Quảng Trị: Nhiều mô hình phát triển kinh tế

M.Lý 16/03/2020 08:00

Đồng bào các dân tộc Vân Kiều, Pa Cô ở tỉnh Quảng Trị sinh sống tập trung chủ yếu ở hai huyện miền núi Đakrông, Hướng Hóa và một số xã ở phía Tây của các huyện Vĩnh Linh, Cam Lộ, Gio Linh với trên 85.000 người. Đây là vùng được chính quyền tỉnh Quảng Trị đã và đang tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng hạ tầng, hỗ trợ sinh kế giúp người dân thoát nghèo.

Quảng Trị: Nhiều mô hình phát triển kinh tế

Đời sống tinh thần của bà con đã có nhiều chuyển biến.

Huyện Đakrông có dân số gần 45.000 người, trong đó đồng bào Vân Kiều, Pa Cô chiếm hơn 77%. Qua hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 30a, huyện Đakrông đã huy động được hơn 545 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương trên 410 tỷ đồng, còn lại nguồn hỗ trợ khác, để đầu tư xây dựng trường học, trạm y tế, đường giao thông, công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, nhất là hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình kinh tế để tăng thu nhập.

Mô hình nuôi dúi (chuột núi) do Dự án Plan tại Quảng Trị hỗ trợ, được triển khai từ tháng 6/2019, tại xã Tà Rụt, huyện Đakrông. Đến tháng 2/2020, sau 8 tháng triển khai, mô hình này đã cho hiệu quả kinh tế, được nhân rộng thêm tại hai xã A Bung và Mò Ó, với 60 hộ tham gia. Ở mô hình này, mỗi hộ được dự án hỗ trợ kinh phí mua 4 con dúi giống với giá 350.000 đồng/con; xây chuồng nuôi khoảng 2,2 triệu đồng; đồng thời được tập huấn kỹ thuật nuôi, chăm sóc dúi. Sau 6 tháng nuôi, dúi thịt đạt trọng lượng khoảng 1,5kg/con, bán ra thị trường với giá 350 - 400 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí thu lãi được trên 200 nghìn đồng/con. Ngoài ra, mỗi năm dúi cái đẻ hai lứa, với mỗi lứa đẻ một con. Dúi con giống bán được 350.000 đồng/con nên các hộ có thêm thu nhập. Ông Hồ Văn Bơn, ở thôn A Liêng, xã Tà Rụt - một trong những hộ nuôi dúi cho biết, dúi nuôi dễ chăm sóc, nguồn thức ăn dễ kiếm trong tự nhiên, cần ít vốn nên rất phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân vùng cao. Do đó, các hộ tập trung đầu tư phát triển đàn dúi nuôi để tăng thu nhập.

Huyện Đakrông ngày càng có nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả như: Trồng cao su tiểu điền, nuôi lợn bản, trồng chuối, nuôi dê nhốt chuồng... Đặc biệt, hàng nghìn hộ có việc làm và thu nhập từ các mô hình bảo vệ, phát triển rừng. Đến tháng 2/2020, dự án này đã trực tiếp hỗ trợ cho gần 2.000 hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số trồng rừng, hỗ trợ sinh kế thông qua sản xuất nông nghiệp cho hơn 300 hộ dân, xây dựng 23 công trình phục vụ người dân.

Tại huyện miền núi Hướng Hóa, đồng bào Vân Kiều, Pa Cô đang vươn lên thoát nghèo, làm giàu từ các chính sách hỗ trợ của nhà nước; trong đó có chính sách phát triển cây trồng chủ lực. Những năm qua, đồng bào Vân Kiều, Pa Cô ở huyện Hướng Hóa đã xây dựng được vùng chuyên canh chuối mật mốc, tập trung ở các xã: Tân Long, Tân Hợp, Hướng Lộc với gần 4.000 ha. Được sự hỗ trợ của nhà nước, các hộ trồng chuối đã xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị. Theo số liệu của Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân huyện Hướng Hóa, ở vùng đồng bào Vân Kiều, Pa Cô sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 34,5% năm 2016 xuống còn 21%; 100% xã có đường giao thông đến trung tâm xã, điện lưới quốc gia, trạm y tế xã có bác sỹ, phủ sóng truyền hình đến thôn bản.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quảng Trị: Nhiều mô hình phát triển kinh tế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO