“Đánh bạc” với cây có múi

Phương Nguyên 02/07/2015 08:47

Phát triển cây có múi là chủ trương lớn của tỉnh Hòa Bình và là mục đích của nhiều người dân. Để đáp ứng giữa cung và cầu này, hiện nay trên địa bàn tỉnh các cơ sở cung cấp giống đã mọc ra như nấm, với những thật hư lẫn lộn về chất lượng. Khó kiểm soát, khó lựa chọn đang là thực trạng để đưa người dân vào những “canh bạc” không biết kêu ai khi mua phải giống rởm về trồng.

Giống có vai trò hết sức quan trọng với cây có múi

Theo tính hoạch định, tới năm 2020 Hòa Bình sẽ phấn đấu trồng tới 5.084 ha cây có múi trên địa bàn. Thực tế, trong những năm qua, cây có múi (chủ yếu là cam, bưởi, chanh) đã phát huy thế mạnh và đem lại nguồn thu cho người dân. Từ chủ trương, đến thị hiếu, hiện nay việc nhân trồng cây có múi đang phát triển mạnh mẽ tại Hòa Bình. Tuy nhiên có điều bất cập là hiện nay tỉnh này đã bùng phát rất nhiều cơ sở để cung cấp giống, mọi tốt xấu, được hay mất do giống đã đem đến sự gánh chịu hậu quả cho không ít các gia đình.

Trồng cây có múi để đem lại thu lớn ở Hòa Bình đã có từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, trong 3 năm gần đây, khi nhiều gia đình ở huyện Cao Phong trở thành tỷ phú về cam thì trồng cây có múi ở Hòa Bình đã khởi phát mạnh mẽ. Trong 11 huyện, thành phố hiện có thì diện tích cây có múi trên địa bàn tỉnh tăng mạnh nhất phải kể đến các huyện như Cao Phong, Kim Bôi, Tân Lạc, Lạc Thủy… Để đáp ứng nhu cầu của người trồng thì các cơ sở cung cấp giống mọc ra như nấm. Tuy nhiên, chất lượng thì chỉ dựa trên “niềm tin”. Và để kiểm chứng được giống tốt hay xấu này lại chờ vào thời gian, đến lúc có quả thì mới biết thế nào.

Hiện nay ở Cao Phong, để đáp ứng cho nhu cầu tăng mạnh của người dân thì các nguồn cung cấp cây giống ra đời khá dồi dào. Hầu hết, nguồn giống ươm này đều dựa trên phương pháp lấy gốc bưởi dại rồi dùng mắt những giống cây có múi như bưởi đỏ, bưởi da xanh, cam chín sớm (CS1), cam chín muộn (V2), quýt... để cấy vào. Nhiều cơ sở không trực tiếp ghép tại địa phương mà mang từ nơi khác về bán. Anh Nguyễn Văn Vinh ở khu 4 thị trấn Cao Phong tâm sự: Tôi có mảnh vườn 4.000m2. Cách đây mấy năm, nghe một người giới thiệu, tôi đi lấy giống cam lòng vàng (CS1) về trồng. Lúc đầu cây phát triển bình thường. Nhưng sau một năm thì thấy hiện tượng nhiều sâu bệnh như vàng lá, thối rễ, cây phát triển chậm…

Theo anh Vinh, không giống các loại cây nông nghiệp khác, vì cây có múi vốn là cây lâu năm. Thời gian ra quả và kiểm định được hàng hóa tốt xấu thế nào nhanh cũng phải mất 1 - 2 năm. Khi phát hiện ra chất lượng giống thì lúc này đã phải trả giá quá nhiều cho công chăm sóc. Vì tiếc rẻ và muốn cứu vãn lại những cây mà mình đã bỏ tiền ra mua, chăm sóc nên anh Vinh đã dùng nhiều loại thuốc nhưng không hiệu quả và đã phải chặt bớt đi rất nhiều cây. Tuy nhiên những cây còn lại đến khi được thu hoạch thì rất ít quả. “Năm ngoái, cùng diện tích nhưng nhà bên cạnh do may mắn chọn được giống tốt, đúng chất lượng nên đạt thu từ 20-30 tấn. Nhưng vườn của tôi năm nào cũng chỉ được dưới 10 tấn. Giờ bỏ thì thương và vương thì tội. Khi hỏi ra mới biết cơ sở này đi mua mắt giống cũng không rõ nguồn gốc. Cũng không biết cây lấy mắt có quả hay chưa? Thuộc cây đầu dòng hay không?...”- anh Vinh thở dài ngao ngán!

Theo anh Nguyễn Duy Khánh, ở Khu 2 thị trấn Cao Phong thì: Giống hiện tại ở đây rất nhiều nhưng chọn được giống chuẩn là cả những sự may mắn, tựa như “đánh bạc” vậy. Có nhiều gia đình trên đây, vài năm trước đã đi lấy giống do bạn bè bè giới thiệu. Mới đầu những cơ sở ấy khăng khăng cho rằng là tốt, là chuẩn. Nhưng khi đem trồng, đến lúc thu hoạch thì mới biết là… rởm vì tỷ lệ quả chua và sâu bệnh khá nhiều. Có loại sâu bệnh nhiễm vi rút không chữa được đành phải bỏ đi. Như vậy vừa mất tiền bạc, công sức mà lại còn sai lệch về những dự định kinh tế đã tính toán của gia đình. Nhiều gia đình trên đây không vốn, phải vay để đầu tư đã vỡ nợ vì việc mua phải giống rởm như thế này!
Theo Sở NN&PTNT Hòa Bình, vừa qua, UBND tỉnh vừa phê duyệt quy hoạch riêng cây cam trên địa bàn toàn tỉnh đến năm 2020 là 5.084 ha. Trong thời gian tới tiếp tục rà soát lập quy hoạch cây có múi. Đến nay, cây có múi đã trồng được trên 3.000 ha, riêng cây cam đã trồng được trên 2.000 ha. Như vậy, nhu cầu về giống cây trong thời gian tới tiếp tục tăng. Trồng cây có múi nói chung, cây cam nói riêng thì việc lựa chọn giống vô cùng quan trọng. Do vậy người trồng cần tuyển lựa những cây giống đầu dòng có chất lượng đạt năng xuất cao. Để tránh rủi ro cho người dân trước hiện tượng mua phải giống rởm, vừa qua, Sở cũng đã tổ chức bình tuyển được 30 cây cam giống đầu dòng , 3 cây bưởi đỏ đầu dòng, 3 cây bưởi da xanh đầu dòng để đưa vào cấy ghép, nhân giống.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có nhiều cơ sở cung cấp giống cây từ tư nhân đến các doanh nghiệp nhà nước, DN tư nhân. Tuy nhiên, trước nhu cầu tăng mạnh về giống và nguồn cung cấp giống chuẩn hiện nay, một khuyến cáo được đưa ra là người cần mua giống những cơ sở uy tín trong và ngoài tỉnh. Được biết, để siết chặt những cơ sở giống vừa qua sở NN&PTNT cũng đã tiến hành kiểm tra nhắc nhở những cơ sở cung cấp giống đồng thời nhắc nhở các địa phương tăng cường công tác quản lý những cơ sở bán giống cây.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Đánh bạc” với cây có múi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO