Tạo sinh kế từ rừng

Thanh Hải 11/09/2019 13:00

Nhằm tăng cường công tác bảo vệ rừng gắn với việc tạo sinh kế bền vững cho đồng bào các dân tộc thiểu số, các địa phương miền núi, tỉnh Quảng Nam đang triển khai mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Trước đó, mô hình này cũng được một số địa phương áp dụng đạt kết quả tốt.

Tạo sinh kế từ rừng

Cây ba kích tím thích nghi với đất rừng Phước Sơn. Nguồn ảnh: Quangnamonline.

Quảng Nam có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng được đánh giá là phù hợp với các loại cây dược liệu như Sâm Ngọc Linh, quế, ba kích, đẳng sâm, giảo cổ lam, sa nhân, đinh lăng…Trong đó, ba kích là loại cây dược liệu quý mọc nhiều ở những cánh rừng tự nhiên của tỉnh và ba kích là tím đặc trưng của vùng Tây Giang. Cách đây hơn 1 năm, đồng bào dân tộc Giẻ Triêng ở 2 xã Phước Xuân và xã Phước Mỹ (huyện Phước Sơn) đã triển khai mô hình trồng cây ba kích tím dưới tán rừng ở khu vực vành đai của Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh.

Được sự hỗ trợ của Dự án Trường Sơn xanh và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới, 75 hộ dân của 2 xã trên đã được tập huấn các kiến thức kỹ thuật liên quan đến trồng cây ba kích dưới tán rừng. Với 44.000 cây ba kích giống được trồng trên diện tích 6 ha, đến nay tỷ lệ sống của mô hình đạt 90%, thích ứng tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại đây. Xác định mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng là hướng đi mới, lâu dài để xóa đói giảm nghèo, hàng năm huyện Phước Sơn - một trong 3 huyện nghèo của tỉnh Quảng Nam đã dành khoảng 1 tỷ đồng để hỗ trợ người dân về nguồn giống cây, đồng thời giao khoán rừng theo nhóm hộ để người dân canh tác kết hợp với bảo vệ rừng.

Còn tại Quảng Ngãi, những năm qua, tận dụng lợi thế địa phương dồi dào nguồn dược liệu khổ sâm, thiên niên kiện, sâm cau, đinh lăng…và nhiều cây trồng có giá trị kinh tế, huyện Tây Trà đã tiến hành hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình trồng cây dược liệu, cây bản địa nhằm giúp bà con có điều kiện phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Tại 3 xã Trà Xinh, Trà Quân, Trà Nham huyện đã bố trí 300 triệu đồng từ nguồn vốn 30a để hỗ trợ các xã này thực hiện các mô hình trồng cây sâm cau, cây gấc, đinh lăng, khổ sâm, thiên niên kiện, gừng gió và cây ớt sim. Theo lời một số hộ dân địa phương thì gừng gió được coi như đặc sản ở Tây Trà nên giá bán rất cao, khoảng 100 ngàn đồng/kg. Với 1 sào gừng gió, trồng sau 6-7 tháng, người dân có thể thu lợi từ 7-8 triệu đồng. Còn xã Trà Nham, mô hình trồng cây khổ sâm và cây thiên niên kiện dưới tán rừng cũng đã phát huy được hiệu quả, vừa mang lại thu nhập cho người dân, vừa góp phần bảo vệ rừng.

Trước Quảng Nam, tỉnh Cao Bằng cũng đã tận dụng thế mạnh về rừng để phát triển những loài cây thuốc bản địa phục vụ cho mục tiêu phát triển y tế và kinh tế của tỉnh…Là tỉnh miền núi vùng cao, địa hình phức tạp, đa dạng nhưng đất đai giàu mùn, tầng canh tác khá dày, rất thuận lợi cho việc trồng cây lâu năm và cây thuốc. Bên cạnh đó, độ che phủ rừng cũng rất thuận lợi cho việc phát triển các loài cây dược liệu dưới tán rừng.

Phát huy lợi thế đó, tỉnh đã triển khai thực hiện một số đề tài, dự án như: “Nghiên cứu trồng thử nghiệm cây ba kích dưới tán rừng tại tỉnh Cao Bằng”, “Nhân giống cây dược liệu lan kim tuyến bằng phương pháp nuôi cấy mô và trồng thử nghiệm tại huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng”; Tham gia dự án “Khuyến khích người dân tham gia cải thiện quản trị rừng và giảm nghèo Việt Nam” – trong đó có nội dung trồng cây dược liệu dưới tán rừng…Bên cạnh đó, nhiều địa phương cũng đã chủ động đưa một số loại dược liệu quý vào trồng thử nghiệm và bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tạo sinh kế từ rừng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO