Dân vận, dân chủ và ổn định xã hội

Cẩm Thúy 11/01/2020 07:19

Dân vận không chỉ là nói để nhân dân làm theo mà phải nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, hành động vì lợi ích của nhân dân là thông điệp mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt ra trong Hội nghị tổng kết công tác dân vận toàn quốc và đánh giá “Năm dân vận chính quyền 2019” vừa diễn ra.

“Năm dân vận chính quyền” đã bao hàm đầy đủ ý nghĩa công tác dân vận không phải chỉ là việc của cơ quan dân vận mà cần được hiểu là nhiệm vụ chung của hệ thống chính trị. Trong đó, đặc biệt là hệ thống các cơ quan công quyền, hệ thống chính quyền bởi vì nói như Thủ tướng Chính phủ dân vận không phải chỉ là vận động nhân dân làm theo mà còn là hành động vì lợi ích nhân dân. Nếu không chăm lo một cách cụ thể tới đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân thì dù có nói bao nhiêu về công tác dân vận, công tác quần chúng và quyền làm chủ của nhân dân cũng không có sức thuyết phục.

Trong thực tế nhiều năm qua đối với không ít cấp chính quyền, không ít “công bộc”, dân vận có lẽ là việc ở đâu đâu không liên quan đến các cơ quan công quyền, coi đó là việc của những cơ quan lo việc vận động nhân dân như Ban Dân vận, Mặt trận và các đoàn thể. Không ít người vẫn quan niệm dân vận là vận động nhân dân có tính chất phong trào. Trong bài báo chưa đầy 600 chữ về Dân vận, khi nói “Vì sao phải dân vận?”, Bác Hồ nhấn mạnh: Dân vận là vì nước ta là nước dân chủ, bao nhiêu lợi ích đều vì dân, quyền hạn cũng của dân, tóm lại quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân. Cho nên, ở phần thứ 3 của bài báo với “tít phụ”: “Ai phụ trách dân vận?”, Bác đã chỉ rõ việc dân vận là việc của “tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ Đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân”.

Dân vận trong các cơ quan nhà nước được hiểu là phải thay đổi thói quen, nhận thức, sửa đổi lề lối làm việc, nâng cao đạo đức công vụ, cắt giảm các thủ tục hành chính rườm rà... Làm tốt dân vận là đáp ứng nguyện vọng, lợi ích của nhân dân, đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân, không để xảy ra bức xúc không đáng có làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Ngược lại, nếu còn để xảy ra tình trạng cán bộ không sát dân, xa dân, nhũng nhiễu, tiêu cực, mất uy tín với nhân dân... thì không thể vận động nhân dân. Dân vận đối với các cơ quan chính quyền phải được hiểu bằng những thước đo cụ thể, bằng những việc cụ thể, thiết thực nhằm phục vụ nhân dân, chăm lo cho nhân dân. Chừng nào dân vận được hiểu là việc của tất cả các cơ quan công quyền để thực hiện theo đúng tinh thần “bao nhiêu lợi ích đều vì dân, quyền hạn cũng là của dân” thì Năm Dân vận chính quyền mới thành công, việc đề ra chính sách và thực thi mới sát với đời sống nhân dân, mới bớt phiền hà và xa rời nhân dân. “Dân vận khéo” là để nhân dân phải được thực hiện quyền làm chủ của mình, bảo đảm lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, để được dân tin và dân theo.

Là người trực tiếp chỉ đạo xử lý “điểm nóng” Thái Bình năm 1997, ông Phạm Thế Duyệt kể rằng, sự việc rất nghiêm trọng này có nguyên nhân từ tình trạng mất dân chủ ở cơ sở. Đứng trước tình hình đó, ngay năm 1998, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 30 về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Đây là một chủ trương quan trọng và cấp bách vào thời điểm đó nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở. Theo đó, tất cả các việc liên quan đến cuộc sống của người dân đều phải được công khai cho nhân dân biết, việc liên quan đến huy động sức dân phải được đưa ra cho nhân dân bàn và quyết định, các dự án triển khai phải được đưa ra cho nhân dân kiểm tra giám sát.

Dân vận không phải chỉ là nói suông, vận động nhân dân không gì tốt hơn là phát huy dân chủ. Theo luật sư Lê Đức Tiết, người có nhiều kinh nghiệm trong việc tiếp cận tới các điểm nóng có nguyên nhân từ mất dân chủ ở cơ sở, thì, chỉ có gần dân, phát huy dân chủ đối với nhân dân, thâm nhập tiếp xúc trực tiếp với nhân dân thì mới phát hiện được nguyên nhân tình trạng bức xúc để có kế hoạch giải quyết ngay từ đầu, không để biến thành điểm nóng. Khiếu kiện do vậy được giảm đi.

Công cuộc xây dựng nông thôn mới, xây dựng cuộc sống ở cơ sở mấy chục năm qua là biểu hiện sinh động của việc thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”, tại các xã, phường. Ở rất nhiều nơi, từ việc xây dựng đề án quy hoạch nông thôn, quy hoạch sử dụng đất đai, dồn điền đổi thửa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng, phương án sản xuất, xây dựng nếp sống văn hóa, huy động đóng góp… đều được công khai để dân biết, dân được bàn, dân được quyết định, được giám sát…Trong đó, vai trò của Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư là rất quan trọng.

Kinh nghiệm những năm qua cũng cho thấy ở đâu công khai, minh bạch, dân chủ bàn bạc, tôn trọng, cầu thị nhân dân thì không phát sinh những khiếu kiện, những bức xúc của người dân. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở là một trong những yếu tố thành công của quá trình xây dựng nông thôn mới và chuyển đổi tái cơ cấu nông nghiệp giúp nâng cao đời sống vật chất của nhân dân.Thực hành dân chủ không chỉ là mục tiêu động lực mà còn trở thành “chìa khóa” tập hợp khối đại đoàn kết và huy động sức mạnh tổng hợp, phát huy sức sáng tạo trong nhân dân.

Tất nhiên, trong một đất nước, một xã hội, không thể mọi điều đều được nhân dân hài lòng, vẫn còn những bức xúc. Lắng nghe dân, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân, giải tỏa nỗi bức xúc của nhân dân chính là để hoàn thiện hơn thể chế, là động lực cho đất nước phát triển. Nhưng dân vận không phải là ve vuốt, là dân túy một chiều, thực hiện dân chủ phải đi kèm với ổn định xã hội, ổn định chính trị.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dân vận, dân chủ và ổn định xã hội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO