Dành thời gian cho trẻ trong mùa dịch

Đức Trân 27/08/2021 13:55

Hiện, nhiều tỉnh thành đang thực hiện giãn cách xã hội, dẫn đến tình trạng trẻ nhỏ không được tham gia những hoạt động học tập, vui chơi ngoài trời. Thời gian trẻ dành cho TV, điện thoại, máy tính trở nên nhiều hơn, tiềm ẩn những nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe, tinh thần.

Nghiện điện thoại, thiếu tập trung

Chị Bùi Thị Hồng Hải (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: Nếu như trước đây ở thời điểm chưa giãn cách xã hội, con nhà tôi đi học ở trường, rồi học đàn, học vẽ, còn có thể tham gia hoạt động thể thao như bơi lội, chơi bóng rổ cùng bố thì bây giờ, thời gian 1 ngày của trẻ là quá dài, trong khi con nhỏ thì đầy hiếu động. Vẫn biết cho con xem TV hay điện thoại quá nhiều là không tốt, nhưng biết làm sao?

Có thể thấy, chính các bậc phụ huynh cũng đang “rối” với phương pháp hướng dẫn, định hướng cho trẻ trong những ngày giãn cách xã hội.

BSCKII Lê Công Tước, Giám đốc Bệnh viện Sản nhi Bắc Giang cho rằng, trẻ sử dụng quá nhiều điện thoại, TV vô cùng nguy hại.

“Điện thoại thông minh có tính hai mặt, nếu trẻ xem những kiến thức bổ ích, giúp hình thành hứng thú, khát khao khám phá và tiếp thu về tri thức thì đó là tốt. Nhưng nếu nghiện điện thoại, nghiện chơi game hay những ứng dụng giải trí thì lại là một hội chứng rất nguy hiểm và cần sự can thiệp sớm từ các chuyên gia tâm lý” - ông Tước nói.

Một trong những căn nguyên của bệnh tự kỷ đã được các chuyên gia y tế cảnh báo nhiều lần, đó là thói quen phụ thuộc của trẻ vào TV, điện thoại dẫn tới hạn chế giao tiếp xung quanh. Phụ thuộc quá nhiều vào các thiết bị này có thể khiến trẻ thiếu thích nghi với môi trường xung quanh, nhu cầu nói chuyện bị yếu đi và lâu dần sẽ giảm khả năng ngôn ngữ. Có trẻ mỗi khi cầm điện thoại là quên tất cả, không để ý đến những gì xung quanh, thậm chí có người gọi còn không biết.

Nguy cơ bị xâm hại trên môi trường mạng

Bên cạnh đó là những tác hại liên quan đến sức khoẻ của trẻ như giảm thị lực, các vấn đề về xương khớp hay rối loạn đồng hồ sinh học. Lo lắng hơn nữa khi dưới sự phát triển của mạng xã hội, quá nhiều thông tin độc hại có thể “bủa vây” con trẻ và thay đổi, hướng dẫn suy nghĩ của chúng từ lúc nào mà người lớn không hề hay biết. Bởi thế, theo các chuyên gia y tế, cha mẹ không nên cho trẻ xem TV, điện thoại quá nhiều, trẻ chỉ nên xem 1 giờ/ngày, tối đa 2 giờ/ngày và đặc biệt không cho trẻ dưới 2 tuổi sử dụng điện thoại.

Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý phát triển bền vững MSD, chuyên gia về tâm lý trẻ em lý giải, rủi ro trên môi trường mạng vô cùng đa dạng. Lợi ích và tác hại của thế giới internet cũng như hai mặt của đồng xu. Internet có thể mang lại những lợi ích rất lớn cho trẻ em, nhưng cũng tiềm ẩn những rủi ro hữu hình.

Ví dụ như mất thông tin cá nhân, lừa đảo trên môi trường mạng, nghiện game, bắt nạt trên mạng hay xâm phạm quyền riêng tư, thậm chí xâm hại tình dục trên môi trường mạng. Nguy hiểm hơn đó là những thử thách có thể nguy hại đến tính mạng của trẻ như khuyến khích tự tử, trốn vào máy giặt… Có thể nói, rủi ro trên môi trường mạng không chừa một ai và không lường hết được.

Theo số liệu thống kê từ Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, riêng trong tháng 5/2021, đã có hơn 40 cuộc gọi điện thoại tới Tổng đài 111 - Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em để thông báo về các trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại trên môi trường mạng.

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, bên cạnh việc thực hiện pháp luật, chính sách về phòng chống xâm hại trẻ em trong đó có xâm hại trẻ em trên môi trường mạng cần có những chương trình, những biện pháp đồng bộ để bảo vệ trẻ em tốt hơn.

Cần có sự phối hợp của các Bộ ngành, sự chung sức của các chuyên gia để thiết lập mạng lưới ứng cứu và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Bên cạnh đó là chính bản thân các em, cha mẹ các em cũng cần trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng để tham gia môi trường mạng an toàn.

Quan trọng hơn nữa là sự đồng hành của cha mẹ với con trẻ trên môi trường mạng, hướng dẫn và trao đổi thẳng thắn cùng con trẻ về lợi ích và tác hại của internet. Dành cho con trẻ nhiều thời gian hơn để có thể quan tâm và giúp đỡ kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dành thời gian cho trẻ trong mùa dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO