Trồng vầu giúp người dân miền núi giảm nghèo

Nguyễn Nam 10/11/2019 08:00

Sự khắc nghiệt của thời tiết, địa hình núi đá hiểm trở, mưa lũ bất thường, thiếu đất sản xuất cùng với việc phát triển mô hình sản xuất nhỏ lẻ khiến người dân vùng biên Yên Khương, huyện miền núi Lang Chánh tỉnh Thanh Hóa trước kia gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, những năm gần đây, người dân trong xã đã tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế là thực hiện mô hình trồng cây vầu.

Trồng vầu giúp người dân miền núi giảm nghèo

Ươm mầm cây vầu.

Xã Yên Khương là một trong những xã biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh Thanh Hóa. Giai đoạn 2017- 2019, UBND xã Yên Khương thực hiện mô hình trồng rừng thâm canh cây vầu với quy mô ban đầu 21 ha và có 25 hộ dân tham gia. Đây là loài cây gắn bó với người dân địa phương từ lâu. Tuy nhiên, do ít trồng nên cây vầu bị suy thoái. Loài cây này cao khoảng 20m, trồng khỏe, không tốn công chăm sóc và có thể thu hoạch quanh năm, lợi nhuận cao gấp 2- 3 lần so với các cây như lúa, ngô, sắn. Từ cây vầu, người dân có thể sử dụng làm đồ thủ công mỹ nghệ, vật liệu xây dựng…

UBND xã Yên Khương đã hướng dẫn cho các hộ dân thực hiện phát dọn vệ sinh rừng vầu, chặt bỏ cây sâu bệnh, già cỗi, tạo đất tơi xốp, tăng khả năng hấp thu chất dinh dưỡng để cây phát triển. Ngoài ra, các diện tích vầu được trồng mới, xã đã hướng dẫn các hộ thực hiện kỹ thuật ươm hạt vầu giống để cung cấp cho bà con trong xã và các xã lân cận. Nhờ đó, cây vầu phát triển tốt, ít bị sâu bệnh, phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương, cũng từ đây diện tích trồng ở Yên Khương được mở rộng lên 215,4 ha; trong đó có 6/9 thôn, bản với 215 hộ tham gia mô hình. Nhiều hộ nâng cao thu nhập, vượt đói nghèo nhờ trồng vầu.

Ông Hà Văn Quỳnh, thôn Chí Lý, xã Yên Khương cho hay, năm 2015, sau khi được cán bộ xã Yên Khương tư vấn, hướng dẫn, ông đã quyết định chuyển đổi từ cây keo sang trồng vầu. Hiện gia đình ông đã chặt tỉa cây và đem bán cho các công ty lâm sản, ngoài ra gia đình ông còn kết hợp chăn nuôi, trồng cây hái quả, thu nhập bình quân đạt 80 triệu đồng/năm.

Chị Lữ Thị Bảy, trú tại bản Bôn, xã Yên Khương cho biết, để thực hiện mô hình trồng cây vầu, gia đình chị đã sang huyện vùng biên Quan Sơn để học hỏi kinh nghiệm ươm giống, cùng với kỹ thuật học được ở trường đại học và cán bộ địa phương, chị đã thành công trong ươm giống và trồng cây vầu đến trồng và bán cho người dân địa phương, thu nhập ngày càng tăng cao.

Theo ông Lò Văn Quyền - Chủ tịch UBND xã Yên Khương, vài năm trở lại đây, mô hình trồng vầu tại xã Yên Khương đang góp phần xóa đói, giảm nghèo, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho ngưởi dân trong xã. Nếu như năm 2010 thu nhập bình quân đầu người trong xã chỉ đạt 8 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2019 tăng lên 18 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 25,3%.

Thống kê của UBND huyện Lang Chánh cho thấy, trong giai đoạn 2017-2019, bằng các nguồn vốn lồng ghép phát triển sản xuất của các Chương trình 30a và 135 của Chính phủ (Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo), huyện đã xây dựng mô hình trồng cây vầu tại 3 xã Yên Khương, Yên Thắng, Lâm Phú, các diện tích trồng lại cây vầu đang phát triển nhanh và cho thu nhập cao, hiện huyện đã trồng lại được khoảng 90 ha rừng vầu.

Ông Lương Văn Phúc - Trưởng phòng nông nghiệp huyện Lang Chánh cho biết: Những năm tiếp theo, huyện sẽ tiếp tục xây dựng, hướng dẫn các kỹ thuật gây trồng mới giúp bà con thực hiện tốt mô hình trồng cây vầu để nâng cao thu nhập. Qua đó, giúp người dân ổn định cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế xã hội tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu đặc biệt số khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trồng vầu giúp người dân miền núi giảm nghèo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO