Đào tạo tiến sĩ: Không chạy theo số lượng

Hàn Minh 06/08/2022 14:00

Chỉ tiêu cho đào tạo tiến sĩ (TS) không ít, nhưng nhiều năm liền tuyển sinh không đạt. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), nguyên nhân là do yêu cầu đầu vào và chuẩn đầu ra cao hơn trước theo Thông tư số 08/2017/TT-BGDĐT.

Nhiều trường thừa chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ. Ảnh minh họa

Thừa chỉ tiêu hàng năm

Thống kê của Bộ GDĐT cho thấy, năm 2019-2020, chỉ tiêu cho tuyển sinh đào tạo trình độ TS là 5.111, tuy nhiên chỉ tuyển được 1.274 chỉ tiêu (tỷ lệ 24,93%). Trong khi đó, chỉ tiêu cho đào tạo trình độ thạc sĩ là 59.518 nhưng chỉ tuyển được 41.551 (tỷ lệ 69,81%).

Đến năm 2020-2021, chỉ tiêu cho trình độ đào tạo TS là 5.056 nhưng chỉ tuyển được 1.735 chỉ tiêu, đạt tỷ lệ 34,32%. Đối với trình độ thạc sĩ, chỉ tiêu là 56.069 nhưng cũng chỉ tuyển sinh được 40.640 chỉ tiêu, đạt tỷ lệ 72,48%.

Theo Bộ GDĐT, tỷ lệ tuyển sinh trình độ TS có phần suy giảm do yêu cầu đầu vào và chuẩn đầu ra cao hơn tại Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ TS ban hành kèm theo Thông tư số 08/2017/TT-BGDĐT. Giai đoạn này ứng viên phải có bằng thạc sĩ hoặc tốt nghiệp đại học (ĐH) loại giỏi, có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế và hai bài báo quốc tế đăng trên tạp chí uy tín; người hướng dẫn cũng phải có công bố quốc tế.

Tuy nhiên, đến ngày 15/8/2021, Bộ GDĐT đã ban hành quy chế mới với một số quy định được cho là "dễ" hơn như chấp nhận công bố khoa học trong nước bên cạnh các công bố quốc tế, cho dùng chứng chỉ quốc gia theo khung ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam để chứng minh trình độ ngoại ngữ thay vì chỉ được dùng chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOEFL. Cùng với quy chế mới, chỉ tiêu đào tạo trình độ TS năm học 2021-2022 tăng lên thành hơn 5.500, tuy nhiên Bộ chưa thống kê số tuyển được.

Ghi nhận thực tế tuyển sinh tại nhiều trường ĐH cho thấy, số lượng nghiên cứu sinh tuyển vào hàng năm đều rất thấp so với chỉ tiêu. Đơn cử, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM) từ năm 2018 đến 2021, số nghiên cứu sinh trúng tuyển vào trường giảm, trung bình mỗi năm trường chỉ tuyển được 1/3 chỉ tiêu. Các ngành đều có nghiên cứu sinh dự tuyển, riêng ngành ngôn ngữ Nga không có nghiên cứu sinh dự tuyển.

Tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM), số nghiên cứu sinh trúng tuyển TS các năm 2019, 2020, 2021 lần lượt là 37, 43, 62, trong khi chỉ tiêu hàng năm là 100.

Không chạy theo số lượng

Một xu hướng hiện nay, người học thường tìm đến các trường ĐH ở các tỉnh xa để học thay vì các cơ sở đào tạo có bề dày truyền thống vì việc học và nghiên cứu ở các trường này nhiều yêu cầu khắt khe hơn.

Tuy nhiên, từ góc nhìn của một nhà nghiên cứu giáo dục, GS. TS Nguyễn Đình Đức - Trưởng Ban Đào tạo – ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, TS không đạt chất lượng sẽ không tạo ra đội ngũ giáo sư, phó giáo sư chất lượng trong tương lai. Nền khoa học Việt Nam khi ấy sẽ xuống dốc nghiêm trọng bởi những lớp người yếu kém… Chạy theo số lượng mà hạ thấp tiêu chí chất lượng sẽ khiến tạo ra những TS dởm là điều mà cả xã hội không mong chờ và kỳ vọng.

Quy chế tuyển sinh và đào tạo các bậc sau ĐH mới được ban hành với những điều chỉnh căn bản theo hướng tăng tính tự chủ cho các trường ĐH. Nhiều điểm mới có tính đột phá như các cơ sở giáo dục ĐH được phép tổ chức tuyển sinh trực tuyến, không giới hạn số lần tuyển sinh trong năm và do cơ sở giáo dục ĐH chủ động quyết định, liên thông giữa các trình độ thông qua việc cho phép người học chuyển đổi tín chỉ đã học và đăng ký trước học phần ở trình độ ĐH...; bổ sung hình thức đào tạo vừa học vừa làm, cho phép đào tạo theo phương thức trực tuyến, không còn quy định thời gian đào tạo thạc sĩ từ 1 đến 2 năm….

Mới đây, ĐH Quốc gia Hà Nội đã tiên phong trong việc hỗ trợ học bổng cho các nghiên cứu sinh và thực tập sinh sau TS. Trường quyết định hỗ trợ học bổng lên đến 100 triệu đồng/năm cho các nghiên cứu sinh và 120 triệu đồng/năm cho các TS trẻ có năng lực nghiên cứu và công bố quốc tế xuất sắc. Đây là lần đầu tiên trong cả nước có một trường ĐH công lập tiên phong thiết lập và cấp học bổng cho hệ thực tập sinh sau TS. Mục tiêu là thu hút được nhiều nghiên cứu sinh giỏi, TS giỏi đến ĐH Quốc gia Hà Nội học tập, nghiên cứu. Đây là một hướng đi cần được khuyến khích để bổ sung đội ngũ TS chất lượng cho nền khoa học công nghệ nước nhà.

Bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GDĐT cho biết, Bộ luôn hướng tới hoàn thiện hệ thống văn bản chính sách nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo, tăng cường sự minh bạch, gia tăng vai trò giám sát của các bên liên quan trong quá trình đào tạo TS trên tinh thần thực hiện tự chủ ĐH và nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ sở đào tạo, đặc biệt là đội ngũ giảng viên, nhà khoa học theo Luật Giáo dục ĐH và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH.

Để nâng cao chất lượng đào tạo TS, các trường cần nâng cao tự chủ và trách nhiệm giải trình trong chuyên môn học thuật, tiếp tục tăng cường minh bạch thông tin về quy trình đào tạo TS để tranh thủ tiếp nhận và tổng hợp các phản biện xã hội và phản hồi của các bên liên quan về chất lượng đào tạo TS, khai thác triệt để lợi thế của công nghệ thông tin trong rà soát việc sao chép luận văn, luận án và thực hiện tốt liêm chính khoa học.

Song song với việc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng, Bộ GDĐT vẫn triển khai thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và cùng các bên liên quan giám sát việc thực hiện và giải trình của các cơ sở giáo dục ĐH. Bộ GDĐT luôn đánh giá cao quá trình giám sát, phản ánh và phản biện của xã hội, của cộng đồng khoa học.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đào tạo tiến sĩ: Không chạy theo số lượng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO