận mục đích, để biến mình thành đao phủ.

Nhìn thấy một tấm ảnh thể hiện hành vi có phần không hợp mắt, việc đả phá không thương tiếc nhân vật trong đó nhanh chóng biến thành cuộc đấu tố, quy kết về đạo đức của người này, thậm chí của cả nơi người đó làm việc. Nó tựa như việc ai đó hô lên rằng cuốn sách nọ có lỗi, có vấn đề, và cả triệu người lăng mạ tác giả và người làm sách không thương tiếc, trong khi số lượng sách in chừng 2.000 cuốn và bán vẫn chưa hết, tức là non một triệu kia chưa hề đọc cả cuốn sách.

Từ lúc nào người Việt lại xa lạ với hình ảnh người Việt mấy trăm năm trước: “Dân chúng Đàng Ngoài thông minh, lịch sự và thuần hậu… Phong tục của họ khá hồn nhiên và họ không có những thói xấu đồi bại mà các dân tộc khác ở phương Đông thường mắc phải” (thư của linh mục Le Royer, bề trên các giáo đoàn ở Đàng Ngoài, thành viên của Hội Thừa sai Paris, 1700). Hoặc như câu hát của Trịnh Công Sơn: “Người con gái Việt Nam da vàng, yêu quê hương nên yêu người yếu kém”?

Chắc rằng mạng xã hội sẽ dần khiến cộng đồng khôn ngoan hơn sau khi đã trả nhiều học phí vô hình lẫn hữu hình cho nó. Tuy nhiên, để chứng tỏ rằng cộng đồng này không phải là ác thì cần nhiều hơn một thái độ học: sự bao dung. Người ta đã a dua vì thiếu thông tin, lẽ nào lại a dua để tạo ra sự thiếu minh bạch thông tin một lần nữa?

PV (ghi)

Nhà báo Hoàng Minh Trí (tức facebooker Cu Trí): Buông ra những lời cay đắng rất dễ!

PV: Facebook của anh có hơn 24.000 người theo dõi. Mỗi một chia sẻ của anh có ít nhất là ngần ấy người đọc và hàng trăm bình luận, chia sẻ được mọi người phát đi trong cộng đồng mạng. Bản thân anh có thực sự cẩn trọng với những phát ngôn ở trên mạng của mình?

- Phải thú thật tôi vô cùng cẩn trọng trong các lời nói, bài viết trên mạng xã hội. Trong những người theo dõi tôi có cả ông bà, bố mẹ, gia đình nhà vợ…Vậy nên lại càng phải thận trọng hơn nữa. Khi tôi viết gì đó thì những người thân luôn hiện lên trong tâm thức và tôi viết càng phải chọn lọc chủ đề, câu chữ…Tất nhiên cuộc sống hiện đại không tránh khỏi những va chạm, nhãn quan gặp những điều không hài lòng dễ khiến chúng ta bức xúc. Theo thói quen của nhiều người là họ lên mạng xã hội để xả, tôi nghĩ đó cũng là một tấm gương lớn để soi bóng về tính cách, nhận thức của từng cá nhân. Nhóm chúng tôi có những group riêng, kín đáo để chia sẻ tâm tư, bức xúc hoặc để đón nhận sự góp ý rất cởi mở. Đó là một sân chơi kín và nếu gặp vấn đề thì tôi chui vào đó chứ không xả lên mạng. Tôi nghĩ một chuyện không vui của mình cũng không nên bắt người khác hứng chịu hay mệt mỏi hộ. Tôi luôn chia sẻ những câu chuyện vui như cái van xả áp cho bạn bè trên mạng xã hội.

Nhà báo Hoàng Minh Trí (tức facebooker Cu Trí)

PV: Mỗi status của anh nhận được nhiều comment, trong đó có nhiều ý kiến, quan điểm trái chiều là không tránh khỏi. Anh nhìn nhận, hồi đáp những comment này thế nào?

- Đúng là mạng xã hội thì như một cái chợ và ta phải đón nhận tất thảy các ý kiến thuận và trái chiều. Khi tôi viết, bày biện mọi thứ lên “sạp hàng” của mình thì gần như cũng đã gạn lược những điều có thể gây tranh cãi, tôi luôn viết theo cách đường hai làn, tức là nghĩ thế nào cũng dễ thuận. Thật ra trong hơn 6 năm sử dụng mạng xã hội, tôi chỉ gặp vài trường hợp trái chiều với suy nghĩ của mình, tôi chỉ ấn like và có lời cảm ơn. Đôi khi tôi ngừng lại nghĩ kỹ lại và nếu thấy họ đúng, tôi xóa đi bài viết hoặc đặt chế độ ẩn để lưu trữ.

Chuyện tranh luận trên mạng diễn ra từng giây từng phút, phê phán trên mạng là việc cực dễ, bởi họ ẩn danh hoặc chí ít là cũng núp đằng sau màn hình máy tính. Buông ra những lời cay đắng rất dễ. Đặc thù nghề nghiệp làm nghề viết lách nên tôi thường đọc rất kỹ các tranh luận, đứng bên ngoài quan sát hơn là tham gia vào đó.

PV: Đọc nhiều status của anh thì thấy có nhiều cái rất “hot”, dễ thu hút đám đông quan tâm. Cá nhân anh có chủ đích câu like?

- Tôi viết cái tôi thấy thích và cảm thấy nó hữu ích cho cộng đồng. Là những câu chuyện chia sẻ về cuộc sống ở một góc nhìn đơn giản nhất, không hoa mỹ cầu kỳ tô vẽ trong câu chữ. Có thể cách tiếp cận bạn đọc như vậy dễ chịu hơn là những thứ quá giáo điều. Về “like”, theo tôi đó là một thứ thang điểm đánh giá mỗi cá nhân trên mạng xã hội. Tôi không quan tâm lắm đến nó vì thật ra tôi hài lòng với cộng đồng mạng mình đang tham gia. Có những người họ ấn like khiến tôi cảm thấy rất vui hơn là hàng ngàn cái like khác.

PV: Một ý kiến được đưa ra trên mạng, nhiều khi chẳng rõ đúng sai nhưng nhiều người đã ào ào hùa theo. Song mạng ảo nhưng tổn thương mà nó đem lại cho người bị ném đá, thậm chí cả chính người chủ động ném đá không phải là giả. Anh có đồng tình?

- Như tôi đã nói ở trên, thế giới mạng là một nơi tương đối “an toàn” để nói, tranh biện, chửi bới, phê phán bởi họ được che chở kín đáo về mặt “vật lý”. Không phải là tất cả nhưng cũng là một đám đông không hề vắng vẻ mỗi ngày “rèn luyện” việc a dua và nó thành một phản xạ, việc đầu tiên là… chửi cái đã chứ không xem xét căn nguyên một câu chuyện thật hay giả, người tung ra câu chuyện có mục đích gì…

Tôi hoàn toàn đồng ý rằng mạng là ảo nhưng tổn thương là thật. Song thật ra thì cái gọi là “cộng đồng mạng” giống như một đứa trẻ lên 7, dễ căm phẫn, dễ bức xúc, dễ nhặt đá ném thẳng tay nhưng họ cũng chóng quên. Hôm nay có thể phẫn nộ đòi “truy sát” kẻ này người nọ nhưng có mấy ai thực sự ra đường đâu? Rồi hôm sau lại có “đồ chơi” mới là một sự vụ gì khác thì họ quên khuấy chuyện cũ như những đứa trẻ con. Theo tôi, nếu mình là nhân vật chính bị ném đá thì cũng kệ thôi.

Im lặng là cách giải quyết khủng hoảng với đám đông hung hãn trên mạng hiệu quả nhất.

PV: Cá nhân anh có bao giờ bị sa đà vào những cuộc tranh cãi, những luồng quan điểm, ý kiến trái chiều trong thế giới ảo?

- Tôi chỉ đọc, suy nghĩ xem căn nguyên các vấn đề như thế nào, xem thực chất là người ta đang quảng cáo cho cái gì hay có mục đích gì khi tung ra các thông tin này nọ. Tôi tránh tuyệt đối những tranh cãi, luồng quan điểm ý kiến trái chiều bởi thấy nó vô bổ. Cuộc sống của tôi rất là vui, khi tham gia vào tranh cãi tự nhiên mệt đầu. Mà tranh luận trên mạng giờ họ hay chơi tiểu xảo bỏ bóng đá người, đuối lý là mang đời tư nhau ra bỉ bôi rất là kém văn minh. Mạng xã hội đối với tôi là một chỗ vui vẻ, chả việc gì phải mệt với mấy trò tranh cãi.

PV:Đời sống cá nhân giữa cộng đồng hiện nay rất mong manh thương tổn. Theo anh, mỗi người, nhất là người trẻ nên có thái độ, quan điểm, rèn luyện thế nào để tránh được những tổn thương có thể gặp phải do việc bị kích động, a dua từ đám đông đem lại?

- Đám đông trên mạng rất nguy hiểm, tôi cho là vậy. Nhưng quan trọng hơn cả là chúng ta hoàn toàn có thể điều tiết được mối quan hệ trên mạng bằng các công cụ có sẵn để sàng lọc, chia sẻ trong giới hạn nào… Tổn thương thì nơi nào cũng có, trên mạng chỉ mấy phím bấm là có thể moi móc tất thảy và khó xóa nhòa. Chọn bạn mà chơi và trên mạng có đầy đủ các chức năng “xây dựng” hàng rào để tự bảo vệ chính mình. Hạn chế công khai hóa quá nhiều về đời tư trên mạng. Nó là con dao hai lưỡi vô cùng nguy hiểm. Đám đông nào cũng nguy hiểm và ở mạng xã hội cũng vậy, tránh xa và đứng quan sát lại vỡ ra được nhiều điều.

PV: Xin cảm ơn anh!

Quỳnh Anh (thực hiện)

Nhà văn Phong Điệp: Không hiểu chuyện cũng phán xét

Tôi tán đồng với quan điểm cho rằng: A dua là hành vi một (số) người làm theo, bắt chước người khác mà hành động thiếu suy nghĩ. Việc “thiếu suy nghĩ ở đây” là thiếu sự tìm hiểu, phân tích vấn đề một cách sâu sắc để biết đúng sai, từ đó quyết định lựa chọn hành động đúng đắn của bản thân. Chính vì thế hành vi a dua thường là những hành vi nhất thời, do dại dột, mù quáng hoặc xuất phát từ ý muốn kiếm lợi cho bản thân.

Nhà văn Phong Điệp

Nhận diện hành vi a dua trên mạng xã hội hiện nay không khó. Tôi từng thấy nhiều trường hợp một người lên facebook viết status chê bai, thậm chí chửi bới một ai đó thì lập tức có rất nhiều người vào like, comment theo kiểu “vỗ tay vào” hoặc “đổ thêm dầu vào lửa”. Điều nực cười là những người vào like và viết comment hầu hết chẳng hiểu đầu đuôi câu chuyện thế nào. Nếu đã không hiểu nguyên nhân của vấn đề thì làm sao bạn có thể phán xét hay bình phẩm về điều mà bạn chẳng biết đó là gì?

Đó chính là thói a dua, và nó khiến cho những người a dua trở nên rất nực cười và lố bịch. Trong một số trường hợp cá biệt, sự a dua này còn làm cho xã hội nhiễu loạn, mất ổn định.

Hành vi a dua khác với cái những phản ứng dây chuyền có tính tích cực. Đây là việc làm có suy nghĩ. Người tham gia các hoạt động cộng đồng này đã tìm hiểu vấn đề, và họ thấy mình cần phải làm một việc gì đó có ích.

Xã hội rất cần những hành vi có suy nghĩ, và tích cực như vậy. Còn hành vi a dua, thiếu hiểu biết, thiếu suy nghĩ rất cần lên án và loại bỏ để góp phần làm lành mạnh hóa đời sống xã hội.

Thư Hoàng (ghi)

TS Khuất Thu Hồng: Đừng để bị mạng xã hội “nhấn chìm”

Nhìn nhận mạng xã hội là xu hướng phát triển tự nhiên và cần thiết trong việc thể hiện cái tôi của mỗi người, TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cho biết:

- Mạng xã hội hiện nay như một nơi để người ta thể hiện những cảm xúc suy nghĩ có tính chất tức thì, mì ăn liền. Tất nhiên có những người cẩn trọng suy nghĩ trước khi viết lên “tường” nhà mình hay nhà người khác nhưng cũng có những người hoàn toàn thể hiện một cách bộc phát. Đó là điều bình thường theo nghĩa có người thế này, có người thế kia. Nhưng thực tế đã chứng minh mạng là ảo còn tổn thương là có thật. Hậu quả để lại của những phát ngôn tưởng chừng vô thưởng vô phạt kia có thể tạo thành những sức ép, áp lực đối với đối tượng bị nhắc đến, thậm chí có thể có những tác động tiêu cực đến họ.

Ở chiều ngược lại, mũi tên bắn đi có thể một lúc nào đó quay ngược lại đâm vào chính mình. Không ai khác, tự mình làm tổn thương mình chính là điều đáng tiếc mà nhiều người đang mắc phải khi phát ngôn thiếu thận trọng, nhất là trên mạng xã hội.

TS Khuất Thu Hồng

PV: Dễ thấy trong những phát ngôn hằng hà sa số trên mạng mỗi ngày hiện nay, nhiều ý kiến là a dua, ăn theo một ai đó chứ không thực sự là chính kiến của chủ nhân?

- Đúng vậy. Vấn đề hiện nay là khi chúng ta sống trong thời đại mạng xã hội lên ngôi, mỗi người phải có bản lĩnh để không bị kích động, nhấn chìm bởi mạng xã hội. Mỗi hành động của một người đều xuất phát từ quan điểm, lợi ích, tình cảm cá nhân của chính họ trong một thời điểm nhất định. Việc bàn luận về hành động, con người của một cá nhân nào đó hoàn toàn mang tính chất cá nhân, không phản ánh hoàn toàn sự thật về con người đó. Nếu cứ “nói theo” người khác mà không tìm hiểu thực hư bản chất của sự việc kiểu xúm vào ném đá hội đồng một ai đó chỉ vì một ý kiến chưa được kiểm chứng như cách ứng xử trên mạng xã hội hiện nay thì thật thiếu công bằng và dễ gây những hậu quả đáng tiếc. Mỗi người tham gia mạng xã hội nói riêng và trong cuộc sống nói chung cần rèn luyện được tâm thế bình tĩnh khi đứng trước một sự việc, nhất là tránh việc phán xét người khác vội vàng, a dua theo một ý kiến nào đó. Đồng nghĩa với việc, nếu bạn là nhân vật chính trong những phán xét vội vàng kiểu té nước theo mưa đó thì cũng nên bình tĩnh, tuyệt đối không vì thế mà hoảng loạn, choáng ngợp, bế tắc, tuyệt vọng…

PV: Nói dễ nhưng thực tế nếu là nhân vật chính bị hàng trăm hàng nghìn những người không quen biết bàn luận nói ra nói vào một cách không đúng sự thực, thậm chí ác ý thì cũng khó tránh khỏi mệt mỏi, thưa chị?

- Đã là những người không quen biết thì không thể biết hết, cũng không thể giải thích với từng người. Điều quan trọng là phải có chính kiến rõ ràng, lập trường vững vàng và bản lĩnh để bảo vệ điều mình cho là đúng. Người khác chưa chắc đã hiểu hoàn cảnh, động cơ việc mình làm nên đừng để bị kích động trước những phản ứng của người khác. Đó là cách để chúng ta vượt qua những giây phút khủng hoảng do đám đông với nhiều thành phần té nước theo mưa đem lại.

PV: Chị có tham gia vào mạng xã hội?

- Tôi có facebok và dùng nó chia sẻ những thông tin cá nhân của mình cho bạn bè, người thân, hoặc những sự kiện làm mình có ấn tượng, vui, buồn… Ngoài ra, là một người làm xã hội, tôi cũng muốn biết người ta vào facebook làm gì, những gì đang xảy ra trên facebook nhưng tuyệt đối không vì thế mà sa đà vào những thông tin, tranh luận không có ích cho công việc, cuộc sống của mình. Tuy vậy, nhiều lúc tôi cũng cảm thấy hoang mang vì thông tin trên mạng hiện nay quá nhiều chiều khác nhau. Không khó lý giải vì sao nhiều người, không chỉ người trẻ dễ bị thu hút bởi những thông tin đó. Cách tốt nhất là nên rèn thói quen lên mạng khoa học, tránh lang thang không mục đích vì có thể gặp nguy hiểm do những thông tin, tranh luận đó ảnh hưởng đến tâm trạng, quan điểm, chính kiến, lối sống của mình.

Ngày nay, không phải mỗi người đứng ngã tư đường mà là ngã 7, ngã 8… Những dòng xe đan chéo nhau, biết đi đường nào đây? Phải chuẩn bị cho con em mình những bản lĩnh, kiến thức cần thiết để phân luồng các thông tin, cái gì mình cần, nên đi hướng nào chứ không phải cứ thấy đám đông thì đi theo. Đó là cái con trẻ Việt Nam đang thiếu.

Tôi cho rằng trong nhà trường nên đưa vào nội dung giảng dạy cụ thể về việc sử dụng thông tin trên mạng internet như thế nào, thời gian tiêu tốn bao nhiêu là hợp lý... Thế giới mạng rộng lớn, mình là người đi mua hàng phải tỉnh táo, biết chọn lọc cái mình cần chứ không phải thứ gì rẻ cũng mua. Tuyệt đối không thể buông thả tự do để trẻ muốn làm gì cũng được trong thế giới ảo. Nhưng cũng không thể dùng biện pháp tiêu cực kiểu “quản không được thì cấm” sẽ càng làm cho trẻ tò mò hơn mà thôi.

PV: Xin cảm ơn chị!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Căn bệnh a dua

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO