Cảnh báo tác hại của chất cấm trong chăn nuôi

Phương Lan 30/09/2015 09:51

Thời gian qua, thông tin việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi khiến người tiêu dùng hoang mang. Đáng chú ý là chất tạo nạc, chất tăng trưởng trong chăn nuôi heo khi ngành chức năng “đụng” đâu phát hiện đó. Giới chuyên gia cảnh báo: Khi ăn thịt lợn có chất cấm, lượng chất cấm còn tồn dư trong thịt bao nhiêu sẽ được cơ thể người hấp thu bấy nhiêu. 

Cảnh báo tác hại của chất cấm trong chăn nuôi

Tràn lan sử dụng chất cấm trong chăn nuôi heo

Đối với heo, những chất như salbutamol, clenbuterol, ractopamin có thể giúp nuôi mau lớn, giúp chuyển hóa làm tiêu mỡ, giúp tăng khối lượng cơ , còn gọi là “siêu nạc”, làm màu thịt đỏ tươi hơn, nhưng tác hại gây ra khó lường. Vì liều lượng dùng các chất tạo nạc trong chăn nuôi không lường được, nếu trộn vào thức ăn chăn nuôi bừa bãi không khác nào đầu độc con người, nếu người dùng thịt heo bị nhiễm sẽ có nguy cơ tích lũy trong cơ thể và bị ngộ độc.

Cả ba chất vừa kể đều có tác dụng phụ có hại nghiêm trọng như gây hội chứng ngộ độc (cho heo và cả cho người ăn thịt heo chứa chất tạo nạc): tim đập nhanh, tăng hoặc hạ huyết áp, run tay chân, đau cơ, buồn nôn, ói, gây rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, gây nhiễm trùng hô hấp…

Cho dù ngành chức năng đã nghiêm cấm sử dụng chất tạo nạc, chất tăng trưởng trong chăn nuôi, thế nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao những chất này vẫn xuất hiện nhan nhản trên thị trường. Các chủ trang trại, hay người chăn nuôi đơn lẻ dù ở vùng sâu vùng xa vẫn có thể tìm mua một cách dễ dàng.

Phía Nam hiện đang là điểm nóng về tình trangh sử dụng chất tạo nạc và tăng trưởng. Báo cáo 6 tháng đầu năm của Chi cục thú y TP. Hồ Chí Minh cho thấy, trong 227 mẫu nước tiểu gia súc của 55 hộ giết mổ đã phát hiện 31 mẫu dương tính với hoạt chất cấm, sử dụng trong chăn nuôi là salbutamol từ l80 - 1.300ppb. Trong các trường hợp phát hiện, có 4 trường hợp có nguồn gốc xuất xứ Đồng Nai, 2 ở Tiền Giang, 1 ở Long An. Ngày 9-9, tại Tiền Giang và Đồng Nai, hai vùng nuôi cung cấp lượng thịt heo lớn cho TP.HCM, cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện nhiều mẫu của các trang trại nuôi heo dương tính với chất tạo nạc bị cấm. Thậm chí có mẫu vượt đến 600 lần mức cho phép. Nhận định đây là những vụ việc nghiêm trọng, thanh tra chuyên ngành đã chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để điều tra làm rõ. Ông Phạm Văn Chiến, chánh thanh tra Sở NN&PTNT Tiền Giang, thừa nhận việc sử dụng chất tạo nạc trong nuôi heo tại địa phương này đang ở mức báo động. Còn tại Đồng Nai, thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh này cũng vừa có kết quả kiểm tra 6 trại chăn nuôi heo ở khu vực P.Long Bình, TP Biên Hòa, phát hiện 3 trại có sử dụng chất salbutamol. Trong đó có trại người nuôi đã sử dụng chất này vượt ngưỡng cho phép đến 556 lần, còn lại vượt mức từ 10-24 lần. Ước tính cả ba trại trên có tổng đàn gần 800 con. Chủ trại khai thường mua heo từ 80-100kg về nuôi, dùng chất tạo nạc cho ăn (trong vòng một tuần đến 20 ngày) để heo có trọng lượng 130 kg/con, sau đó xuất chuồng bán chủ yếu về TP.HCM.

Theo đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), chất tạo nạc xuất hiện trên thị trường rất có thể từ nguồn nhập lậu. Salbutamol và clenbuterol - các chất có tác dụng tạo nạc ở heo - hiện sử dụng tại các khoa hô hấp như hoạt chất điều trị hen, phổi tắc nghẽn mãn tính... Việc mua bán sử dụng cũng như liều dùng, thời gian dùng phải có chỉ định chặt chẽ của bác sĩ. Đặc biệt, từ năm 2002 Bộ NN &PTNT đã cấm sử dụng các chất này trong thức ăn chăn nuôi. Chưa thể đánh giá ngay tác hại của salbutamol, clenbuterol với người sử dụng thịt heo được nuôi bằng chất tạo nạc, vì còn cần thêm yếu tố như lượng thịt sử dụng, thời gian, mức độ tồn dư... Tuy nhiên chắc chắn có ảnh hưởng tới sức khỏe.

Cảnh báo tác hại của chất cấm trong chăn nuôi - 1

Chất cấm bị lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ

“Đề nghị Nhà nước cần nghiên cứu và ban hành Pháp lệnh Thức ăn chăn nuôi để việc xử phạt hành vi cố tình đưa chất cấm vào thức ăn chăn nuôi đủ sức nghiêm minh, răn đe” - ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam.

Còn GS Nguyễn Lân Dũng - Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam cho rằng: Beta- β-agonists được chứng minh là chất chuyển đổi làm giảm khá hiệu quả lượng mỡ của cơ thể, kích thích sự phát triển cơ ở gia súc (lợn, cừu) và gia cầm. Tuy nhiên, để có heo siêu nạc, người ta phải dùng cho gia súc với liều lượng cao hơn gấp 5-10 lần so với liều dùng trong điều trị (sở dĩ nó được phép dùng trong y học là bởi nó được dùng với liều lượng rất nhỏ và có sự kiểm soát chặt chẽ của thầy thuốc). Đây chính là lý do của việc sử dụng trái phép beta-agonists trong thức ăn chăn nuôi (đặc biệt là chăn nuôi lợn) dẫn đến việc tồn dư các chất này trong sản phẩm động vật.

Nếu lợn được kích nạc bằng Salbutamol thì cơ bắp, cơ mông, đùi rất chắc, nổi rõ. Salbutamol được hấp thụ dễ dàng qua đường tiêu hóa, là loại thuốc dùng cắt cơn hen, giãn phế quản, giãn cơ trơn. Salbutamol có thể gây nhược cơ, làm giảm vận động của cơ, khớp, khiến cơ thể phát triển không bình thường. Khi ăn thịt lợn có Salbutamol cũng giống như uống thuốc này. Lượng Salbutamol còn tồn dư trong thịt bao nhiêu sẽ được cơ thể người hấp thu bấy nhiêu. Nếu người tiêu dùng ăn thịt heo có tồn dư hai chất nói trên thì lâu dần sẽ có nguy cơ bị ảnh hưởng xấu lên tim mạch, làm cho tim đập nhanh, tăng huyết áp, run cơ, rối loạn tiêu hóa… và có thể là nguy cơ cho những căn bệnh khác.

Trước thực trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đang có chiều hướng gia tăng, mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về những nguy ngại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đối với sức khỏe cộng đồng, uy tín của ngành chăn nuôi Việt Nam; thông tin kịp thời cho dư luận biết về tình hình và danh tính của các đối tượng vi phạm…Về việc kiểm tra ở địa phương, Bộ trưởng yêu cầu: Tại các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi cần lưu ý các cơ sở gia công thức ăn chăn nuôi, phối trộn các loại premix, thuốc thú y, thức ăn bổ sung. Tại các cơ sở, trang trại chăn nuôi cần kiểm tra thức ăn chăn nuôi, nhất là nước tiểu vật nuôi ở giai đoạn vỗ béo, xuất bán đối với lợn thịt và bò thịt.

Theo bác sĩ thú y Vương Thiện Đức, một người chuyên hành nghề thú y ở Bình Dương, thì tác động của Clenbuterol và Salbutamol là vô cùng nặng nề đối với người sử dụng. Đó là việc gây ảnh hưởng lên hệ thần kinh, hệ cơ và hệ tim mạch. Còn GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn, Chủ tịch Hội Hóa học TPHCM thẳng thắn: Việc phát hiện chất cấm clenbuterol và salbutamol trong thịt heo đây không phải là lần đầu. Thỉnh thoảng phát hiện được một vụ, dư luận ầm ĩ một thời gian rồi đâu lại vào đấy. Vấn đề cần thiết là cơ quan chức năng phải có quy trình quản lý chặt chẽ và kiểm soát thường xuyên bằng xét nghiệm nhanh các loại chất cấm này.

“Kinh doanh chất cấm trong chăn nuôi, một vốn 10 lời nên nhiều người cố tình tham gia, gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi trong nước. Không chỉ thức ăn chăn nuôi, nhiều nguyên liệu thức ăn bổ sung khác cũng có nguy cơ chứa chất kích thích tạo nạc. Cụ thể premix vitamine-khoáng, men tiêu hóa, probiotic, choline chloride, chromium picolinate, thức ăn bổ sung lạ có quảng cáo công dụng kích thích sinh trưởng và tạo nạc… được cố tình đưa vào để tăng hiệu quả, lôi kéo người chăn nuôi sử dụng” - PGS-TS Lã Văn Kính, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cảnh báo tác hại của chất cấm trong chăn nuôi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO