Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc livestream trên nền tảng trực tuyến đã giúp giáo viên và học sinh tương tác với nhau tốt hơn. Nhiều giáo viên dạy Online ra đời với các khóa học trực tuyến giúp học sinh có thể tự học ở nhà. Song trên mạng cũng xuất hiện nhiều người chưa có bằng cấp, trình độ chưa tới, tự gắn mác ‘giáo viên’. Cần phân biệt rõ ràng giữa giáo viên và người ‘tự nhận giáo viên’.
Những ngày qua, cô giáo Minh Thu trở thành cái tên ‘phủ sóng’ khắp các trang mạng xã hội. Bất ngờ nổi lên sau khi xuất hiện trên livestream dạy học môn Vật lý, cô giáo Minh Thu bên cạnh nhận được nhiều lời kết bạn, những lời ngợi khen nhan sắc thì cũng vướng nhiều thị phi khiến nhiều người ngao ngán.
Chỉ cần tra cứu trên trang tìm kiếm Google cụm từ khóa ‘cô giáo Minh Thu’, chỉ sau 0,44 giây cho ra khoảng 140.000.000 kết quả, tập trung ở 9 trang tìm kiếm của Google, đều liên quan đến người phụ nữ có tên là Trần Thị Minh Thu, sinh năm 1997, quê ở Nghệ An. Cô từng học lớp chuyên Vật lý tại Trường THPT Chuyên - ĐH Vinh (Nghệ An) đang theo học ngành Sư phạm Vật lý của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Được biết, Minh Thu đã nghỉ dạy ở trường quốc tế để tập trung cho công việc dạy học trực tuyến.
Có lẽ không cần nói thêm về lý do mà nhân vật này đột ngột ‘hot’ đến thế trên mạng xã hội cũng như truyền thông mấy ngày qua. ‘Cô giáo livestream’ dạy Vật Lý - Trần Thị Minh Thu trở thành hiện tượng mạng xã hội chỉ trong thời gian ngắn, khó tránh khỏi nhiều sai sót và còn rất nhiều điều phải thích nghi, học hỏi để ‘gánh’ được áp lực và kỳ vọng của dư luận dành cho ‘cô giáo livestream thế hệ GenZ’.
Trong vòng nửa tháng sau khi nổi tiếng trên mạng xã hội, cô gái sinh năm 1997 gặp phải nhiều ý kiến bình luận trái chiều. Cụ thể, dân mạng cho rằng Minh Thu vẫn chưa tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm Vật lý của ĐH Sư phạm nên chưa thể tự xưng là cô giáo. Minh Thu gây tranh cãi bởi cách giao tiếp chưa đúng chuẩn mực sư phạm với học sinh, có những biểu cảm, lời nói chưa phù hợp...
Tuy nhiên, cũng chính điều này đã khiến nhiều giáo viên, sinh viên ngành sư phạm xôn xao suốt mấy ngày qua. Cô Thu Quỳnh, giáo viên trường THPT Hưng Yên bức xúc: Vì sao danh xưng ‘giáo viên’ hay ‘nhà giáo’ có thể được sử dụng dễ dàng đến thế?
Chúng tôi được đào tạo bài bản từ các trường sư phạm, với những môn học về nghiệp vụ sư phạm quan trọng không kém kiến thức chuyên môn. Khi ra trường được tiếp nhận vào các cơ sở giáo dục, dù công lập hay ngoài công lập, nhưng đạo đức, tác phong và nghiệp vụ sư phạm vẫn luôn phải trau dồi, học hỏi, tập huấn qua từng năm học. Chúng tôi tự hào mình là nhà giáo được Nhà nước cũng như xã hội tôn vinh nghề ‘trồng người’. Và, một điều chắc chắn, dù chúng tôi công tác, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nước nhà đến hết cuộc đời này cũng không bao giờ trông chờ, mong muốn bản thân được ‘hot’ như trường hợp của người được ngộ nhận là ‘cô giáo’ kia.
Tuệ Minh, sinh viên trường ĐHSP Hà Nội chia sẻ: Sinh viên Sư phạm thì cũng được phép nói bậy, chơi game nhưng trước mặt học sinh điều này phải hoàn toàn cấm.
‘Mình nghĩ là một người bình thường thì nên tôn trọng những tiêu chuẩn của nghề giáo viên và là 1 người nổi tiếng thì càng nên tôn trọng những điều đó.
Công việc của giáo viên chứ không phải người làm trong ngành giải trí. Mình nghĩ chỉ nổi lên như một hiện tượng mà không đầu tư vào chuyên môn hay không mang lại giá trị thực thì mọi người cũng quên rất nhanh bởi sẽ luôn có hiện tượng mạng mới’ - Tuệ Minh cho hay.
Có thể thấy, xã hội phát triển từng ngày, từng giờ, nếu như ngày xưa, thầy - trò là mối quan hệ dựa trên sự kính trọng, yêu thương, dạy bảo, tình cảm, lễ nghi... thì mối quan hệ thày - trò ngày nay dựa trên nhiều thứ khác.
Tức là có nhiều kiểu thầy trò! Thầy - trò trong môi trường sư phạm, tức là cấp 1, 2, 3 và cao đẳng hay đại học. Thầy - trò trong môi trường xã hội. Thầy - trò trong môi trường của các trung tâm. Rồi thậm chí, trên mạng, tiktok hay từ những trang web trực tuyến, video trực tuyến thì có cả ‘thầy - trò ảo’. Như vậy, không thể đồng nhất khái niệm “thầy - trò” và đánh đồng nó ngang nhau được - Cô Thanh Hằng (giáo viên dạy Vật lý tại trường cấp 3 ở Hà Nội) cho hay.
Bản thân tôi cũng là một người từng đứng lớp trong nhiều khoá đào tạo ngắn hạn. Tôi nghiêm cấm ‘người học’ gọi tôi là ‘thầy’ vì tôi thấy như vậy là bất kính với những thầy cô đang dạy học ‘thực sự’ trong trường. Tôi thấy, tốt nhất nên gọi những người như tôi, như Minh Thu bằng một danh xưng khác, đừng kêu là thầy cô nữa.
Cô Thanh Hằng đưa ra ví dụ, chẳng hạn như ở nước ngoài, họ có ‘teacher’ (giáo viên) và ‘trainer’ (huấn luyện viên). Khi không gọi những người hướng dẫn tại các trung tâm là thầy cô giáo, ngay lập tức dư luận cũng không quàng lên họ những chuẩn mực đạo đức hết sức khắt khe như hiện tại. Nghề nào cũng có những chuẩn mực nhất định, đặc biệt là đối với nghề giáo. Chuẩn mực ấy, hàng đầu là việc không bao giờ có chuyện sử dụng ngôn từ chợ búa, thậm chí là rất vô giáo dục. Điều đó, chỉ có thể tồn tại ở những người ngụy danh, hay có thể nói là khoác ‘vỏ bọc’ nhà giáo.
Hiện tại trước sức ép của dư luận, Minh Thu đã gỡ bỏ mác ‘cô giáo’ trên trang cá nhân của mình xuống. Hi vọng 9x sẽ tự nhận thức được tầm ảnh hưởng của bản thân để có những hành động đúng mực, không làm ảnh hưởng đến người xem cũng như các bạn học sinh.