Tạo nguồn phát triển cán bộ người dân tộc thiểu số

Hồng Điệp 04/07/2019 07:00

Tỉnh Gia Lai có gần 50% dân số là người dân tộc thiểu số, trong đó có khoảng 17% cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số đang công tác trong các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp cấp huyện, cấp tỉnh.

Tạo nguồn phát triển cán bộ người dân tộc thiểu số

Cán bộ là người dân tộc thiểu số có nhiều thuận lợi trong công tác ở khu dân cư.

Là địa bàn còn nhiều khó khăn, xác định tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số trong công tác giữ gìn an ninh trật tự, phát triển kinh tế, tỉnh Gia Lai đã chú trọng công tác tạo nguồn, bồi dưỡng, phát triển và bố trí sử dụng hợp lý nguồn cán bộ này, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Tại nhiều địa phương trong tỉnh, nhờ sự hỗ trợ của các đơn vị quân đội làm kinh tế, bà con biết cách nuôi trồng, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Công ty 75, Binh đoàn 15 có gần 3.000 công nhân, trong đó hơn một nửa là công nhân người dân tộc thiểu số sinh sống tại huyện biên giới Đức Cơ. Đây là lực lượng lao động trực tiếp tại các đơn vị, trình độ chuyên môn, nhận thức không đồng đều. Vì thế, phát triển, tạo nguồn cán bộ dân tộc thiểu số để giúp đỡ các hội viên người địa phương là ưu tiên hàng đầu được Công ty 75, Binh đoàn 15 đặc biệt chú trọng.

Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Rơ Mah Mrao, làng Boong, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ cho biết, anh sinh ra và lớn lên tại làng Boong, đã có hơn 20 năm làm công nhân cạo mủ cao su cho Công ty 75. Với nhiều thành tích nổi bật, anh được chuyển sang quân nhân chuyên nghiệp và được đơn vị cử đi học lớp đào tạo nguồn, đảm nhận chức Đội phó đội 13, Công ty 75. Trên cương vị mới, anh luôn tích cực hỗ trợ các hộ công nhân, bà con địa phương nâng cao tay nghề, phát triển kinh tế; thường xuyên hướng dẫn đồng bào kỹ thuật trồng cà phê, cao su, cạo mủ từ kiến thức được học tại các lớp tập huấn dành cho cán bộ của công ty.

Ngoài công tác phát triển kinh tế, đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số còn là cầu nối giúp lãnh đạo các đơn làm tốt công tác dân vận. Hiểu được tiếng nói, phong tục, tập quán, đội ngũ này luôn gần gũi với bà con trong khu vực đơn vị đóng quân; phối hợp với các già làng, người có uy tín trên địa bàn tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Họ kịp thời nắm bắt tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của bà con; chủ động phối hợp với đơn vị để giúp người dân địa phương cũng như người lao động giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống.

Nhờ lực lượng cán bộ là người dân tộc thiểu số địa phương, nhiều cơ quan, đơn vị đã có những chính sách kịp thời đến với người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số trên địa bàn. Qua đó, tạo niềm tin trong nhân dân về đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Nhiều vụ việc diễn ra trên địa bàn đã được giải quyết nhờ vai trò dân vận của những cán bộ là người dân tộc thiểu số. Mối quan hệ họ hàng, làng xóm, đặc biệt là cách thức nói chuyện luôn bám sát ở cơ sở đã khiến việc tiếp xúc và nắm bắt tâm tư của cán bộ người dân tộc thiểu số với bà con thuận lợi hơn.

Cùng với đó, cán bộ là người dân tộc thiểu số còn luôn tích cực vận động bà con phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, giúp các già làng, trưởng bản thực hiện tốt hoạt động tự quản tại cộng đồng, xây dựng quy ước, hương ước trong từng cộng đồng dân cư, trong thực hiện các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, xóa đói giảm nghèo, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tạo nguồn phát triển cán bộ người dân tộc thiểu số

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO