Đằng sau chiếc iPhone hào nhoáng

Linh Chi 27/12/2015 09:15

Liên tục xúc lên từng xẻng đầy bùn đất nhão dưới cái nóng ghê gớm của lục địa đen, những người thợ mỏ đôi lúc phải dùng tay trần để bới lên từng nắm coltan - thứ chất dẫn điện kỳ diệu cung cấp điện cho những chiếc iPhone, Samsung Galaxy hay nhiều loại điện thoại thông minh khác mà thế giới hiện đại đang sử dụng.

Đằng sau chiếc iPhone hào nhoáng

Hơn 1.400 nhân công đến từ cộng đồng
nghèo nhất Congo phải lao động 12 giờ mỗi ngày để có 5 USD. (Nguồn: DM).

Luôn trong tình trạng bùn đất bám đầy từ đầu cho đến gót chân, hàng trăm thợ mỏ như Kabia Uwemeye phải lao động trong suốt 12 giờ mỗi ngày – một điều tương tự tại các mỏ vàng nô lệ có từ thế kỷ 19. Mang theo cuốc chim, xẻng cùng nhiều vật dụng khác, hàng trăm người đàn ông khỏe mạnh đào bới sâu vào trong lòng núi để lấy được thứ quặng tự nhiên vô cùng quý giá, không thể thiếu trong thế giới công nghệ di động.

Kabia, như bao người khác, chất đầy thứ quặng có tên coltan trong chiếc gùi trên vai và bắt đầu quay trở lại con kênh đào bên ngoài để rửa trôi hết cát và đá khỏi mẩu quặng. Liên tục kỳ cọ, sàng lọc…chả mấy chốc mẩu quặng coltan sạch bong dần lộ ra từ đôi tay trần của Kabia. Nếu chỉ nhìn vào những chiếc iPhone hào nhoáng, ít ai có thể biết được sự tương phản ghê gớm của nó đối với những người lao động khai thác coltan như kiểu nô lệ thế kỷ 19 này.

Đằng sau chiếc iPhone hào nhoáng - 1

Cảnh lao động bằng tay không như tại các mỏ vàng
nô lệ thế kỷ 19 ở mỏ Luwow (Nguồn: DM).

Tất cả điều trái ngược ấy đang diễn ra tại một mỏ khai thác có tên Luwow, thuộc khu vực vùng sâu vùng xa của nước Cộng hòa Congo.

“Thứ nguyên liệu giúp cho điện thoại thông minh của thế giới hoạt động được đến từ mỏ của chúng tôi” – Kabia nói.

Khi đã qua tinh luyện, coltan trở thành kim loại Tantali, một loại bột chống nhiệt có khả năng tích trữ điện năng. Đây là thứ kim loại không thể thiếu trong quá trình sản xuất ra các vi mạch điện tử cung cấp điện năng cho điện thoại thông minh, máy tính xách tay, máy nhắn tin và nhiều loại thiết bị công nghệ cao khác.

Mỏ Luwow được hình thành từ việc đào sâu vào lòng một ngọn núi nằm giữa trái tim của châu Phi, và là một trong số ít những mỏ thủ công trên thế giới tồn tại thứ khoáng chất hiếm này.

Sau khi tự tay rửa từng phiến quặng coltan, Kabia bọc chúng cẩn thận bằng bao tải và sau đó bắt xe máy tới khu vực trung tâm Rubaya, một trong số ít các thị trấn là điểm trung chuyển và trung tâm mua bán khoáng sản của Congo.

“Sau khi phân loại và cân đo, các thợ mỏ như chúng tôi thường được trả khoảng 5 USD mỗi ngày” – Kabia nói về mức lương quá chênh lệch khi so sánh với những chiếc điện thoại thông minh có giá trung bình khoảng 500 USD.

Nhưng so với mức lượng tối thiểu là 3 USD/ngày tại đất nước Congo, hơn 1.400 công nhân mỏ Luwow vẫn tiếp tục đổ hết sức lực vào công việc tàn bạo và nguy hiểm này chỉ để kiếm thêm 2 USD mỗi ngày.

“Dù sao thì mức lương này vẫn cao hơn mức trung bình ở nước chúng tôi. Chúng tôi có thể làm gì để có thêm được 2 USD đây?” – Kabia, cha của 2 đứa trẻ, nói.

Các nhà sản xuất nổi tiếng thế giới mà ai trong số chúng ta cũng biết như Apple – hãng sản xuất dòng iPhone – hay Samsung Electronics – nhà sản xuất dòng Galaxy – đều thừa nhận rằng họ sử dụng coltan được đào thủ công ở Congo để tạo nên những chiếc điện thoại thông minh của mình. Và Apple còn tuyên bố họ sẽ tiếp tục làm như vậy.

“Apple vẫn duy trì cam kết phát triển kinh tế và tạo nên các cơ hội từ nguồn quặng đến từ khu vực không có xung đột ở Congo” – Apple nói trước Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ hồi tháng 2-2015.

Trong khi đó, Samsung nói rằng họ nhận thức được mức độ nghiêm trọng của việc vi phạm nhân quyền và các vấn đề ô nhiễm môi trường đang diễn ra ở mỏ Luwow của Congo.

Trong suốt nhiều năm liền, phiến quân CNDP ở Congo cũng sử dụng lợi nhuận thu được từ việc bán coltan ở mỏ Luwow để mua vũ khí và đạn dược chiến đấu với quân đội chính phủ. Trong một bản báo cáo hồi năm 2001, LHQ đã lên án việc khai khoáng trái phép các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là lên án việc bán coltan cùng các loại khoáng chất hiếm cho các công ty đa quốc gia như một “động cơ” gây nên xung đột ở Congo.

Sau khi nhóm phiến quân này chịu buông vũ khí, các khoáng vật lấy từ mỏ Luwow tiếp tục được bán sang nước láng giềng Rwanda, giúp quốc gia này trở thành nhà xuất khẩu coltan lớn nhất thế giới dù thực chất đất nước này không hề tồn tại trữ lượng quặng nào.

Dù đã được xem là một loại quặng “phi xung đột”, thế nhưng điều kiện làm việc như kiểu nô lệ thế kỷ 19 ở Luwow khiến nhiều người không khỏi e ngại. Ở Luwow, khái niệm về an toàn gần như không tồn tại.

Khung cảnh thường ngày ở mỏ Luwow là một quản đốc đứng trên cao liên tục thúc giục hàng trăm thợ mỏ làm nhanh tay hơn nữa…tai nạn cũng thường xuyên xảy ra ở các mỏ kiểu này. Hồi tháng 9 vừa qua, đã có ít nhất 7 thợ mỏ ở Luwow thiệt mạng khi một đoạn đường hầm bị đổ sập.

“Tai nạn thường xuyên xảy ra. Tháng trước chúng tôi đã mất vài người vì một vụ sập hầm” – Kabia kể lại.

Tuy nhiên, để nuôi sống bản thân và gia đình, không ai trong số họ muốn từ bỏ công việc này. Đa phần đều chấp nhận điều kiện lao động không đồ bảo hộ, khắc nghiệt và trong môi trường độc hại…

“Tôi có một người vợ, 2 đứa con nhỏ. Vợ tôi chỉ làm công việc nhà, và cả gia đình trông chờ vào đồng lương mà chủ mỏ chi trả cho tôi. Nếu mất việc thì gia đình tôi sẽ chết đói” – Kabia nói thêm.

Trong số 1.400 thợ mỏ đang làm việc tại Luwow, đa số xuất thân từ các hộ gia đình nghèo khó sinh sống ở khu vực miền Đông của Congo. Đây được cho là cộng đồng nghèo khó nhất của Congo, chưa nói đến toàn bộ lục địa đen. Cũng bởi vậy mà ngay cả những đứa trẻ cỡ chỉ 10 tuổi cũng được gia đình chúng gửi đến làm việc tại các mỏ khai thác như Luwow kiếm tiền phụ giúp gia đình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đằng sau chiếc iPhone hào nhoáng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO