Sinh vật 'sống ngon lành' trên sao Hoả

Bùi Mai Loan 14/05/2016 16:00

Cho tới nay, giới khoa học vẫn chưa chứng minh được có sự sống trên sao Hoả- hành tinh giống Trái đất nhất trong hệ Mặt trời. Với nhiệt độ thấp (79 độ C), khí quyển mỏng, nồng độ oxy cực thấp (0,13%), ít khả năng có sự sống ở hành tinh này. Tuy nhiên, các nhà khoa học tin rằng một số ít các sinh vật sinh vật đơn bào tìm thấy được tìm thấy ở những nơi khắc nghiệt nhất trên Trái đất, có khả năng tồn tại ở hành tinh này.

Bề mặt sao Hỏa.

1. Vi khuẩn Deinococcus radiodurans

Vi khuẩn Deinococcus radiodurans có biệt danh “Conan the Bacterium” là ứng cử viên tiềm năng nhất về khả năng tồn tại ở hành tinh đỏ. Loại vi khuẩn này được nhà nghiên cứu Arthur W.Anderson (Mỹ) phát hiện vào năm 1956 khi định làm vô trùng các đồ hộp thịt bò bằng cách chiếu một tia bức xạ gamma cực mạnh. Ông đã tỏ ra ngạc nhiên khi ghi nhận loài vi khuẩn không chết dưới mức độ bức xạ này. Đã thế, chúng còn có khả năng chịu được sự ôxy hóa hay tia cực tím cao gấp hàng trăm lần so với các liều gây chết người.

Theo các nhà nghiên cứu, bộ gien của Deinococcus radiodurans có cấu trúc hình vòng bị vỡ thành hàng nghìn mảnh. Các tế bào có vẻ chết trong khoảng 1 tiếng rưỡi. Tuy nhiên 3 tiếng sau khi bị chiếu tia bức xạ, ADN của nó đã được ráp lại như cũ. Nhờ vậy, Deinococcus radiodurans có thể sống sót sau các vụ nổ hạt nhân.

Sách kỷ lục Guinness đã ghi nhận Deinococcus radiodurans là loại vi khuẩn sống dai và mạnh nhất: nó có thể chịu nổi lượng phóng xạ 5 triệu rads (con người khoẻ mạnh chỉ chịu nổi 1.000 rads).

2. Vi khuẩn Halobacteriaceae

Một ứng cử viên khác thích hợp với cuộc sống trên sao Hỏa là gia đình vi khuẩn Halobacteriaceae. Đây được xem là vi khuẩn cổ nhất trên Trái đất, xuất hiện cách đây khoảng 3.5-3.8 tỷ năm. Về mặt lý thuyết, Halobacteriaceae có thể tồn tại trong nước biển có hàm lượng muối cực cao trên sao Hỏa.

Ở Trái đất, Halobacteriaceae sống trong môi trường nước có hàm lượng muối cao gấp 10 lần so với nước biển như trong hồ muối Owens tại California hay biển Chết. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng, 2 thành viên của gia đình Halobacteriaceae: Halococcus dombrowskii và Halobacterium sp.NRC-1 có thể tồn tại trong môi trường mô phỏng trên sao Hoả với áp suất khí quyển cao hơn gấp nhiều lần so với Trái đất, bầu không khí với 98% là CO2 (chất khí chiếm tới 95% bầu khí quyển của sao Hỏa) và nhiệt độ trung bình -60C trong vòng 6 giờ đồng hồ.

3. Vi khuẩn Methanogen

Methanogen là một trong những loài vi khuẩn có cấu tạo đơn giản và niên đại cổ xưa nhất trên Trái đất. Chúng sử dụng khí Hydro và CO2 cho quá trình trao đổi chất và sản phẩm tạo thành chính là khí methane.

Theo một nghiên cứu của ĐH Arkansas (Mỹ), cổ khuẩn Methanogen có thể sống sót trong điều kiện khắc nghiệt. Chúng sống sót trong môi trường áp suất thấp, thậm chí chẳng cần khí oxy, cũng không cần quang hợp. Chính vì vậy, nhiều nhà khoa học đánh giá rằng Methanogen là ứng cử viên sáng giá trong danh sách những sinh vật có thể sống trên Sao Hỏa.

Methanogen được tìm thấy trong các suối nước nóng, nước biển mặn, hồ nước có tính axit và tính kiềm hay trong vùng băng giá vĩnh cửu ở Siberia. Chúng cũng được tìm thấy trong ruột của gia súc, mối và trong các xác sinh vật phân huỷ.

Năm 2014, robot tự hành Curiosity của NASA đã phát hiện ra trên sao Hỏa có tồn tại những đám mây khí methane- chất khí thường là sản phẩm của các phản ứng hóa sinh trên cơ thể sống. Ngay lập tức, các khoa học gia đặt câu hỏi về nguồn gốc của loại khí này. Một trong những giả thuyết được đưa ra là loại vi khuẩn Methanogen trên Trái đất có mặt tại đây.

4. Bọ gấu nước

Bọ gấu nước có tên khoa học là Tardigrade, là một dạng vi sinh vật sống dưới nước, thuộc nhóm các động vật có kích thước hiển vi có tám chân. Hóa thạch của loài này có niên đại cách đây 530 triệu năm trước. Tên gọi gấu nước bắt nguồn từ hình dạng mập mạp và rất giống một con gấu tí hon của chúng trên kính hiển vi. Con trưởng thành lớn đặt chiều dài 1.5 mm, con nhỏ nhất dưới 0.1 mm.

Điều khiến loại sinh vật này trở nên đặc biệt, đó là chúng gần như... bất tử, bởi có thể tồn tại ở bất kỳ đâu, trong những môi trường cực kỳ khắc nghiệt. Chúng có thể chịu được từ nhiệt độ gần độ không tuyệt đối đến trên nhiệt độ sôi của nước, áp lực gấp sáu lần tại điểm sâu nhất của đáy biển, phóng xạ ion hóa gấp nhiều trăm lần mức chết người. Nó có thể sống thiếu nước hay thức ăn trong 10 năm, cả khi cơ thể chỉ còn 3% nước hay ít hơn.

Chúng cũng là sinh vật duy nhất cho đến nay có thể tồn tại được trong môi trường vũ trụ mà không cần đến thiết bị bảo vệ. Chính vì thế, nếu chúng ta có thể tìm thấy loài bọ Tardigrade “bất tử” trên sao Hỏa thì cũng không có gì đáng ngạc nhiên.

5. Spinoloricus

Spinoloricus là loài động vật không xương, có chiều dài cơ thể chỉ vài milimet. Chúng được tìm thấy ở độ sâu 3.000m dưới thềm lục địa L’Atalante thuộc biển Địa Trung Hải- nơi có hàm lượng muối rất cao và hoàn toàn không có oxy. Điều này đồng nghĩa với việc, Spinoloricus có thể chịu được áp suất rất cao, đồng thời có thể sinh trưởng mà không cần đến oxy.

Nước trên sao Hỏa là nước muối, có độ mặn cao hơn các đại dương trên hành tinh của chúng ta. Nồng độ oxy trên sao Hỏa cũng vô cùng thấp. Chính vì thế, không những có thể sống tốt trên Hành tinh đỏ, Sphinoloricus cũng là loài sinh vật được đánh giá là nhiều khả năng xuất hiện tại đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sinh vật 'sống ngon lành' trên sao Hoả

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO