Dập dịch Covid-19: Triệt để truy vết

Lê Vân 06/12/2020 07:34

Trước sự lây nhiễm của 4 bệnh nhân Covid-19 trong cộng đồng, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 chỉ đạo: Thần tốc và triệt để, không được để sót người tiếp xúc với người có xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính.

Ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp tỉnh, huyện, xã, các cơ quan, đơn vị có liên quan huy động tối đa mọi nguồn lực đảm bảo cho công tác truy vết nhanh, hiệu quả.

Lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19 với các trường hợp tiếp xúc gần người nhiễm bệnh tại TP HCM.

Thế nào là F1, F2 của người nhiễm nCoV?

Theo Thông tin từ Bộ Y tế, F1 là người tiếp xúc gần trong vòng hai mét với người nhiễm, thời gian tính từ ba ngày trước khi người nhiễm khởi phát bệnh đến lúc cách ly. Bộ Y tế quy định, ngày khởi phát của bệnh được tính là ngày có triệu chứng bất thường đầu tiên về sức khỏe mà bệnh nhân cảm nhận được. Triệu chứng có thể là một trong các biểu hiện sốt, mệt mỏi, đau người, gai người ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác, khứu giác, ho, đau họng... Nếu là người lành mang trùng, tức người không có triệu chứng gì, ngày khởi phát được tính là ngày lấy mẫu bệnh phẩm có kết quả xét nghiệm dương tính nCoV.

Diện tiếp xúc của tiếp xúc gần (F2) là người tiếp xúc gần trong vòng hai mét với F1, thời gian tính từ ngày đầu tiên F1 tiếp xúc với người nhiễm đến khi F1 cách ly y tế. Các bằng chứng hiện nay cho thấy Covid-19 lây qua đường tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bởi dịch tiết từ miệng và mũi, gián tiếp qua các vật dụng hoặc bề mặt bị nhiễm mầm bệnh. Dịch tiết bao gồm nước bọt, dịch tiết hô hấp hoặc các giọt bắn, phát xuất từ miệng hoặc mũi của người nhiễm bệnh khi họ ho, hắt hơi, nói hoặc hát. Người tiếp xúc gần với người đã nhiễm bệnh có thể mắc Covid-19 khi các giọt bắn nhiễm bệnh này thâm nhập vào miệng, mũi hoặc mắt của người tiếp xúc.

Nhiều người cũng băn khoăn vì sao F2 được chỉ định cách ly tại nhà? Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM, khả năng nhiễm nCoV của F2 phụ thuộc rất lớn vào kết quả xét nghiệm của F1. Nếu F1 âm tính, F2 sẽ được giải tỏa vì thời điểm F2 tiếp xúc gần với F1, F1 không có khả năng lây bệnh. Nếu F1 dương tính, F2 sẽ trở thành F1, khi ấy phải tiến hành các biện pháp phòng bệnh dành cho F1. Trong lúc chờ kết quả xét nghiệm của F1, để hạn chế khả năng lây nhiễm cộng đồng, F2 cần thực hiện đúng quy định cách ly tại nhà.

Với các tiếp xúc xa, tiếp xúc không rõ ràng về thời gian hoặc khoảng cách khi tiếp xúc bệnh nhân Covid-19, ví dụ sống cùng tầng trong tòa nhà hay cùng khu phố, đến cùng nơi mà bệnh nhân từng tới, được đánh giá là có nguy cơ lây nhiễm nhưng không cao. Để hạn chế tối đa nguy cơ lây lan, TP HCM xét nghiệm tầm soát mở rộng cho những trường hợp này.

Ở diện tiếp xúc không rõ ràng, ngành tế đánh giá nguy cơ của từng trường hợp để có những khuyến cáo phòng dịch phù hợp. Chẳng hạn, nếu tiếp xúc trong một không gian mở có nguy cơ thấp hơn không gian kín. Người từng đến phòng tập gym có nguy cơ cao hơn người đi ăn tại cùng một quán ăn thông khí tốt. TP HCM cũng lấy mẫu các học sinh, sinh viên tại các trường học có liên quan đến bệnh nhân Covid-19, nhằm giám sát mở rộng để đánh giá nguy cơ.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) TP HCM khuyến cáo, người dân không nên quá hoang mang tự đánh giá nguy cơ của mình dẫn đến xử trí chưa phù hợp. Bộ Y tế hiện nay chỉ quy định truy vết, xử trí tiếp xúc ở F1, F2. Một số trường hợp đang tự xếp mình thành F3, F4, F5... là không phù hợp với quy định của Bộ Y tế.

Ngành y tế tập trung điều tra, xử lý chính các trường hợp F1, F2 để kiểm soát được chuỗi lây truyền virus. Khi truy vết nhanh, xét nghiệm khẩn các F1 thì sẽ phát hiện sớm các trường hợp dương tính, từ đó khoanh vùng cắt đứt nguồn lây.

Theo PGS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Việt Nam đang thực hiện tốt chiến lược ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Vì vậy, truy vết là khâu rất quan trọng để phát hiện những người có thể lây bệnh. Thời gian qua, khi xảy ra ổ dịch tại các địa phương, bên cạnh những đội truy vết F1, F2 ở cơ sở, vẫn luôn có những đội truy vết bằng công nghệ thông tin để hỗ trợ. Các đội truy vết bằng nhiều phương pháp khác nhau đã góp phần nhanh chóng tìm ra F1, F2.

Tin tưởng hệ thống ứng phó Covid -19 ở Việt Nam

Ngày 3/12 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì cuộc họp nhóm đối tác Y tế 2020 với chủ đề: Hợp tác và đối tác trong phòng chống đại dịch Covid-19, sẵn sàng ứng phó với các làn sóng tiếp theo.Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam đồng chủ trì cuộc họp.

Tiến sĩ Kidong Park cho biết, WHO sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Bộ Y tế Việt Nam trong thời gian tới để Việt Nam trở thành quốc gia khỏe mạnh và an toàn trên thế giới. WHO tái khẳng định hệ thống ứng phó Covid -19 ở Việt Nam đang vận hành rất tốt.

Theo Tiến sĩ Kidong Park, nhằm tiếp tục ngăn ngừa và ứng phó Covid -19, cần chuẩn bị cho hệ thống y tế sẵn sàng ứng phó với các ổ dịch; duy trì các dịch vụ y tế thiết yếu và bảo vệ những vùng dân cư dễ bị tổn thương; tiếp tục lưu tâm tới các bệnh truyền nhiễm mới nổi và bệnh không lây nhiễm; chuẩn bị sẵn sàng cho vaccine Covid -19; giảm thiểu tác động kinh tế-xã hội của đại dịch Covid -19; quan hệ đối tác hiệu quả và hợp tác để ngăn chặn các mối đe dọa sức khỏe toàn cầu trong tương lai. “Thông qua những nỗ lực này, chúng ta có thể xây dựng các hệ thống ứng phó và mang tính chống chịu để hướng tới bao phủ y tế toàn dân và đưa ra quyết định cân bằng làm thế nào có thể chung sống an toàn cùng Covid -19”.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, việc để người dân tiếp cận vaccine Covid -19 sớm nhất, an toàn hiệu quả nhất là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ Việt Nam. Hiện Việt Nam đang liên tục trao đổi đàm phán với các đối tác về cung ứng vaccine Covid -19. Việt Nam cũng sẽ tạo điều kiện cắt giảm thủ tục hành chính tối đa nhanh nhất theo quy trình khẩn cấp nhưng vẫn đảm bảo đặt an toàn vaccine lên hàng đầu. “Việt Nam có hệ thống tiêm chủng mạnh và đang tạo mọi điều kiện cho nghiên cứu sản xuất vaccine Covid -19. Đã có những tín hiệu khả quan trong thử nghiệm tiền lâm sàng đối với vaccine Covid -19 do Việt Nam sản xuất…” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ Y tế đã có công văn số 6649/BYT-KCB gửi các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Y tế các bộ, ngành, các bệnh viện thuộc trường đại học về việc tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19 tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Theo đó, đối với bệnh viện cần rà soát, đánh giá lại toàn bộ các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo các văn bản, chỉ thị, chỉ đạo, Bộ tiêu chí bệnh viện an toàn của Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế và Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã ban hành. Các bệnh viện thực hiện nghiêm khâu sàng lọc, phân luồng, cách ly và cho xét nghiệm toàn bộ các trường hợp nghi ngờ; tuyệt đối không để lọt những người nguy cơ xâm nhập vào bên trong bệnh viện. Bên cạnh đó rà soát các khoa có người bệnh có nguy cơ cao như hồi sức tích cực, khoa điều trị người cao tuổi, chạy thận nhân tạo, tim mạch, hô hấp...; kiểm soát chặt người vào - ra, không để hoặc hạn chế tối đa việc người nhà người bệnh chăm sóc…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dập dịch Covid-19: Triệt để truy vết

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO