Linh trưởng 'khủng'

Mỹ Hiền (Nguồn tham khảo: Daily Mail) 22/04/2017 08:25

Tháng 5/2014, nhân viên Sở thú Cincinnati, bang Ohio (Mỹ) đã buộc phải bắn chết một con khỉ đột để cứu bé trai 3 tuổi. Việc bắn chết một dã thú cực quý hiếm, đã gây lên một làn sóng tranh cãi: như vậy có vi phạm luật pháp bảo vệ động vật hoang dã bên bờ vực tuyệt chủng hay không?

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, đại diện sở thú Cincinnati cho rằng, đó là điều bắt buộc vì tính mạng con người là cao hơn tất cả. Con khỉ đột có tên Harambe bị bắn chết khiến những người yêu động vật tức giận, họ đổ tội cho nhân viên sở thú chỉ tìm cách cứu đứa trẻ mà không hề nghĩ tới con khỉ đột. Có người còn kết tội cha mẹ của em bé, vì không trông nom con cẩn thận- theo tờ The Sun.

Thật đáng ngạc nhiên, sau đó hơn 2.000 người đã ký vào đơn kiến nghị trên trang Change.org, lên án lực lượng cảnh sát Cincinnati và sở thú vì giết chết con khỉ đột Harambe, đồng thời đề nghị cha mẹ em bé phải liên đới chịu trách nhiệm.

“Nếu Harambe định làm hại hay giết đứa trẻ thì nó đã làm rồi. Nó chỉ đang tự bảo vệ mình. Một hành động giết hại động vật vô nghĩa”- một người dùng Twitter viết.

Con khỉ đột có tên là Harambe bị bắn chết năm 2014.

Đáp lại, Sở thú Cincinnati khẳng định nhân viên của họ chỉ phản ứng để xử lý “một tình huống gây nguy hiểm tính mạng” và giải thích rằng thuốc gây mê sẽ không phát huy tác dụng đủ nhanh trong trường hợp này.

“Những người có trách nhiệm đã đưa ra một quyết định khó khăn nhưng chính xác bởi họ đã cứu được đứa trẻ”- ông Thane Maynard, giám đốc sở thú nói.

Trước đó, một bé trai 3 tuổi đã bò qua rào chắn vào chuồng của con Harambe rồi rơi xuống hào bảo vệ phía dưới. Con khỉ đột đã lôi cậu bé đi quanh nơi nó sống chừng 10 phút trước khi bị bắn hạ. Còn bé trai phải nhập viện với nhiều vết thương.

Câu chuyện trên là dẫn chứng sinh động cho việc bảo vệ loài linh trưởng “khủng” như khỉ đột, tinh tinh. Phải làm gì khi chúng dù được coi là “họ hàng” gần gũi nhất của con người nhưng cũng vô cùng nguy hiểm?

Khỉ đột (Gorilla) sống trong rừng rậm châu Phi, là giống lớn nhất trong bộ linh trưởng còn tồn tại. ADN của chúng giống của con người đến 88%, chỉ đứng thứ hai sau tinh tinh. Khỉ đột rất cao lớn. Một con đực trưởng thành cao từ 1,7 đến 2m và nặng tới 180kg. Chúng đi bằng bốn chân dù có thể đứng bằng hai chân.

Tinh tinh, loài linh trưởng còn sót lại.

Còn tinh tinh là tên gọi chung cho 2 loài trong chi Pan, còn được gọi là hắc tinh tinh, quê hương của chúng cũng ở châu Phi. Một con tinh tinh đực trưởng thành có thể nặng tới 70kg và cao chừng 1,3m...

Tinh tinh cái nhỏ bé hơn, nặng chừng 50kg và cao trung bình 1,1m. Đáng chú ý, loài tinh tinh có tuổi thọ khá cao, trong điều kiện tự nhiên chúng có tuổi thọ trung bình 60 năm. Nhưng, cả khỉ đột lẫn tinh tinh thường phải chịu áp lực lớn với những loài virus lạ, vì khả năng tự điều chỉnh bên trong cơ thể của chúng khá yếu ớt.

Vì sự đặc biệt và độc đáo của những loài linh trưởng “khủng” nên chúng được bảo vệ rất chặt chẽ. Cùng đó, chúng cũng trở thành đề tài cho những sáng tác văn học, đặc biệt là điện ảnh.

Mới đất nhất, bộ phim “bom tấn” của điện ảnh Hollyood “Kong: Skull Island”, trong đó có nhiều cảnh quay tại Việt Nam, cũng lấy cảm hứng từ loài linh trưởng to lớn này. Với bối cảnh thập niên 1970, Tom Hiddleston vào vai cựu quân nhân người Anh cùng một nữ phóng viên chiến trường - do Brie Larson đóng - đã tham gia vào cuộc thám hiểm kỳ lạ.

Trong phim, đạo diễn Jordan Vogt-Robert đã tạo ra một con khỉ đột to lớn, với sức mạnh siêu tưởng: tay của nó bóp nát cả trực thăng. “Kong” trong phim này cao hơn 30m, gấp 4 lần so với bản phim năm 2006 của Peter Jackson, gấp đôi Kong của thập niên 1930.

Đạo diễn phim “Kong: Skull Island” khẳng định: “Kong của chúng tôi sẽ là lớn nhất trong mọi phiên bản từng có trên màn ảnh đến thời điểm này. Không chỉ thế, những thứ có trên hòn đảo kỳ bí cũng khác biệt so với tưởng tượng của nhiều người. Những ai quen thuộc với Kong truyền thống, họ sẽ phải thay đổi khi đến với Kong: Skull Island”.

King kong trong bộ phim năm 2005.

Thực tế thì “nhân vật” giả tưởng King Kong đã là biểu tượng của điện ảnh thế giới kể từ khi ra đời vào năm 1933. Nhiều đạo diễn đã đưa King Kong lên màn ảnh với nhiều sự phá cách. Nhưng chung quy lại thì họ đều cố gắng mô tả một loài linh trưởng khổng lồ, có sức mạnh khủng khiếp. Nhưng, ở một khía cạnh nào đó chúng cũng có tình cảm gần giống con người vì chúng là “họ hàng gần nhất của chúng ta”.

Riêng đối với hai bộ phim đề tài này được coi là hấp dẫn nhất là “Kong: Skull Island” (2017) và “King Kong” (2005), người ta thấy một số điểm khác nhau. Bộ phim mới nhất thì vai trò của Kong được mở rộng hơn, tuy rằng nó vẫn phải phục vụ cho bức tranh lớn hơn về thế giới của những loài quái vật. Về kích cỡ “Kong” mới cao hơn “Kong” cũ 4 lần.

“Kong” 2017 được cho đứng thẳng bằng hai chân như con người, khác với bản 2005 khi chỉ đơn giản là một con Gorilla to lớn. Với phiên bản mới này “Kong” cũng thông minh hơn, biết tư duy phân biệt được mục đích của con người, biết dùng vũ khí, biết tôn thờ cha mẹ...

Trong loại phim này, nhân vật “mỹ nhân”- nhằm tương phản với dã thú được đề cao. Tuy nhiên, so với “Kong” 2005 nhiều người cho rằng Naomi Watts có thể coi là mỹ nhân đáng nhớ nhất, xuất sắc nhất từng xuất hiện đóng cặp với quái vật sơn lâm; khi so với Brie Larson vào vai nữ phóng viên trong “Kong” 2017- thì “mỹ nhân trước lãng mạn hơn mỹ nhân sau”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Linh trưởng 'khủng'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO