Đảo Tiên Nữ, nơi đón ánh bình minh đầu tiên của Tổ quốc

ĐOÀN XÁ 22/01/2023 09:00

Là địa điểm đặc biệt nhất trong các đảo ở Trường Sa (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa), đảo Tiên Nữ là hòn đảo xa nhất về phía Đông trong các đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đây không chỉ là nơi đón ánh bình minh mỗi ngày đầu tiên của Tổ quốc mà ngày mới của cán bộ chiến sỹ trên đảo cũng tới sớm hơn so với các nơi khác trên đất liền khoảng một giờ đồng hồ.

Đảo Tiên Nữ, hòn đảo xa xôi nhất cực Đông của Tổ quốc.

Cuộc sống nơi đảo chìm

Chúng tôi tới đảo Tiên Nữ vào một buổi sáng nhưng lúc này mặt trời đã lên khá cao. Từ xa xa, đảo hiện lên với gam màu vàng đậm đặc trưng rất nổi bật giữa màu nước biển xanh ngắt. Đảo nằm trên một dải đá san hô rộng.

Nằm ở trên rạn san hô và cách đảo khoảng vài cây số là ngọn hải đăng Tiên Nữ cao hơn hai mươi mét. Đây là ngọn hải đăng xa nhất phía cực Đông của Tổ quốc, không chỉ giúp các tàu thuyền chọn đúng hải trình trong đêm tối mà còn là cột mốc khẳng định chủ quyền vững chắc biển đảo của Tổ quốc.

Dù bắt đầu ngày mới sớm hơn so với đất liền khoảng một giờ đồng hồ nhưng thực tế cuộc sống của cán bộ chiến sỹ trên đảo bình thường như nhiều nơi khác. Tại nhà đa năng, nơi các cán bộ chiến sỹ sinh hoạt ăn uống, nghỉ ngơi và tập luyện thể dục thể thao còn có khá nhiều cây, hoa kiểng. Trên đảo khí hậu khắc nghiệt, thời tiết thường xuyên nắng nóng nên việc chăm sóc, duy trì cây hoa sinh trưởng được là một vấn đề lớn với cán bộ chiến sỹ trên đảo.

Trung sỹ Nguyễn Trần Quý, chiến sỹ công tác trên đảo Tiên Nữ cho biết hầu hết hoa cây kiểng trên đảo đều được các đoàn công tác từ đất liền đem ra vào dịp tết hàng năm. Tuy nhiên, những cây hoa trên đảo khó duy trì cuộc sống lâu vì điều kiện sống khắc nghiệt. Ngoài nắng nóng, gió biển đem hơi nước mặn cũng khiến lá và hoa nhanh chóng bị khô héo. Khác với đảo nổi có diện tích lớn, cây cối sinh trưởng tươi tốt, đảo chìm diện tích nhỏ và toàn bộ cây hoa kiểng đều được trồng trong chậu với lượng đất ít ỏi.

Mặc dù vậy, dạo một vòng quanh đảo Tiên Nữ, chúng tôi vẫn thấy những chậu rau cải, rau muống, mồng tơi, rau ngót của cán bộ chiến sỹ trên đảo khá xanh tốt. Chiến sỹ Quý bảo hơn một tháng chưa có cơn bão mạnh nào nên rau xanh trên đảo mới tươi tốt vậy. Mỗi ngày cán bộ chiến sỹ chia nhau tưới cây 3 lần vào mỗi bữa ăn để chúng được xanh tốt. Nếu các loại thực phẩm như thịt, cá, trứng... hiện nay được cung cấp khá đầy đủ và đều đặn từ đất liền thì rau xanh trên những đảo chìm vẫn là thực phẩm hiếm vào mùa sóng gió lớn. Nếu mùa khô, rau xanh được trồng nhiều hơn nhưng phải che chắn, làm màng lưới cũng như tưới và chăm sóc rất kỹ mới có thể sinh trưởng bình thường được. Dù có tủ đông lạnh nhưng các loại rau lá thường chỉ bảo quản được 1-2 tuần, các loại củ quả thì có thể bảo quản được lâu hơn nhưng nguồn cung rau chủ yếu vẫn là các cán bộ chiến sỹ tự túc gieo trồng bằng các loại hạt được đem từ đất liền ra.

Khi đi dạo một vòng trên đảo Tiên Nữ, tôi bắt gặp một chiếc lồng chim nhỏ đan bằng tre khá đơn giản, treo phía ngoài cửa sổ. Nhìn kỹ ở trong là một chú chim cu gáy. Khi thấy người, chú chim cất tiếng gáy cúc cu trầm trầm rất quen thuộc. Không chỉ ở đảo Tiên Nữ, nhiều đảo khác cán bộ chiến sỹ cũng có nuôi chim hay cá cảnh để vơi bớt nỗi nhớ nhà, nhớ gia đình trong thời gian công tác tại những hòn đảo xa ở Trường Sa. Những âm thanh quen thuộc như sợi chỉ làm gần hơn cuộc sống của đảo xa với đất liền.

Cột mốc chủ quyền trên đảo Tiên Nữ.

Thiêng liêng cột mốc chủ quyền

Những năm gần đây, khi đời sống xã hội ngày càng phát triển mạnh mẽ, mạng lưới hạ tầng giao thông đổi thay từng ngày thì chuyện người dân tiếp cận các địa điểm mang ý nghĩa như cực Bắc, cực Nam, cực Đông... trên đất liền đã không còn xa lạ. Hình ảnh những cụ già, em bé, cô cậu học sinh... đứng cạnh cột mốc chủ quyền, dưới lá cờ đỏ sao vàng chụp hình làm kỷ niệm, đăng trên mạng xã hội chia sẻ với bạn bè người thân đã là điều khá bình thường. Những cột mốc chủ quyền ấy không chỉ giúp các thế hệ thêm hiểu, yêu và trân trọng từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc mà còn giúp giữ vững chủ quyền biên giới. Tuy nhiên, vì điều kiện đặc biệt xa xôi mà rất ít người có thể đặt chân tới đảo Tiên Nữ. Tất nhiên, những người may mắn như chúng tôi đều không quên đứng cạnh cột mốc chủ quyền thiêng thiêng của hòn đảo.

Ông Lê Đình Hải - Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa (mới nghỉ hưu) chia sẻ với chúng tôi trong hải trình tới đảo Tiên Nữ rằng, hiện nay cuộc sống ở đảo chìm dù khó khăn hơn các đảo nổi nhưng nhờ sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước nên đã thay đổi rất nhiều. Trên đảo hiện đã có sóng điện thoại liên lạc, có nhà văn hóa đa năng, phòng đọc sách, trang thiết bị để tập thể dục thể thao... Ngoài ra, đảo cũng lắp đặt hệ thống năng lượng điện mặt trời đủ giúp cán bộ chiến sỹ trên đảo duy trì nguồn năng lượng thắp sáng, sinh hoạt.

Đặc biệt, do vị trí xa xôi nên đảo cũng là chỗ dựa vững chắc của nhiều ngư dân khai thác thủy sản trong vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa. Mỗi năm có hàng trăm lượt ghe thuyền đánh bắt hải sản của ngư dân các tỉnh miền Trung tới đảo ký giấy hỗ trợ để được hưởng chế độ trợ cấp xăng dầu với các ghe thuyền đánh bắt khơi xa theo Quyết định 48. Ngoài ra cán bộ chiến sỹ cũng nhiều lần cứu hộ, cứu nạn và phối hợp với các đảo khác để tìm kiếm các ngư dân không may bị nạn trên vùng biển Trường Sa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đảo Tiên Nữ, nơi đón ánh bình minh đầu tiên của Tổ quốc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO