Hơn 4 nghìn xã đạt chuẩn nông thôn mới

Thanh Hà 10/07/2019 16:26

Tính đến tháng 6/2019, cả nước có 4.402 xã (đạt 49,38%) đạt chuẩn nông thôn mới, có 76 đơn vị cấp huyện thuộc 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn, hoàn thành xây dựng nông thôn mới; bình quân mỗi xã đạt 15,26 tiêu chí, không còn xã dưới 5 tiêu chí. Đặc biệt, 4 tỉnh Đồng Nai, Nam Định, Bình Dương và thành phố Đà Nẵng đã vươn lên thành 4 tỉnh, thành phố đầu tiên của cả nước có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Hơn 4 nghìn xã đạt chuẩn nông thôn mới

Nông thôn mới ở Nam Định.

Sau 10 năm triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay, tỉnh Đồng Nai có 100% xã (133/133 xã) đạt chuẩn nông thôn mới; 11/11 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 19,5% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, vượt 4,5% chỉ tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2018 đạt 51,59 triệu đồng/người/năm, tăng 18,1% so với năm 2016;…

Bên cạnh nguồn vốn đầu tư hạ tầng nông thôn, trong 10 năm qua, tỉnh Đồng Nai đã tập trung kêu gọi đầu tư sản xuất và đã thu hút 831 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đầu tư trên 237.200 tỷ đồng vào địa bàn nông thôn, giải quyết được nhiều việc làm và góp phần tăng thu nhập cho người dân vùng nông thôn.

Cùng với Đồng Nai, Nam Định là địa phương có nhiều huyện đạt chuẩn huyện NTM nhất cả nước. Để thực hiện chương trình quốc gia về xây dựng NTM, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, thường xuyên và liên tục, do đó, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quyết liệt với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Trong đó, 100% các huyện, các xã, thị trấn thành lập BCĐ xây dựng NTM, ban hành các nghị quyết, kế hoạch, các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và phân công cụ thể trong cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức thực hiện; thường xuyên kiểm điểm, đánh giá tiến độ, chất lượng xây dựng NTM; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, tổ chức và doanh nghiệp hưởng ứng, tham gia tích cực xây dựng NTM, với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”; thực hiện và phát huy tốt quy chế dân chủ ở cơ sở với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, dân hưởng thụ”. MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân, hội viên tích cực chung tay xây dựng NTM với nhiều phong trào, cuộc vận động thiết thực, hiệu quả như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” gắn với cuộc vận động “Xây dựng khu dân cư 5 không”; “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững”;...

Một trong những giải pháp hiệu quả góp phần đạt được những kết quả quan trọng trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là sự huy động nguồn lực xã hội để thực hiện chương trình. Trong giai đoạn 2011 – 2015, điều kiện kinh tế cả nước còn khó khăn, ngân sách hạn hẹp, Nhà nước vẫn ưu tiên hằng năm tăng nguồn lực đầu tư cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong 5 năm, cả nước đã huy động được khoảng 851.380 tỷ đồng đầu tư cho chương trình.

Chỉ trong 3 năm (từ năm 2016 - 2018) của giai đoạn 2, tổng nguồn lực huy động cho nông thôn mới là trên 900.493 tỷ đồng (vượt cả 5 năm của giai đoạn 1). Nhiều địa phương đã vận động, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất xi măng, khai thác đá, cát, sỏi... ủng hộ nguyên vật liệu xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn; cộng đồng và dân cư đóng góp gần 56.800 tỷ đồng.

Dự kiến năm 2019, cả nước có khả năng huy động được khoảng 367.856 tỷ đồng từ các nguồn lực để đầu tư thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hơn 4 nghìn xã đạt chuẩn nông thôn mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO