Lễ Gạ Ma Thú của người Hà Nhì

Xuân Hải (tổng hợp) 17/07/2019 08:00

Trong năm, người Hà Nhì có nhiều ngày lễ, nhưng nhộn nhịp nhất là lễ Gạ Ma Thú. Gạ Ma Thú bao gồm nhiều lễ cúng, và điều đặc biệt, trong 3 ngày cúng bản nội bất xuất, ngoại bất nhập. Bởi ý nghĩa đặc trưng này, lễ Gạ Ma Thú còn gọi là lễ cấm bản, hoặc lễ cúng bản.

Lễ Gạ Ma Thú của người Hà Nhì

Phụ nữ mặc trang phục rực rỡ trong lễ Gạ Ma Thú.

1. Trong lễ tục vòng đời của cộng đồng người Hà Nhì, lễ Gạ Ma Thú là nghi lễ lớn, quan trọng nhất, được tổ chức vào tháng 2 âm lịch hằng năm. Đây là nghi lễ để bà con hướng về cội nguồn, tổ tiên, ông bà, tri ân các vị tiền bối có công khai phá, bảo vệ bản mường, tạ ơn trời đất, tổ tiên, các đấng siêu nhiên phù hộ cho người dân mạnh khỏe, vạn vật sinh sôi, làm ăn phát triển... Đây cũng là dịp để mọi người cùng vui chơi, mừng mùa Xuân mới.

Đến lễ Gạ Ma Thú, người Hà Nhì dừng các công việc trên nương rẫy, không gây mất đoàn kết, không ăn thịt thú rừng, không bắt hoặc mang vào bản các con vật sống trong hang, lòng đất để tránh rủi ro cho nhân dân trong bản…

Lễ Gạ Ma Thú kéo dài 3 ngày. Một trong những công việc đầu tiên là tiến hành dựng cổng bản. Việc này do những thanh niên khỏe mạnh thực hiện. Hai bên cổng, có hai cây gạo được trồng trong 2 sọt đất nhỏ- tượng trưng cho 2 bồ thóc của bản. Bên cạnh 2 cây gạo, người Hà Nhì treo 1 dây xích lớn được đan từ vỏ cây ò mé - loại cây kị ma và dao, súng, nỏ, sáo, ống điếu được đẽo bằng gỗ.

Trong ngày thứ nhất và ngày thứ hai, các gia đình chuẩn bị lễ vật của mình, đàn ông chuẩn bị lợn, gà, đan giỏ đựng trứng; phụ nữ chuẩn bị gạo, trứng gà nhuộm đỏ, xôi nhuộm vàng... Buổi chiều, các gia đình mang lễ vật tượng trưng cho những vật dụng trong sinh hoạt, lao động sản xuất và thể hiện một cuộc sống thanh bình sung túc, vật phẩm phong phú của dân bản để làm 8 mâm cúng, thực hiện các nghi thức: Cúng đầu bản (cúng chính), cúng thần nước (phía Tây), cúng thần rừng (phía Đông), cúng thần gió (phía Bắc), cúng thần đất (phía Nam), cúng vong linh...

Cụ thể hơn, ngày đầu tiên bà con làm lễ cúng rừng cấm. Trong đời sống người Hà Nhì rừng có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Thần rừng che chở cho bản làng, cung cấp cho con người thịt chim thú và rau quả. Chính vì vậy, theo phong tục lễ cúng trên rừng cấm chỉ được tập trung những trai bản khỏe mạnh, những thợ săn điêu luyện, họ tự mang lợn, gà, nếp thơm mang lên làm lễ vật báo cáo và trả ơn thần trong trong năm qua đã cho thợ săn nhiều con thú, nhiều rau quả tươi xanh. Sau khi cúng xong, họ tự ăn uống chúc tụng nhau đi săn không bị hổ, gấu vồ, nhà nào cũng có thịt sấy treo đầy trên gác bếp.

Ngày thứ hai tiến hành lễ cúng bản. Lễ này được bà con tiến hành ở đầu bản và cuối bản. Trong lễ cúng này cả bản đều tham gia để cầu mong trong năm bản làng bình yên, chăn nuôi, cấy trồng mùa màng tươi tốt, không bị dịch, sâu bệnh. Sau lễ cúng người nào cũng cố mời nhau về nhà mình ăn uống, thưởng thức rượu ngô đầu mùa mới nấu, cơm nếp nương dẻo thơm. Theo quan niệm xa xưa, nhà nào có nhiều khách thì sẽ may mắn.

Đến ngày thứ ba, vào buổi sáng, khi con gà rừng chưa gáy, núi rừng còn phủ một màn sương trắng thì cả bản đã thơm lừng mùi cơm nếp, bánh ngô để làm quà cho khách phương xa đến chơi.

Trong 3 ngày cúng bản, các thiếu nữ váy áo sặc sỡ, tập trung từng tốp chơi cầu. Quả cầu được làm bằng lông gà và vỏ cây chuối khô. Người nào làm rơi cầu sẽ bị cả tốp xúm lại véo tai đến khi hai tai đỏ lừ mới thôi. Các hoạt động vui chơi như đánh đu, bập bênh, đu quay, ném còn, đánh cù, hát, múa cũng diễn ra trên khắp các bản làng.

2. Trung tuần tháng 6 vừa qua, tại bản A Pa Chải, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, UBND huyện Mường Nhé (Điện Biên) tổ chức Lễ công bố và trao chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ Gạ Ma Thú của cộng đồng dân tộc Hà Nhì đang sinh sống ở 4 xã cực Tây Tổ quốc, gồm Sín Thầu, Chung Chải, Sen Thượng, Leng Su Sìn. Trước đó, tại Quyết định số 446/QĐ-BVHTTDL, ngày 29/1/2019, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đợt 26, lễ Gạ Ma Thú nằm trong danh mục 17 di sản được tôn vinh.

Theo ông Đào Ngọc Lượng- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên, lễ Gạ Ma Thú của người Hà Nhì được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã xác lập một di sản mới trên mảnh đất Điện Biên, nâng tổng số Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh lên 8 di sản. Lễ Gạ Ma Thú là một loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng độc đáo của người Hà Nhì được bồi đắp, hun đúc, sáng tạo, giữ gìn, trao truyền qua nhiều thế hệ.

Tại buổi lễ, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Điện Biên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên đề nghị, huyện Mường Nhé tích cực phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng ngành chức năng tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị di sản; tăng cường tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị của di sản. Cùng với đó, huyện thường xuyên kiểm kê và tư liệu hóa giúp cho việc nhận diện và phát huy giá trị di sản một cách hiệu quả; khuyến khích nhân dân gìn giữ, trao truyền các nghi thức thực hành di sản một cách bền vững. Chính quyền địa phương cần tiếp tục tạo điều kiện để người Hà Nhì tham quan, học tập, giao lưu, quảng bá, giới thiệu di sản văn hóa của dân tộc mình với đồng bào các dân tộc trong cả nước; đưa các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, gồm điệu múa, trò chơi dân gian truyền thống của người Hà Nhì vào trường học thuộc khu vực cư trú của người Hà Nhì. Đặc biệt, các địa phương cần thành lập và duy trì hoạt động của các câu lạc bộ trình diễn, truyền dạy nghi lễ truyền thống và nghệ thuật trình diễn dân gian tại các bản, nhóm dân cư dân tộc Hà Nhì.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lễ Gạ Ma Thú của người Hà Nhì

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO