Nước sạch về vùng cao

Quang Vinh 09/09/2017 09:35

Trong những năm qua nhiều địa phương đã đầu tư những công trình cấp nước tập trung, giếng đào cho bà con vùng sâu, vùng xa. Nhờ vậy, bà con không phải lội suối vác từng can về dùng hoặc dùng nước giếng không hợp vệ sinh. Nước sạch lên núi đã giải quyết một phần khó khăn, giúp ổn định đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Bà con vùng cao đón nhận nguồn nước sạch.

Nước về, bà con mình yên tâm rồi

Những năm trước đây, người dân xã Ea Lâm (huyện Sông Hinh – Phú Yên) luôn trong tình trạng không có nước sạch để dùng. Thiếu nước sạch bà con phải đi xa hàng cây số để xách từng can nước suối về dùng. Cuộc sống đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Thế nhưng, nước sạch đã về với người dân Ea Lâm, nhờ được đầu tư công trình nước sạch công suất 500m3/ngày, đêm với hệ thống nước kéo tới từng nhà dân nên toàn xã hiện có 510 hộ sử dụng nước sạch, chiếm lệ 95%. Ea Lâm cũng như bao xã miền núi khác trên địa bàn tỉnh, nhờ được đầu tư các công trình nước sạch nên cuộc sống thay đổi đáng kể.

Ông Ma Tý, người dân trong xã cho biết, bao đời nay bà con vẫn dùng nước suối, thế nhưng giờ người dân làm rẫy, dùng thuốc trừ sâu, trừ cỏ nó ngấm vào suối. Nhiều người cũng cọ rửa bình, thậm chí vứt cả chai lọ xuống nên dòng suối bị ô nhiễm, bà con lấy nước về dùng toàn bị mẩn ngứa thôi, vậy thì ai dám uống. Giờ công trình nước sạch được xây dựng, trong cái bể đó nước lúc nào cũng trong và mát lạnh, chỉ cần vặn cái vòi là nước chảy ra, thích lắm, bà con ai cũng yên cái bụng rồi.

Được biết trong những năm qua, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012 - 2015, nhiều hệ thống cấp nước tập trung đã được xây dựng và đưa vào sử dụng, từng bước đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của nhân dân trong huyện. Theo Phòng Dân tộc huyện, đơn vị này đã đầu tư 26 tỉ đồng nâng cấp 4 công trình cấp nước ở các xã Ea Ly, Ea Bá, Ea Lâm và Sông Hinh, phục vụ cho 2.880 hộ dân. Đến nay, huyện Sông Hinh có hơn 90% trong số 5.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Không chỉ huyện miền núi sông Hinh mà các huyện khác như Tuy An, Tây Hòa, Phú Hòa, thị xã Sông Cầu cũng được đầu tư các công trình nước sinh hoạt. Theo ông Phan Hữu Đại, Trưởng ban Dân tộc tỉnh, hiện nay, ngoài nguồn vốn của Chương trình 135 và vốn hỗ trợ nước sinh hoạt, còn có các nguồn vốn khác như vốn Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, kinh phí chống hạn tại các địa phương… Tất cả đều nhằm giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho bà con vùng miền núi. Từ đó, đồng bào ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Còn tại thôn Păng Tiêng I, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, nơi có hơn 414 nhân khẩu, trên 63% là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc KơHo. Những năm trước người dân nơi đây luôn phải sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt và phải sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh. Được sự quan tâm của Nhà nước, đầu năm 2017, công trình cấp nước sinh hoạt thôn Păng Tiêng I (xã Lát) được bàn giao đưa vào sử dụng, đã phục vụ cho 101 hộ dân và các công trình công cộng trên địa bàn.

Theo lời anh Kră Jăn K’ Tèo, Trưởng thôn Păng Tiêng I trước đây, khi chưa có nước sạch, bà con trong thôn phải đi lấy nước ở các khe suối đầu nguồn, nhưng vào mùa khô những dòng suối cũng cạn nước. Thiếu nước, mọi sinh hoạt trở nên rất khó khăn, nhất là tại các trường mầm non. Thế nhưng, giờ đây đã có nguồn nước sạch đưa về tận nơi, việc ăn ở, sinh hoạt của bà con, các cháu thuận lợi hơn rất nhiều. Bà con mình ai cũng thấy yên tâm.

Tất cả dân cư nông thôn sẽ được sử dụng nước sạch

Do điều kiện kinh tế thấp, hiện nay nhiều hộ gia đình ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa vẫn sử dụng nước ao hồ, sông suối để phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Việc sử dụng nguồn nước không đảm bảo đã dẫn đến nhiều hệ lụy về sức khỏe con người. Rất nhiều người dân bị nhiễm các loại giun, sán đường tiêu hóa. Các bệnh tiêu chảy, hội chứng lỵ, lỵ trực khuẩn là 3 trong số 10 bệnh có tỷ lệ mắc cao nhất, trong đó tiêu chảy là bệnh đứng thứ 6 trong các bệnh có tỷ lệ tử vong lớn nhất.

Bởi vậy, việc phát triển mạng lưới cấp nước sạch ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa không chỉ giúp người dân tránh được những bệnh liên quan do sử dụng nguồn nước không bảo đảm chất lượng mà còn góp phần thực hiện quy định tỷ lệ sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch phải đạt tối thiểu 65% trong tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Chiến lược Quốc gia cấp Nước sạch và Vệ sinh nông thôn đến năm 2020 đã xác định rõ mục tiêu: “Tất cả dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc gia”. Việc đưa nước hợp vệ sinh về các bản làng vùng sâu, vùng xa không những thúc đẩy kinh tế phát triển mà còn góp phần làm thay đổi tập quán sinh hoạt của người dân địa phương các xã miền núi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nước sạch về vùng cao

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO