Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư: Sức sống lan tỏa trong sự mất mát

Mai Lữ (thực hiện) 28/10/2021 08:00

Phim tài liệu “Ranh giới” với những hình ảnh xúc động về đội ngũ y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch, căng sức giành giật sự sống cho các sản phụ nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện Hùng Vương (TPHCM) đã khiến khán giả nghẹn ngào. Sau đó, “Ngày con chào đời” cũng đã lên sóng lấy bao nước mắt của khán giả. Người dành nhiều tâm sức hoàn thành hai bộ phim đó là đạo diễn Tạ Quỳnh Tư.

Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư.

Xác định cho tình huống nhiễm Covid-19

PV:Thưa anh, được biết ê-kíp phim “Ranh giới” chỉ có hai người, gồm đạo diễn và quay phim, thực hiện công việc trong 22 ngày. Anh chia sẻ gì về chuỗi thời gian cũng như áp lực công việc?

Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư: Thú thực là tôi không hề cảm thấy áp lực hay quá sức. Thời điểm dịch bệnh căng thẳng, Đài Truyền hình Việt Nam chủ trương cử ê-kíp vào TPHCM tác nghiệp, hỗ trợ thêm cho VTV9, chúng tôi ngay lập tức lên đường và khi vào thực tế thì mới quyết định chọn đề tài cụ thể trong bối cảnh đề tài lớn về dịch bệnh. Người bình thường mắc bệnh đã rất khổ sở rồi nhưng các thai phụ sẽ chịu nhiều đau đớn hơn và ngành y cũng áp lực gấp nhiều lần để giữ an toàn cho bà mẹ và trẻ em. Chúng tôi vào TPHCM ngày 31/7, sau khi liên hệ với bệnh viện Hùng Vương thì hôm sau tác nghiệp luôn và làm liên tục 15 ngày trước khi có những cảnh quay khác bên ngoài bệnh viện. Hoàn thành công việc, trong thời gian cách ly, chúng tôi tận dụng làm hậu kỳ để kịp tiến độ phát sóng.

Nhưng chắc chắn việc tác nghiệp trong điều kiện dịch bệnh sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với điều kiện thông thường?

- Chúng tôi xác định mình chỉ có quãng thời gian ngắn và cũng có thể nhiễm Covid-19 nên làm việc với tinh thần xông pha, càng nhanh càng tốt, để nếu nhiễm thì cũng hoàn thành xong bộ phim. Đây là điều rất thực tế, xác định từ khi chưa lên đường, vì không ai lường được trước dịch bệnh. Các y bác sĩ điều trị cho bệnh nhân Covid-19 cũng đã nhiễm rất nhiều, nhưng đặc biệt ở chỗ họ có tinh thần năng lượng thật mạnh mẽ, tiếp sức cho bệnh nhân và mọi người nên chính chúng tôi ngày nào cũng muốn vào làm việc, được cuốn theo bản lĩnh kiên cường, lòng hi sinh thầm lặng ấy. Suốt quá trình quay, ê-kíp cần nương vào tình huống thực tế để có cách xử lý phù hợp sao cho phim vừa bảo đảm yếu tố chân thực, khách quan, vừa không ảnh hưởng tới công việc của bệnh viện và tâm lý của bệnh nhân.

Cụ thể là ê-kíp đã xử lý các tình huống khó như thế nào?

- Khán giả xem phim sẽ nhận thấy có những nhân vật lộ mặt, và có nhân vật thì không. Bệnh viện rất ủng hộ và tạo điều kiện để chúng tôi tác nghiệp, song cũng đặc biệt lưu ý tới công tác phòng chống dịch, giữ an toàn, không làm ảnh hưởng tới công việc và lưu ý quyền hình ảnh của các y bác sĩ, bệnh nhân, thân nhân người bệnh. Chúng tôi thể hiện sự cẩn trọng và tôn trọng qua từng góc máy. Chỉ khi xin phép nhân vật và nhận được sự đồng ý chia sẻ hình ảnh, câu chuyện thì chúng tôi mới thực hiện bấm máy. Sau khi làm phim, tôi vẫn giữ liên lạc với đội ngũ y bác sĩ, chia sẻ về bộ phim trước khi phát sóng. Nữ hộ sinh khu K1 bị nhiễm Covid-19 và phải đi cách ly, một nhân vật trong phim, tôi có đến thăm hai mẹ con chị trong bệnh viện, chị luôn bày tỏ áy náy bởi lúc này bệnh viện đang quá tải còn mình lại ở đây. Bệnh viện có nhiều đóng góp hữu ích, tư vấn cho chúng tôi về những thuật ngữ chuyên môn, y học... Phần tiếp theo của “Ranh giới” với tên gọi “Ngày con chào đời” cũng vậy, chúng tôi giữ mối liên hệ với các nhân vật là bệnh nhân.

Anh suy nghĩ gì về những ý kiến bình luận xoay quanh vấn đề giữ hình ảnh cho các nhân vật ở hai bộ phim này?

- Các nhân vật của tôi hiện chưa phản hồi gì, chỉ có những ý kiến bình luận của người ngoài cuộc. Trên tinh thần tôn trọng mọi đóng góp, chúng tôi sẽ lắng nghe và tiếp nhận. Tuy nhiên, ở góc độ khai thác hình ảnh, đội ngũ làm phim rất biết ơn các nhân vật đã đồng ý chia sẻ, như vậy chúng ta mới có những thước phim lay động, lan tỏa mạnh mẽ để giúp mọi người dân cảm nhận được tận cùng nỗi đau và sức tàn phá của dịch bệnh, tiếp sức cho ngành y nỗ lực chống chọi và giành được sự sống cho mọi người. Tôi nghĩ, thời điểm này, nếu như ai cũng nói về quyền cá nhân, không chấp nhận chia sẻ thì sao có thể tạo nên một tổng thể đoàn kết, quyết tâm và chiến thắng.

Ê-kíp “Ranh giới” tác nghiệp trong Bệnh viện Hùng Vương.

Tin vào ngày mai...

Dữ liệu trong quá trình quay phim về dịch bệnh hẳn rất bộn bề, khi chắt lọc thành những tác phẩm với dung lượng có hạn, ê-kíp phim còn điều gì phải băn khoăn, tiếc nuối không?

- Thực sự cũng có rất nhiều điều tiếc nuối. Tiếc nuối ngay ở hiện trường và cả trong quá trình cân nhắc dữ liệu để đưa vào phim. Dù sao chúng tôi cũng đã cố gắng ở mức độ cao nhất và trong thời gian tốt nhất hoàn thành tác phẩm để phát sóng đúng giai đoạn dịch bệnh còn căng thẳng, công tác tuyên truyền cần được nâng cao. Tránh sao được băn khoăn, tiếc nuối, nhưng người làm nghề cần biết đến đâu là phù hợp. Có thể nói, suốt từ tiền kỳ tới hậu kỳ phim, tâm trạng tôi luôn đan xen giữa cảm xúc và lý trí. Có những khi cảm xúc lấn át, tôi đã rơi nước mắt. Lúc ở hiện trường phải quay mặt hướng khác và khóc; khi làm hậu kỳ ám ảnh từng khuôn hình; nhiều đêm mất ngủ nghĩ tới từng đoạn nối, cao trào...

Vậy có tình huống cao trào nào khiến anh hoàn toàn bất ngờ?

- Đó là tình huống ở cuối phim “Ranh giới”: Người cha cố gắng vào bệnh viện để được nhìn mặt con lần cuối nhưng không thực hiện được. Khi ấy, nữ điều dưỡng đã đưa ra những bức ảnh chụp con gái ông trong giây phút chiến đấu với dịch bệnh và trong khoảnh khắc trút hơi thở cuối cùng. Đây là chi tiết tôi không hề biết trước nên lúc quay thì cảm xúc vỡ òa. Sau đó, tôi có hỏi lại, các y bác nói rằng đó luôn là điều họ rất muốn làm nhưng không phải lúc nào cũng thực hiện được tính chất công việc và nhiều tình huống rất căng thẳng. Trước khi phim phát sóng, tôi có hỏi ý kiến bệnh viện, những “thiên thần áo trắng” đều xúc động khi nhớ lại khoảnh khắc ấy và cho rằng nên đưa vào phim vì ngay ở tình huống khổ đau, éo le nhất thì sự nhân văn vẫn là niềm an ủi với con người.

Với phim “Ranh giới”, khán giả có cảm xúc căng thẳng, ngột ngạt, nghẹn ngào... còn “Ngày con chào đời” sẽ mang đến điều gì?

- Bộ phim được coi như phần hai của “Ranh giới” sẽ có những quãng thở, tươi sáng và sức sống. Phim ghi lại hình ảnh các y bác sĩ nỗ lực trong công tác chuyên môn, nhân hậu trong tình cảm để những công dân nhỏ được chào đời an toàn khi mẹ nhiễm Covid-19. Đồng thời, bộ phim khắc họa một phần câu chuyện những đứa trẻ sinh ra trong mùa dịch sẽ thế nào. Bầu sữa, bàn tay, hơi ấm của mẹ những ngày đầu không có, các bé được chuyển sang khu chăm sóc đặc biệt và vẫn nhận được sự chăm sóc nhiệt tình, tận tâm của các lương y. Nhớ mong, quyết tâm, đoàn tụ... trong sự dở dang hay trọn vẹn thì đó vẫn là điểm nhấn, làm nên sức sống và giá trị nhân văn.

Qua các tác phẩm về dịch bệnh, anh muốn lan tỏa thông điệp gì?

- “Ranh giới” – như tên gọi của một tác phẩm trong số đó, tôi nghĩ rằng cuộc sống luôn có những ranh giới nhất định, song, khi có nghị lực, niềm tin, tình yêu thương sâu nặng thì con người vẫn vượt qua được mọi ranh giới theo một cách nào đó. Tôi biết ơn sâu sắc các y bác sĩ, các bệnh nhân và gia đình của họ đã phải chịu đựng nhiều gian khổ mà vẫn quyết định chia sẻ câu chuyện. Đây chính là sự hi sinh rất lớn giúp khán giả nhìn nhận được một phần thực tế khốc liệt, ý thức hơn về tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, thông qua những câu chuyện rất tình người. Qua đó, chúng ta có thể có cái nhìn khác hơn, sâu hơn khi cảm nhận được sức sống lan tỏa trong chính niềm mất mát.

Cảm ơn đạo diễn Tạ Quỳnh Tư!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư: Sức sống lan tỏa trong sự mất mát

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO