Dành sự tri ân tới các bác sĩ ở tuyến đầu

Thành Vĩnh 11/08/2020 17:00

Chưa bao giờ tâm thế cả xã hội đều dành tình cảm và tri ân nỗ lực của đội ngũ y tế ở tuyến đầu chống dịch như những ngày này.

Nhiều y, bác sĩ, nhân viên y tế đã sẵn sàng cắt tóc để vào “cuộc chiến”.

Nhân dân dành sự trân trọng biết ơn tới sở chỉ huy tiền phương của Bộ Y tế đặt ở tâm dịch Đà Nẵng do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn trực tiếp có mặt làm tổng chỉ huy. Dư luận dành sự biết ơn tới các y bác sĩ của các bệnh viện trên cả nước được cử vào Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam “chia lửa”. Bài viết của PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu về sự có mặt của anh và các đồng nghiệp ở tuyến đầu đã được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội với những tình cảm yêu thương, sự tri ân và tin cậy. Niềm tin vào đội ngũ y tế “người này mệt lui lại phía sau sẽ có người khác tiến lên thay vị trí”.

Còn dưới đây là những dòng trạng thái từ facebook Đồ Nghệ (trang cá nhân của ông Nguyễn Đình Anh – Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng – Bộ Y tế):

Từ bé mỗi dịp hè về lại được ra Hà Nội sống với cha tại khu tập thể Bộ Y tế nên tôi may mắn được gặp nhiều thầy thuốc, những nhà lãnh đạo ngành y nổi tiếng thời đó như các bác Vũ Văn Cẩn, Đặng Hồi Xuân, Phạm Song, Hoàng Đình Cầu, Nguyễn Văn Đàn...nên tôi đã rất thích thú với hình ảnh những người lãnh đạo, những bác sĩ với bộ quần áo trắng tinh, cổ đeo ống nghe, làm việc cần mẫn như chẳng hề biết mệt mỏi để cứu chữa bệnh nhân.

Và khi lớn tôi mới hiểu câu nói của Bác Hồ: “Lương y như từ mẫu”. Câu nói đó nhắn nhủ người thầy thuốc không chỉ cần có tài mà còn cần phải có cái tâm, cái đức. Người thầy thuốc phải giỏi về y thuật, thông tuệ về y lý, phải hiểu biết về y đạo, hết lòng vì bệnh nhân, thương họ như tình cảm mẫu tử....

Cha tôi cũng thường nhắc nhủ với tôi rằng làm người thầy thuốc ngoài “Lương y như từ mẫu”, còn phải “Lương y như lương tướng”. Ông giảng cho tôi rằng làm thầy thuốc cần giỏi như tướng đánh trận. Khi kê đơn thuốc (nhà tôi theo nghề đông y bao đời) cũng cần phải biết tuỳ theo bệnh cảnh mà chọn vị thuốc nào là quân, vị thuốc nào là thần, vị thuốc nào là tá và vị thuốc nào là sứ. Mỗi người bệnh, tuỳ theo thể trạng mà kê với những hàm lượng khác nhau, phụ nữ khác đàn ông, trẻ con khác người lớn. Còn trong quản lý đòi hỏi người đứng đầu phải như một tướng lĩnh, cần phải biết “bày binh bố trận” đưa ra các chiến thuật, chiến lược, sách lược cho phù hợp.

Sau này khi học y khoa, công tác tại bệnh viện một thời gian rồi chuyển qua quản lý nhà nước mới cảm nhận được những lời chỉ bảo của cha mình. Dù rằng ông đã về thiên cổ hơn 10 năm, nhưng khi công việc bộn bề, lại nhớ lời răn của ông.

Đại dịch Covid-19 chắc vẫn còn kéo dài, với tâm thế “Chống dịch như chống giặc” như Thủ tướng Chính phủ đề ra, những người thầy thuốc là những chiến sĩ trên các mặt trận phòng chống dịch, trong số đó có nhiều người thầy, người anh, người bạn là những tướng lĩnh, là các chiến tướng. Các anh luôn bám địa bàn, đề ra những chiến lược, sách lược và các chiến thuật để giúp ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh; cứu chữa bệnh nhân giúp hạn chế thấp nhất những tổn thất về người, về kinh tế xã hội và bảo đảm an ninh quốc gia.

Như tôi đã từng đề cập ở một tút trước đây, khi chiến tranh - Bộ Quốc phòng là Bộ Chỉ huy còn khi chống dịch - Bộ Y tế là Bộ Chỉ huy, mọi quyết sách tham mưu cho Đảng, Nhà nước về chuyên môn cũng được hình thành từ đây. Các đồng chí lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các đơn vị cũng là những tướng lĩnh trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Giờ mới thấy ông cụ nói “Lương y như lương tướng - Thầy thuốc phải như tướng ra trận” thật đúng làm sao.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dành sự tri ân tới các bác sĩ ở tuyến đầu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO