Đạo diễn Nguyễn Bá Vũ: Làm phim kinh dị rủi ro và nguy hiểm

Việt Quỳnh (thực hiện) 21/07/2019 08:00

Là người có nhiều bài viết phê bình điện ảnh trên báo chí thời gian hơn hai mươi năm, Nguyễn Bá Vũ (hiện đang sinh sống làm việc tại TP HCM) không phải là một nhà nghiên cứu hay một nhà báo, mà sự nghiệp chính của anh là làm đạo diễn.

Càng ngạc nhiên hơn, khi đạo diễn Nguyễn Bá Vũ lại say mê dòng phim kinh dị. Sau khi công chiếu phim “Ngủ với hồn ma”, vào tháng 8 tới phim “Cha ma” của anh sẽ được ra mắt công chúng.

Đạo diễn Nguyễn Bá Vũ: Làm phim kinh dị rủi ro và nguy hiểm

Đạo diễn Nguyễn Bá Vũ.

Tôi đang có nhiều câu chuyện kinh dị hay muốn kể lại trên màn ảnh, và hy vọng sẽ trung thành với thể loại này trong một thời gian dài. Tôi mong bộ phim “Cha ma” sắp tới sẽ được khán giả đón nhận, để giúp tôi thực hiện được mong muốn đó.

Trước đây khi làm việc cùng anh, tôi nghĩ anh là nhà nghiên cứu điện ảnh, vì các bài viết của anh về điện ảnh rất hay và cuốn hút…

Tôi chỉ là người mê phim, thích sưu tầm phim chứ không phải là nhà nghiên cứu, nghe lớn lao quá! Tôi xem phim rất nhiều và thường có cảm nhận và góc nhìn riêng về phim ảnh hơi khác mọi người một chút. Tôi không chú trọng về khía cạnh học thuật, hàn lâm, mà chỉ quan tâm đến chuyện người ta làm bộ phim ấy như thế nào. Nếu bạn thích một bộ phim nào đó, bạn hiểu được để ra được một bộ phim gian nan và khó khăn thế nào, bạn sẽ trân trọng các nhà làm phim và càng yêu bộ phim đó nhiều hơn. Có lẽ vì vậy mà những bài viết của tôi dễ đọc và gần gũi với mọi người hơn.

Điện ảnh đã trở thành con đường anh lựa chọn, cụ thể như thế nào?

Tôi xuất thân học sân khấu, khoa kịch nói Khoá 9 của Trường trung học Văn hoá Nghệ thuật (số 5, Nam Quốc Cang, Q.1). Dòng đời xô đẩy từ chính quy tôi trở thành học sinh… dự thính của khoá đào tạo diễn viên của Đoàn Kịch nói Cửu Long Giang (tiền thân của Nhà hát Kịch thành phố bây giờ). Thầy phụ trách là nghệ sĩ Thành Hội. Điều đặc biệt là thầy rất hay cho các học trò xem phim quốc tế để học tập (băng phim hồi đó hiếm lắm). Tôi bỗng thấy thế giới điện ảnh thật kỳ thú một cách lạ kỳ. Thế là khác các bạn cùng lớp, tôi xác định ngay từ lúc đó: Sân khấu không phải là đích đến của mình, mà nó là điện ảnh.

Vậy anh đến với việc viết về điện ảnh ra sao?

Khi xem một bộ phim mình thích, tôi nhớ rất kỹ từng chi tiết, thủ pháp trong phim… và những lúc tụ tập bạn bè tôi hay kể lại về bộ phim mà mình thích. Thế rồi lần nọ, sau nhiều lần nghe tôi nói chuyện về phim ảnh, có một anh bạn phụ trách mục điện ảnh cho báo “Thanh niên” bảo tôi viết ra những thứ mình vừa kể, nếu viết tốt anh sẽ đăng báo, có nhuận bút… Đời viết về điện ảnh của tôi bắt đầu như vậy đấy!

Làm thế nào để anh có kiến thức phong phú cũng như cái nhìn chuyên môn sâu về điện ảnh đến thế?

Phải đọc và xem phim nhiều thôi. Thời xưa đâu có internet, chỉ có sách báo phương Tây là nguồn kiến thức thôi. Phải tự update kiến thức cho mình chứ không còn cách nào khác. Tôi không phải nhà báo chuyên nghiệp nên việc viết lách không hề dễ dàng. Tuy viết chậm nhưng được cái tôi rất trách nhiệm với độc giả về thông tin mình đưa ra. Phim ảnh thế giới chẳng phải của riêng mình, nên ai cũng có góc nhìn riêng, vì thế viết ẩu là bị tẩy chay ngay. Tôi đã từng chứng kiến nhiều bạn bè đồng nghiệp, những bậc đàn anh cha chú… sưu tập lưu giữ những bài viết của tôi để làm tư liệu. Đó là những vinh dự không thể mua được bằng tiền, nên tôi không bao giờ muốn mất nó. Thời mà những bài điện ảnh của tôi còn đăng online (giờ tôi chỉ cho đăng trên báo giấy), tôi rất sửng sốt khi được biết nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã yêu thích và đưa những phim mà ông yêu thích, đặc biệt là nguyên loạt bài tôi viết về phim cao bồi Viễn Tây, về trang blog (hay web) cá nhân của ông!

Vì sao anh không nghĩ tới chuyện sẽ cho ra mắt một cuốn sách về điện ảnh?

Tôi viết về điện ảnh thế giới tính ra giờ cũng hơn 20 năm rồi, đã có nhiều người đề nghị tôi tập hợp lại những bài viết cũ để in sách, tựa đề sách cũng đã chọn rồi. Nhưng muốn ra sách thì phải biên tập lại tất cả các bài viết. Việc này phải mất rất nhiều thời gian, và chỉ mình tôi mới làm được. Bây giờ ưu tiên số 1 của tôi vẫn là làm phim. Việc ra sách chắc chắn sẽ làm khi tôi tạo được chỗ đứng trong ngành phim ảnh. Còn giờ thì vẫn chưa, vẫn phải cố gắng!

Tôi thực sự bất ngờ khi biết anh chuyển viết sang làm phim cho mình, mà bộ phim đầu tay của anh lại là phim ma?

Thực sự thì không có gì bất ngờ đâu, vì tôi đã tốt nghiệp khoá 1 đạo diễn điện ảnh ở Sài Gòn từ năm 1999. Nhưng vì đeo đuổi ước mộng làm phim kinh dị nên mãi mới có cơ hội đó thôi. Có lẽ tôi là người cuối cùng của khoá ấy làm phim đầu tay - mãi đến năm 2015 với bộ phim “Ngủ với hồn ma”.

Anh từng nói muốn làm phim ma một cách thuần Việt?

Việt Nam có một kho tàng chuyện ma, từ dân gian cho đến hiện đại, đầy màu sắc. Đời sống tâm linh của người Việt cũng rất phong phú. Thực sự thì tôi thích thể loại phim kinh dị nói chung, chứ không hẳn chỉ làm phim ma. Tôi không chắc phim ma của mình có thuần Việt hay không vì cái đó chỉ có khán giả mới nhận xét được. Thể loại kinh dị ở Việt Nam mới được chấp nhận gần đây, số lượng phim cũng chưa nhiều, nên mọi thứ chỉ ở bước khởi đầu, còn mới mẻ và bỡ ngỡ lắm!

Đạo diễn Nguyễn Bá Vũ: Làm phim kinh dị rủi ro và nguy hiểm - 1

Đạo diễn Nguyễn Bá Vũ chỉ đạo trên phim trường.

Sản xuất phim nói chung và phim kinh dị nói riêng đối với anh có những thuận lợi và khó khăn gì?

Làm phim kinh dị ở Việt Nam là đầy rẫy những rủi ro và nguy hiểm, không hề có thuận lợi mà chỉ có muôn vàn khó khăn. Rào cản lớn nhất chính là sự khắt khe của việc duyệt phim. Ma là một hiện tượng siêu nhiên, thực chất chỉ là một sản phẩm của tưởng tượng, mọi cấm đoán sẽ làm cho thể loại này không phát huy được thế mạnh của nó. Ta chấp nhận phim khoa học giả tưởng - đôi khi đầy rẫy sự phi lý - nhưng lại quá khắt khe đối với phim ma! Người làm phim cứ loay hoay không biết phải làm thế nào là được duyệt, thế nào là không… Làm không tới thể loại, khán giả quay lưng, thì phim ma Việt Nam sẽ không còn đất sống.

Anh chia sẻ thêm về trải nghiệm của anh khi làm phim?

Mỗi phim là một mối quan hệ mới, một sáng tạo mới. Cảm giác được hô hiệu lệnh bấm máy và cắt máy thật khó mà diễn tả thành lời. Làm một bộ phim nó giống như mình có con vậy. Phải thai nghén, phải mang nặng đẻ đau, rồi hồi hộp chờ nó chào đời, nó xinh nó đẹp (phim hay) thì được công chúng chào đón, nó xấu xí (phim không hay) thì bị khán giả quay lưng… Nhưng xấu hay đẹp thì mình cũng phải chấp nhận, vì nó là con của mình.

Với anh để ra đời một bộ phim thì khâu nào quan trọng nhất?

Một bộ phim giống như một cỗ máy vậy. Một người không thể làm ra được nó. Mọi khâu trong một bộ phim đều quan trọng như nhau, bởi một cỗ máy dù có hiện đại đến đâu, mà chỉ cần một sơ suất rất nhỏ cũng có thể huỷ hoại nó. Yếu tố con người là quan trọng nhất. May mắn chọn đúng người ta cần – ở mọi khâu – thì kết quả tốt đẹp sẽ đến.

Việc từng có thời gian dài làm phê bình điện ảnh có hỗ trợ nhiều khi anh trực tiếp làm phim không? Và như thế nào, thưa anh?

“Nói dễ hơn làm”. Viết phê bình phim và làm phim là hai thứ khác nhau như nước với lửa. Trước đây mình thường tìm tòi những điều hay, tôn vinh cái đẹp và những thứ tích cực của phim ảnh để đưa đến độc giả. Đến khi làm phim, những điều mình từng viết trên báo cũng giúp mình giảm thiểu các ý định làm những điều ngớ ngẩn trên màn ảnh.

Đạo diễn Nguyễn Bá Vũ: Làm phim kinh dị rủi ro và nguy hiểm - 2

Poster phim “Cha ma”.

Quan sát những gì anh đang làm, anh hướng mục đích đưa phim kinh dị của anh ra thị trường điện ảnh quốc tế?

Không chỉ tôi, mà bất cứ nhà làm phim nào cũng muốn phim của mình được ra thị trường điện ảnh quốc tế. Trong các thể loại thì phim kinh dị, phim hành động là dễ đi ra thị trường quốc tế nhất. Phim hành động thì tôi chỉ thích xem chứ không thích làm, vì nó tốn kém công sức và tiền của lắm. Phim kinh dị vừa sức tôi hơn, và nếu làm tốt thì khả năng đi ra thị trường ngoài nước là không khó.

Những bước đi của anh để đưa phim ra thị trường quốc tế là như thế nào?

Phim “Cha ma” của tôi (công chiếu 23/8/2019 tới đây) đã thoả thuận được với một đơn vị chuyên phát hành phim Việt ra nước ngoài trong thời gian 5 năm, độc quyền trên mọi nền tảng.

Anh có lời khuyên gì đến với các bạn trẻ đang muốn theo con đường điện ảnh?

Hãy chịu khó học hỏi bằng cách dễ nhất là… xem phim nhiều – để học hỏi chứ đừng copy nhé. Nếu có nghĩ ra được một cái gì đó hay ho thì nên viết ra, và tổ chức bấm máy luôn, vì ai mà chẳng sở hữu một chiếc máy quay điện thoại bên mình nhỉ?. Đó là những cách học làm phim dễ dàng và ít tốn kém nhất. Nếu có điều kiện một chút, thì nên theo các khoá học làm phim ngắn hạn. Ở đó bạn sẽ học được khối thứ hay ho, vì những người giảng dạy là những người đang trực tiếp làm phim, họ sẽ cho ta những kinh nghiệm quý giá mà ở trong trường điện ảnh chính quy không có đâu.

Xin cảm ơn anh và chúc cho các dự án về điện ảnh của anh thành công tốt đẹp!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đạo diễn Nguyễn Bá Vũ: Làm phim kinh dị rủi ro và nguy hiểm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO