Những cột cờ nổi tiếng ở Việt Nam: Cột cờ Nam Định

THẠCH THẾ VINH (giới thiệu) 28/09/2015 10:22

Đến Nam Định, bà con và khách du lịch sẽ được thăm thú nhiều di tích lịch sử, những danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Thành cổ Nam Định, Tháp Phổ Minh, Di tích Phủ Giày, Khu bảo tồn đất ngập nước Xuân Thủy… Đặc biệt, Cột cờ Nam Định - một công trình kiến trúc độc đáo, tiêu biểu của Thành Nam xưa, là điểm đến không thể bỏ qua.

Cột cờ Nam Định hiện nay

1. Cột cờ Nam Định còn được gọi với cái tên Kỳ đài Thành Nam. Kỳ đài này nằm ở phía Nam nội thành, trước điện Kính Thiên (nay là chùa Vọng Cung). Đây là một trong 4 kỳ đài được xây dựng vào đầu thời Nguyễn, gồm Kỳ đài Kinh thành Huế (1807), Kỳ đài Hà Nội (1812) và Kỳ đài Thành Bắc Ninh (1838).
Về Nam Định bây giờ, đi trên đường Tô Hiệu (phường Ngô Quyền, TP Nam Định), sẽ nhìn rõ Cột cờ Nam Định - một công trình kiến trúc cổ, có giá trị lịch sử và văn hóa và còn là biểu tượng khơi dậy lòng yêu quê hương, đất nước, ý thức tự hào về chủ quyền Tổ quốc.
Cột cờ cao 23,84m, xây bằng gạch nung già, màu đỏ sẫm có kích thước 0,30m x 0,14m x 0,07m vì thế từ xa ta đã nhìn thấy vẻ uy nghi của công trình. Gạch lát nền kích thước 0,28m x 0,28m x 0,07m, màu nâu đen.

Tấm bia đá khắc thông tin về Cột cờ Nam Định

Các tư liệu lịch sử đều ghi nhận: Cột cờ Nam Định khởi dựng năm Nhân Thân - niên hiệu Gia Long 11 (1812) đến năm Quý Mão - niên hiệu Thiệu Trị 3 (1843) thì hoàn thành. Cột cờ Nam Định gồm 3 phần chính là chân đế (phần bệ), thân cột (thân dài) và vọng canh (vọng lâu). Toàn bộ cột cờ nằm trên 2 tầng bệ, cột hình vuông thu dần từ dưới lên. Tầng dưới cùng hình vuông mỗi cạnh dài 16,33m, cao 2,40m. Hai phía Đông và Tây của tầng một có hai cầu thang xây bằng gạch 10 bậc dẫn lên tầng hai, mỗi cạnh dài 11,42m, cao 3,10m. Bốn mặt bệ đều xây lan can, trổ bốn cửa. Trên khuôn cửa Đông có hai chữ “Nghênh húc” (đón ánh ban mai). Khuôn cửa Nam có hai chữ “Hướng quang” (hướng theo đức sáng). Cửa phía Nam còn bia đá khắc chữ Hán “Kỳ Đài” và “Thiệu trị tam niên phụng tạo”.
Dưới bệ có đền thờ Bà chúa Cột cờ - Giám thương công chúa Nguyễn Thị Trinh liệt nữ hy sinh trong trận quân xâm lược Pháp đánh chiếm thành Nam Định ngày 11-12-1873.
Sân Cột cờ xưa được xây thành sân hành lễ, hình vuông, có hàng lan can ở bốn cạnh. Thân cột cờ cao 12,65m thu nhỏ dần về phía trên với hai phần: Phần dưới xây hình trụ bát giác, mỗi cạnh 2,20m, phần trên xây hình tròn đường kính đáy 3,25m. Trong thân cột cờ có cầu thang xoáy trôn ốc, gồm 54 bậc đi lên vọng canh, được chiếu sáng bằng 32 ô cửa sổ hình hoa thị của tám mặt thân cột cờ. Phần vọng canh xây hình trụ tròn có hàng lan can, 4 cửa vòm và 8 ô cửa sổ nhỏ. Từ mặt vọng canh có thang sắt nhỏ lên đỉnh Cột cờ. Trên đỉnh Cột cờ có thể nhìn thấy những vùng núi, sông, cánh đồng của tỉnh Nam Định và 3 tỉnh Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình.

Cột cờ Nam Định xưa (ảnh chụp khoảng năm 1910)

2. Người dân Nam Định luôn tự hào về Cột cờ thành phố, bởi nó gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng. Năm 1873, thực dân Pháp đánh chiếm Nam Định lần thứ nhất, nhiều tướng sĩ và nhân dân Thành Nam đã chiến đấu kiên cường và anh dũng hy sinh, trong đó có anh hùng liệt sỹ nữ Nguyễn Thị Trinh. Bà là con gái của cụ Nguyễn Kế Hưng - quan Vệ úy coi kho lương ở Thành Nam triều Nguyễn. Ngày 11-12-1873, khi quân Pháp đánh chiếm thành Nam Định, quan Vệ úy Nguyễn Kế Hưng mang thân binh đến giúp quân sỹ giữ Kỳ Đài. Quân Pháp bao vây Kỳ Đài mỗi lúc một đông, Nguyễn Thị Trinh liền tổ chức một lực lượng ở lại trấn giữ kho lương rồi dẫn đầu một đội quân đến Kỳ Đài đánh tập hậu để giải vây cho quân ta. Nhưng trước ưu thế về vũ khí của thực dân Pháp, nhiều tướng sĩ bảo vệ Kỳ Đài lần lượt hy sinh, trong đó có bà Nguyễn Thị Trinh khi đó mới ngoài 20 tuổi. Nhân dân Thành Nam đã an táng bà Nguyễn Thị Trinh và các tướng sĩ ngay tại khu vực Kỳ Đài. Ngày 15-3-1874, vua Tự Đức xét công lao những người có công chống Pháp, Nguyễn Thị Trinh được phong tặng “Giám Thương công chúa” (công chúa coi kho) và cho xây dựng miếu thờ ngay tại Kỳ Đài. Năm 1891, vua Thành Thái truy phong 4 chữ “Tiết liệt anh phong”. Bà được nhân dân tấn phong là Thành Hoàng Đương Cảnh, Bạch Hoa công chúa, thường gọi là Bà chùa Bản tỉnh hay Bà chùa Cột Cờ.
Hiện ở phía Nam Cột cờ, ở độ cao 11m, còn dấu một vết đạn cắm sâu vào 4cm, đường kính 6cm. Đó chính là vết đạn mà tàu chiến của Pháp từ sông Đào bắn phá vào trong Thành, ngày 27-3-1883.
Trong thời kỳ hoạt động bí mật, nhiều cán bộ, đảng viên lấy Cột cờ Thành Nam làm nơi liên lạc và hoạt động để chỉ đạo phong trào. Năm 1967, Nam Định bị máy bay Mỹ đánh phá ác liệt. Đỉnh Cột cờ là nơi tổ quan sát máy bay do đồng chí La Vĩnh Hào - tự vệ Nhà máy Dệt chỉ huy làm nhiệm vụ viễn tiêu. Ngày 11-6-1972, máy bay Mỹ lao vào đánh phá thành phố Dệt. Vào hồi 10 giờ 10 phút sáng, chúng đã bắn rocket và ném bom trúng vào khu vực Cột cờ làm sập toàn bộ công trình kiến trúc cổ kính này. Năm 1997, nhân kỷ niệm 43 năm Ngày Giải phóng thành phố Nam Định (1954 - 1997), Cột cờ được phục dựng lại theo đúng nguyên trạng ban đầu. Hiện Cột cờ Nam Định được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia. Từ tháng 5-2011, Di tích Cột cờ Nam Định được giao cho Bảo tàng Nam Định quản lý.
Gần 200 năm trôi qua, Cột cờ Thành Nam đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử, sự đổi thay của mảnh đất Nam Định. Đây là một công trình kiến trúc cổ, có giá trị lịch sử và văn hóa và còn là biểu tượng khơi dậy lòng yêu quê hương, đất nước. Hằng năm, nơi đây đón hàng trăm đoàn khách trong nước và quốc tế đến thăm quan...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những cột cờ nổi tiếng ở Việt Nam: Cột cờ Nam Định

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO