Đánh thức Mù Cang Chải

Tùng Duy 15/07/2020 09:30

“Thế giới đã biết đến Mù Cang Chải” – không phải ngẫu nhiên mà năm ngoái Tạp chí du lịch Condé Nast Traveler bình chọn vùng sơn cước này là danh thắng đa màu sắc và giàu văn hóa hấp dẫn nhất thế giới. Chúng tôi đã ghi nhận những nỗ lực đột phá của đất và người ở địa danh này của tỉnh Yên Bái trước thềm Đại hội Đảng bộ huyện 2020.

Những con đường bê tông khắp huyện Mù Cang Chải đang tiếp sức cho bà con thoát nghèo.

Những con đường tiếp sức bản Mông

Lão nông Lờ A Thênh dắt xe máy ra khỏi nhà lúc trời đổ mưa, quay lại nói với phóng viên: “Vào nhà đi. Mình định xuống xã mua ít thức ăn thôi. Giờ đường đi tốt lắm, phóng nhanh mà”. Lão nói với chúng tôi cứ như thân thiết từ lâu.

Con đường bê tông rộng 3 thước dài gần 6 cây số từ bản Hú Trù Lình mới hoàn thành, kéo ra Ủy ban xã Lao Chải (huyện Mù Cang Chải, Yên Bái) vòng qua mấy chặng đồi cao. Xe máy, ô tô giờ lướt phăng phăng. Lão Thênh kể người Mông ở bản này đã bao đời gắn với con đường đất chỗ gồng lên đá, chỗ ục xuống vũng lầy, muốn đi bộ sang đồi bên kia làm nương mùa nắng còn khổ, chứ mùa mưa chịu chết. Bây giờ trẻ con đạp xe đến lớp học ngoài xã, phụ nữ cũng bon xe máy một loáng đến chợ, mưa thế này thấm gì với cái khổ trên núi hồi trước…

Bản nghèo triền núi giờ đổi khác. Mấy năm trước, con lợn, con gà, quả bí, quả mận trong bản ngon thế mà chả xuống được đến chợ, tự cung tự cấp quanh quẩn xó bản. Giờ nhà lão Thênh nuôi cả chục con lợn thịt, hai con trâu, gà đen mấy đàn, cuối năm ngoái bán thu về hơn trăm triệu đồng.

Triền đồi bên cạnh nhà lão còn trồng 1 ha sơn tra (táo mèo), 1 ha ngô, lại thêm rải rác thảo quả, thu thêm mấy chục triệu nữa. Nhà lão Sùng A Sào trong bản còn trồng cả chục ha sơn tra năm ngoái thu 700 triệu đồng. Thậm chí khi con lợn còn nhỏ, cây sơn tra vừa trổ hoa đã có thương lái tìm đến tận bản đặt cọc.

Bản nhỏ 173 hộ từng có đến 90% hộ nghèo giờ chỉ còn vài chục hộ khó khăn, bắt chước nhau nuôi trồng nông lâm từ lợi thế thổ nhưỡng. Đã vào mùa mưa nhưng nhà lão Thênh hôm nay có nhiều chị em trong bản đến tuốt lanh dệt váy vui như tết. Họ làm đổi công cho nhau, ngày mai lại tập trung sang nhà khác.

“Làm thế này vui nên không mệt” – con dâu lão Thênh nói. Sau lời gợi ý của chúng tôi, con giai lão đã lấy khèn ra định dạo một làn “trồng chuối”. Chỉ có ai từng đến đây mà được nghe khèn mới hiểu người Mông yêu bản nhỏ sâu sắc nhường nào. Chỉ tay ra sườn ruộng bậc thang trải dài xanh lấp mênh mang sau bản, Bí thư Giàng A Vàng ước muốn: “Nhà báo lần tới lên thăm bản thì mời khách du lịch về đây nhé. Lao Chải nhiều hộ sắp làm homestay rồi, nghe khèn lúc uống rượu, có thịt lợn ngon, thì không về được đâu”.

Trưởng bản Lờ A Trang còn rất vui cho biết phụ nữ không còn mất mạng vì tự đẻ ở nhà. 100% trẻ em không phải lội suối trèo đồi nhọc nhằn vì con chữ. Và đã có gần chục em vào được đại học. Giờ nhiều người đi làm nương cũng bằng xe máy. Tất cả nhờ có con đường bê tông lát về từ một thế trận dài hơi, bài bản của lãnh đạo huyện và từng cán bộ xã, bản. Lao Chải có 14 bản với tỷ lệ nghèo chiếm 40% (dăm năm trước là 46%), cũng như hầu hết 13 xã khác ở sơn cước Mù Cang Chải, toàn là người Mông sinh sống, nay đã có diện mạo mới hoàn toàn.

Chuyện nhà lão nông Lờ A Thênh thoát nghèo ở vùng cao mát lạnh quanh năm, cũng như hàng chục ngàn hộ khác khắp toàn huyện, thực ra không chỉ đến từ con đường bê tông. Phó Bí thư Đảng ủy xã Giàng A Hù, chàng trai tốt nghiệp đại học cùng xốc vác cái khổ trên núi từ “Dự án đưa 600 tri thức trẻ về cơ sở” cách đây ít năm, cũng như hàng trăm cán bộ trẻ khác đã được Huyện ủy Mù Cang Chải tăng cường về các xã mà “làm cùng, ăn cùng, ở cùng, thức cùng đồng bào”, chia sẻ lo toan. Mỗi tháng anh có đến chục đêm về các bản sinh hoạt, trò chuyện. Thậm chí cùng chịu tang với nhà có người vừa mất, lắng nghe người Mông nói, thấu cái khó khăn, nắm tay chỉ việc mà làm.

“Người Mông đoàn kết lắm, mà đã tin ai, tin cán bộ, thì rất dễ làm mọi thứ” – Phó Bí thư Hù nói. Mới hay ở đây làm đường bê tông về các bản, huyện cho nguồn lực chính nhưng dân góp 30% kinh phí nộp đủ rất nhanh. Nhà nào có đường chạy qua ven rào đều sẵn sàng hiến đất mở rộng mép bê tông, lại còn cầm cuốc xẻng ra góp sức vui như hội.

Từ quyết tâm của cả hệ thống chính trị, chỉ vài năm qua Mù Cang Chải đã mở mới thành công 140km đường và kiên cố hóa thêm gần 200km giao thông nông thôn. 100% số xã đã có đường bê tông ô tô chạy được từ huyện về trung tâm xã. 100% các bản đã có đường bê tông cho xe máy đi lại. 100% số xã được sử dụng điện lưới quốc gia, được phủ sóng điện thoại và sử dụng mạng internet – con số đột phá mà người Mông ở Mù Cang Chải trước đây còn chưa dám nằm mơ.

“Mài cái đẹp ra mà ăn chứ”

Ước mơ của Bí thư Giàng A Vàng về một Lao Chải có “homestay” không phải là xa vời. Tiềm năng du lịch trải nghiệm và khám phá danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang Chải đã trở thành hiện thực từ “nghị quyết hóa” đến nguồn thu lớn vực dậy sức sống từng bản Mông (dân số huyện có 91% là người Mông).

Vợ chồng Hảng A Dò và Giàng Thị Gừ ở xã La Pán Tẩn như một gương điển hình làm kinh tế. Họ không dấu giếm thu nhập từ căn nhà sàn homestay dựng lên mấy năm qua: “Mỗi năm nhà em thu hơn 400 triệu đồng. Khách về đông lắm, nhất là mùa lúa vàng tháng Chín, giờ là tháng Bảy mà chưa đặt chỗ trước thì không còn phòng. Mài cái đẹp ra mà ăn chứ!”.

Hai vợ chồng kiêm luôn đầu bếp và bưng bê, vệ sinh chăm sóc ngôi nhà đẹp như tranh vẽ. Nhà Dò tự trồng rau su su sạch, nuôi gà đen, lợn rừng thì rất sẵn trong bản vì nhà ai cũng nuôi, nguồn thực phẩm đặc sản rất dồi dào.

Trong thôn có đội văn nghệ toàn những chàng trai, cô gái Mông rất trẻ, hát múa đăng khèn rất đẹp phục vụ khách. Khách Tây có lúc tìm đến mấy đoàn hàng chục người, Dò phải dẫn họ sang nhà khác. Cả thôn có 10 homestay, cả xã nhân rộng ra mấy chục cái nữa, cả huyện có 90 nhà, vẫn liên tục “cháy” phòng, nhiều hôm anh phải dẫn họ ngược núi tìm về tận thị xã Nghĩa Lộ trong đêm giúp tìm nơi lưu trú.

 Người Mông dựng homestay ở Mù Cang Chải gặp thuận lợi từ hỗ trợ của Nhà nước và lợi thế vùng núi mát lạnh có danh thắng ruộng bậc thang.
Người Mông dựng homestay ở Mù Cang Chải gặp thuận lợi từ hỗ trợ của Nhà nước và lợi thế vùng núi mát lạnh có danh thắng ruộng bậc thang.

Bên kia là Nậm Khắt có thời tiết lạnh như Sa Pa đã mọc lên những homestay có sao hạng cạnh rừng thông xanh rì. Lưng đèo Khau Phạ mê hoặc một thung lũng và những dải núi điệp trùng, có điểm bay dù lượn hấp dẫn nhất cả nước. Xa hơn có ruộng bậc thang mâm xôi nổi tiếng, những Chế Cu Nha, Dế Xu Phình, Kim Nọi, Mồ Dề…, tất cả tạo nên quần thể danh thắng ruộng bậc thang đẹp say lòng mà Tạp chí du lịch thế giới CN Traveler phải “tạc” lên trang báo. Mùa vàng năm trước, Mù Cang Chải chỉ trong ba ngày đã đón tới 23 ngàn du khách – con số mà Chủ tịch huyện Vũ Tiến Đức nói với chúng tôi, đủ cho thấy cái hấp dẫn kỳ lạ của miền sơn cước, và cũng ẩn ý cái cố gắng vượt bậc của Đảng bộ, chính quyền và người dân, đã và đang sánh vai với những mảnh đất du lịch toàn quốc.

Đánh thức Mù Cang Chải – làm cho non cao xứng tầm với tiềm năng, đuổi bỏ cái nghèo truyền kiếp. Cả một chiến lược có thế trận phát triển kinh tế xã hội rất bài bản được Yên Bái và đặc biệt là những thế hệ lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện, MTTQ, các ban, ngành, người dân cùng nỗ lực. Khó có thể kể hết công sức của đất và người Mù Cang Chải trong bài viết này, nhưng đồng chí Bí thư Huyện ủy Nông Việt Yên rất phấn khởi khi cho biết toàn huyện đã nhanh chóng giảm nghèo chỉ còn 33% năm nay (năm ngoái hơn 40%), thu ngân sách dự kiến đạt gần 140 tỷ đồng (vượt 54% so với nghị quyết) khác biệt con số vài chục tỷ mấy năm trước.

“Một Đại hội Đảng mà huyện sẽ đặt những mục tiêu cao hơn nữa, lấy nhân lực cán bộ là yếu tố quan trọng nhất, Mù Cang Chải quyết tâm trở thành huyện du lịch – là điểm đến hấp dẫn an toàn và giàu bản sắc, phấn đấu thoát ra khỏi cái tiếng nghèo vào năm 2030 với nhiều mô hình kinh tế”, Bí thư Nông Việt Yên nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đánh thức Mù Cang Chải

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO