Đánh đu tính mạng

Tinh Anh 24/03/2021 10:30

Sau 7 ngày ra quân thực hiện cao điểm xử lý vi phạm nồng độ cồn và ma túy theo kế hoạch của Bộ Công an, lực lượng CSGT toàn quốc đã phát hiện, xử lý 5.140 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, ma túy.

Trong đó có 5.089 lái xe vi phạm nồng độ cồn, 51 lái xe dương tính với ma túy, xử phạt 17,7 tỷ đồng, tước 2.997 bằng lái...

Cảnh sát giao thông Thành phố Hồ Chí Minh lập chốt kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện giao thông.

Con số trên không khỏi khiến nhiều người giật mình kinh hãi. Làm sao có thể không kinh sợ, khi mà hình dung mỗi lần ra đường là đang đi chung với các “tử thần cầm vô lăng”? Với những đối tượng say sỉn, ngáo ma túy mà vẫn “hồn nhiên” lái xe thì TNGT có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu, với bất cứ ai thiếu may mắn gặp họ.

Điều đó đã được chứng minh từ thực tế, có vô số những vụ TNGT xảy ra vì người điều khiển phương tiện say sỉn, hay đang trong trạng thái phê ma túy. Nếu không gây TNGT thì họ cũng lái xe ngoằn nghèo trên đường, hoặc nghênh ngang đỗ giữa đường để... ngủ. Chẳng phải mới cách đây 2 ngày thôi, một quân nhân say rượu đã dừng xe giữa ngã tư Hà Nội để ngủ, khi bị lực lượng CSGT “hỏi thăm” đã nổi khùng đe dọa đó sao?

Như trường hợp của quân nhân nói trên chỉ gây cản trở giao thông, mà không đến nỗi gây tai nạn cướp đi sinh mạng của ai đó, hoặc làm người khác mang thương tật suốt đời. Song, trong hầu hết các trường hợp người lái xe sử dụng rượu bia, ma túy sẽ gây TNGT, nhẹ thì khiến nạn nhân mang thương tật, nặng thì tước đi mạng sống của họ.

Dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 100/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, trong đó mức chế tài đối với những người vi phạm nồng độ cồn và ma túy rất cao. Song, có vẻ như nhiều lái xe chưa biết sợ, vẫn cố tình sử dụng rượu bia, ma túy rồi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Hành vi của họ không chỉ đang đánh đu với tính mạng của bản thân, mà còn coi thường tính mạng và tài sản của những người cùng tham gia lưu thông trên đường. Biết là trái pháp luật, nếu bị phát hiện sẽ bị xử lý nghiêm khắc, thậm chí sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi gây TNGT nghiêm trọng, vậy mà còn vẫn rất nhiều người vi phạm. Vì sao?

Chẳng có gì là khó hiểu cả, đơn giản chỉ là họ đã có thói quen khinh nhờn pháp luật, không coi những người thực thi công vụ ra gì. Nhiều người nghĩ rằng chưa chắc lực lượng CSGT đã phát hiện ra hành vi sử dụng rượu bia, ma túy của họ, mà có phát hiện được cũng chưa chắc đã bị xử lý nếu có phong bì lót tay, hoặc một cú alo cho “người thân”.

Còn một số người thì lại có kiểu sống “trên tiền”, nghĩa là nếu bị phát hiện sử dụng rượu bia, ma túy mà bị phạt tiền thì cũng chẳng là gì đối với họ. Kể cũng đúng, với những “thiếu gia” sống trong nhung lụa, có bạc tỷ trong tay thì việc bị phạt vài triệu, thậm chí là vài chục triệu đồng có nghĩa lý gì đâu cơ chứ?

Ngay cả khi có thu giữ phương tiện thì họ cũng chẳng sợ, bởi trong nhà lúc nào chẳng có sẵn 2-3 chiếc ô tô loại sang. Hoặc giả bị thu giữ giấy phép lái xe, họ sẵn sàng điều khiển phương tiện ra đường mà “cóc cần” bằng lái. Và hậu quả cuối cùng chỉ có người tham gia giao thông vô phúc gặp phải họ mà thôi.

Đến đây, chắc sẽ có nhiều người cho rằng, nói vậy thì ai mà chẳng nói được, quan trọng là biện pháp nào để khiến các đối tượng trên biết sợ, từ đó nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật. Biện pháp thì có đó, nhưng e là chưa dùng được, bởi còn liên quan đến vấn đề pháp lý, phải điều chỉnh quy định của Luật Giao thông đường bộ, sửa nghị định...

Chẳng hạn, với những người mà trong một thời gian ngắn, liên tiếp vi phạm nồng độ cồn, hay dương tính với ma túy, có thể xem xét cấm lái xe vĩnh viễn, thậm chí trong một vài trường hợp có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Có nhiều người chấp nhận nộp phạt để “chơi ngông”, nhưng nếu phải đi tù thì họ sẽ biết sợ và ngoan ngoãn.

Vấn đề ở chỗ, quy định của pháp luật hiện hành lại chưa có chế tài cấm lái xe vĩnh viễn, cũng chưa có quy định tịch thu phương tiện, càng chưa có quy định truy cứu trách nhiệm hình sự khi phát hiện sử dụng rượu bia, ma túy, nếu không gây TNGT chết người. Cùng lắm chỉ có thể phạt tiền nặng, tước giấy phép lái xe, tạm giữ phương tiện...

Đó chính là lý do nhiều lái xe không biết sợ, coi thường pháp luật, cố tình sử dụng rượu bia, ma túy khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Vì vậy, dù các cơ quan chức năng đã nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp nhưng số vụ TNGT hàng năm vẫn khó kéo giảm, số người chết và bị thương vẫn ở mức cao. Đã đến lúc phải có “bàn tay thép” để răn đe những kẻ cố tình đánh đu với tính mạng, coi thường pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đánh đu tính mạng