Đánh thức tiềm năng công nghiệp văn hóa Thủ đô

Phạm Sỹ 04/10/2022 06:53

Hà Nội là địa phương đi đầu trong phát triển công nghiệp văn hóa với mục tiêu phát triển toàn diện ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô cả về quy mô, chất lượng sản phẩm… theo hướng bền vững. Qua đó, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa mang bản sắc của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Rất đông lượng khách du lịch đến tham quan các di tích văn hóa tại Hà Nội. Ảnh: Quang Vinh.

Tạo bản sắc riêng

Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa. Đó là Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nghị quyết đặt ra mục tiêu là tạo bước phát triển toàn diện ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, đảm bảo phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ, tỷ trọng, giá trị gia tăng cao; hoạt động có tính chuyên nghiệp với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Cùng với đó là dịch vụ, sản phẩm văn hóa đa dạng, có chất lượng, có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ của người dân trong nước, thúc đẩy phát triển du lịch và xuất khẩu… Điều này cho thấy tầm quan trọng của ngành công nghiệp văn hóa đối với sự phát triển bền vững của Thủ đô trong giai đoạn tới.

Theo các chuyên gia, ngành công nghiệp văn hóa - sáng tạo có thể có những đóng góp lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội. Số liệu năm 2018 cho thấy ngành công nghiệp văn hóa - sáng tạo đã đóng góp khoảng 1,49 tỷ USD vào tổng sản phẩm trên địa bàn TP Hà Nội (chiếm tỷ trọng 3,7% GRDP của thành phố), trong đó giá trị gia tăng của ngành nghệ thuật, vui chơi và giải trí của Hà Nội đạt khoảng 196,5 triệu USD (chiếm tỷ trọng 0,49% GRDP của thành phố Hà Nội). Trong tổng số 10.020 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp thiết kế sáng tạo trên địa bàn của TP Hà Nội, thì có tới 2.764 doanh nghiệp thiết kế, 270 doanh nghiệp nghệ thuật, 380 doanh nghiệp văn hóa, và 1.436 doanh nghiệp thời trang.

Mục tiêu đến năm 2030, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô cơ bản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác.

Phố đi bộ Hoàn Kiếm đã từng bước phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng xây dựng không gian văn hóa.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật quốc gia Việt Nam, các nguồn tài nguyên văn hóa có mặt ở mọi ngõ ngách trong thành phố, từ hạ tầng đô thị với kiến trúc nhiều lớp lịch sử, hạ tầng văn hóa đa dạng đến sự phong phú của các sản phẩm thủ công sáng tạo… Đây chính là những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên bản sắc riêng có của Hà Nội trong cách thành phố lưu giữ truyền thống, định hình hiện tại và hướng tới tương lai.

Hai bên bờ sông Hồng có lợi thế lớn về phát triển không gian sáng tạo.

Hiện thực hóa mục tiêu

Để đạt được những mục tiêu mà Hà Nội đã đề ra, theo nhiều chuyên gia, Hà Nội cần có những đột phá mới về tư duy, quan trọng là phải xác định được vấn đề phát triển công nghiệp văn hóa là một quá trình liên tục, bền bỉ và lâu dài.

TS. Lê Thị Minh Lý - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, Hà Nội cần đánh giá có định lượng tiềm năng di sản và việc phát huy giá trị di sản hiện nay để có định hướng rõ lĩnh vực ưu tiên đầu tư cho công nghiệp văn hóa.

“Cần tập hợp các kết quả điều tra, kiểm kê di sản văn hóa, nghiên cứu bổ sung, cập nhật và xây dựng cơ sở dữ liệu nhằm quản lý, khai thác sử dụng sáng tạo văn hóa. Chú trọng, ưu tiên sản xuất các sản phẩm văn hóa dựa trên di sản dành cho giáo dục học sinh phổ thông” - bà Lý nhấn mạnh.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Quyền Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Hà Nội cần đổi mới cơ chế đầu tư tài chính cho sự phát triển văn hóa. Cùng với đó, vấn đề cơ bản để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đòi hỏi phải có chính sách đầu tư và đào tạo nguồn nhân lực mang tính đột phá. Việc bồi dưỡng năng lực sáng tạo và tạo môi trường sáng tạo cho những tài năng văn hóa cũng là giải pháp căn bản phát triển ngành công nghiệp văn hóa bên cạnh giải pháp khác.

Bên cạnh đó, việc Hà Nội ưu tiên bố trí quỹ đất theo quy hoạch phân khu 2 bên bờ sông Hồng và các khu vực phát triển đô thị, các đô thị vệ tinh để xây dựng các công trình văn hóa, du lịch cũng đã được hết sức quan tâm.

Được biết, quận Hoàn Kiếm đang nghiên cứu kế hoạch để phát triển bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng thành công viên văn hóa, du lịch nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất, lợi thế tiềm năng, vẻ đẹp tự nhiên của sông Hồng.

“Lợi thế về giao thông đường sông, cảnh quan mặt nước và cây xanh, khu vực bãi giữa, bãi bồi sông Hồng là điều kiện tốt để Hà Nội phát triển các không gian nhằm phục vụ nhu cầu cộng đồng” - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long nêu quan điểm.

Nhìn nhận về vấn đề này, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Giám đốc Sở Quy học - Kiến trúc Hà Nội cho rằng khi đánh thức những nguồn lực và lợi thế của sông Hồng, quy hoạch sẽ khai thác toàn diện hệ sinh thái tiềm năng tại khu vực này, phù hợp với điều kiện thực tiễn cũng như xu hướng phát triển đô thị hiện nay.

Với mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã được các chuyên gia đánh giá cao và đặt nhiều kỳ vọng vào việc Thủ đô sớm thực hiện hóa những mục tiêu mà nghị quyết đã đề ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đánh thức tiềm năng công nghiệp văn hóa Thủ đô

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO