Vẻ đẹp nhà sàn

MIÊN THẢO (giới thiệu) 08/08/2015 14:41

Nhiều dân tộc ở nước ta có nhà sàn, nhà sàn nào cũng đẹp, ấm cúng và thân thiện. Ở vùng núi phía Bắc, tới nay cho dù cuộc sống phát triển, nhiều kiến trúc đan xen nhưng nhà sàn vẫn còn khá nhiều. Đặc biệt, trong những bản đồng bào Mường, đồng bào Thái, ngôi nhà sàn truyền thống vẫn giữ nguyên vẻ đẹp tới tận ngày nay.

Một góc bản người Thái (Mai Châu, Hòa Bình)

1. Hòa Bình là tỉnh có đông đồng bào Mường. Người Mường quen ở nhà sàn, theo thời gian kiến trúc truyền thống ấy đã định hình, mang giá trị bền vững. Đó là nét bình dị trong kiến trúc xây cất, nhưng lại chứa đựng những vẻ đẹp độc đáo.
Người dân xã Bình Thanh, huyện Cao Phong (Hòa Bình) vẫn kể cho nhau nghe về sự tích ngôi nhà sàn. Đó là việc tổ tiên được Thần Rùa mách cho cách dựng nhà sàn: “Bốn chân tôi là bốn cột cái. Hai mai tôi là hai mái nhà. Xương sống tôi là đòn nóc. Dung cây lim làm cột. Lạt buộc bằng cây giang. Cỏ gianh dùng để lợp”- Thần Rùa dạy.

Nhà sàn theo phong cách truyền thống của đồng bào Thái

Nhà sàn truyền thống người Mường bao giờ cũng dựa lưng vào thế đất cao như sườn đồi, sườn núi. Đó là vị trí quan sát dễ và rộng, đồng thời không khí cũng trong lành mát mẻ. Nhà sàn người Mường được chia thành 3 mặt bằng. Dưới cùng tiếp đất là gầm sàn, dùng để công cụ sản xuất, trước kia còn để buộc trâu, bò. Sàn thứ hai- sàn chính là nơi các thành viên trong gia đình sinh hoạt, nghỉ ngơi. Sàn trên cùng (là gác lửng) để tích trữ lương thực, đồ dùng gia đình.
Cùng với gỗ là nguyên liệu chính dựng nhà, bà con còn dùng cả tre, bương, hóp để làm đòn tay, đan vách... Nhà thường có cấu trúc 1 gian 2 chái; hoặc 2 gian 2 chái; hoặc 3 gian 2 chái. Cửa sổ đều chỉ làm ở phía trước của ngôi nhà. Trước, bà con kiêng không để phụ nhữ ngồi bên cửa sổ, vì người ta cho rằng khi người thân trong gia đình mất đi thì hồn sẽ thoát ra theo lối cửa sổ. Trong nhà, các gian thường không ngăn ra một cách chắc chắn, mà chỉ là tượng trưng. Tuy nhiên, đối với buồng con dâu, con gái lớn trong nhà, mặc dù không có cửa nhưng tập tục quy định rất nghiêm người nào được vào, người nào không được vào, hoặc là lúc nào không được vào.
Trong ngôi nhà sàn của người Mường, bếp lửa chính là linh hồn. Khách đến nhà chơi được gia chủ thân tình tiếp chuyện bên bếp lửa. Các bữa ăn quây quần gia đình cũng diễn ra bên bếp lửa. Bà con thường không để bếp tắt, lúc không đun nấu thì sẽ ủ than dưới lớp tro để bếp luôn có hơi ấm.
Với bà con Mường Bi, tới nay ngôi nhà sàn truyền thống vẫn là tài sản tinh thần quý giá. Vì thế cho dù kinh tế đã khá lên, có thể xây nhà tầng, nhưng nhiều gia đình vẫn chung thủy với mái nhà sàn. Nhiều ngôi nhà sàn ở xóm Ải, huyện Tân Lạc (tỉnh Hòa Bình) vẫn nguyên hình dáng như xưa. Ngôi nhà làm bằng gỗ, nền nhà lát bằng những phên tre, nứa được đập dập. Đa số bà con làm nhà theo hướng Đông Nam. Những ngôi nhà sàn ở đây có 2 cầu thang lên xuống. Một ở phía trước nhà, một đặt ở cửa sau gần với vại nước, tiện cho việc đi lại, nấu nướng. Bậc cầu thang bao giờ cũng là số lẻ, tuyệt đối không dùng bậc chẵn. Đặc biệt, tới bữa ăn người hơn tuổi thì sẽ ngồi ở trên phía hướng ra cửa sổ còn còn cháu ngồi lần lượt theo tuổi ở phía dưới. Như vậy, bà con rất coi trọng cửa sổ, cũng là cách nghĩ để hướng ra bên ngoài.
2.Nhà sàn của đồng bào Thái Tây bắc cũng cực kỳ đẹp. Với người Thái Đen, ngôi nhà sàn không chỉ là chỗ đi về ăn nghỉ mà còn là tình cảm, là nỗi nhớ thương khi đi xa. Người ta từng ví rằng, con người ta sống trong nhà sàn như con cá bơi trong nước.

Một ngôi nhà sàn xây dựng mới, cách tân từ nhà sàn truyền thống

Nhà sàn của người Thái nói chung và người Thái Đen nói riêng là biểu tượng của sự hài hòa giữa đất trời và thiên nhiên. Nhà thường nằm nép mình bên sườn núi, không hướng tới sự cầu kỳ mà là sự trang nhã. Làm nhà, người ta không dùng đinh, mà dùng dây chằng, thắt nút một cách công phu, tinh xảo. Dây buộc là cây giang, mây. Người ta cũng không ghép mộng mà dùng đòn dầm xuyên suốt qua các cột. Cách xử lý ấy khiến cho ngôi nhà chắc chắn đồng thời có được vẻ đẹp bình dị, trang nhã.
Đối với nhà sàn của đồng bào Thái Đen, cầu thang cũng phải là số lẻ. Nhà có 2 cầu tháng, cầu thang ở cuối nhà dành cho phụ nữ đi có 9 bậc. Còn cầu thang phía trước nhà dành cho nam giới và khách đi có 7 bậc.
Theo phong tục, gian chính quan trọng nhất của nhà sẽ đặt ban thờ và chỉ có nam giới mới được ngủ lại tại đây. Với người Thái Đen đó là gian nhà linh thiêng. Tuy nhiên, tới nay bà con cũng không còn phân biệt nam nữ, nên gian chính trở thành nơi sinh hoạt chung của gia đình, cùng với việc dùng để tiếp khách. Coi trọng nghề dệt vải, nhà nào cũng có khung dệt, thường được đặt gần cửa sổ vừa sáng lại vừa thoáng, để ai cũng có thể nhìn thấy.
Bà con người Thái Đen cũng rất tôn trọng bếp lửa, coi đó là công cụ giữ ấm ngọn lửa hạnh phúc, no đủ cho gia đình. Bếp chính (nhưng ít sử dụng) thường đặt ở giữa ngôi nhà, để tiếp khách hoặc lúc gia đình quây quần bàn công chuyện. Còn bếp phía dưới nhà dùng vào việc nấu nướng, sinh hoạt hàng ngày.
Cũng giống như quan niệm của người Mường, người Thái cũng rất coi trọng cửa sổ của ngôi nhà. Bà con coi đó là “mắt của nhà”, vì thế cửa sổ luôn luôn thông thoáng, không che khuất.
Tới nay, nhiều bản đã không còn những nếp nhà sàn, thay vào đó là những ngôi nhà bê tông. Tuy nhiên, những ngôi nhà sàn còn lại vẫn thật sự nổi bật, bởi sự hòa quyện với thiên nhiên. Kiến trúc nhà sàn đã được thử thách qua năm tháng, vì thế nó mang lại vẻ đẹp bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vẻ đẹp nhà sàn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO