Đất quanh dự án sân bay Long Thành: Lại sốt ảo

Nguyễn Hữu Vinh 08/08/2020 09:00

Người dân, nhà đầu tư tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai những ngày qua không khỏi bất ngờ trước tình trạng “tăng phi mã” của bất động sản. Thị trường nhà đất đã lao đao, “trùm mền” do dịch bệnh thì cơn sốt đất nơi này là rất bất thường.

Hoạt động mua bán đất quanh dự án sân bay Long Thành đang sôi động trở lại.

Khoảng 10 năm trước, thông tin huyện Long Thành sẽ triển khai dự án hạ tầng giao thông lớn của vùng, quốc gia đã khiến đất khu vực này lên cơn “sốt” nhưng rồi chỉ kéo dài được ít năm sau đó. Các dự án triển khai chậm, nhà đầu tư rủ nhau bán ra để thu hồi vốn. Khi đó giá đất rơi tự do và đóng băng.

Giá đất tăng vì đâu?

Tuy nhiên, từ năm 2015, trước thông tin Quốc hội chính thức bấm nút thông qua việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) lại một lần nữa khiến thị bất động sản (BĐS) khu vực này “dậy sóng”.

Từ cuối năm 2019 đến nay, bất chấp tình hình dịch bệnh Covid-19 nhưng giá BĐS tại đây vẫn tăng, có một số dự án tăng 20% mặc dù giao dịch không mấy nhộn nhịp.

Ngày 7/8, trò chuyện với chúng tôi, nhân viên tên Nguyễn Ngọc Bảo, hiện đang làm việc cho một công ty BĐS tại Long Thành cho hay, giá đất khu vực xung quanh dự án sây bay có xu hướng tăng mạnh kể từ năm 2017. Đặc biệt, vào các năm 2018-2019 giá đất khu vực gần dự án sân bay Long Thành còn tăng hơn 35%. Riêng tại các khu vực phụ cận phía Nam sân bay để phát triển dịch vụ tăng liên tục trong thời gian ngắn.

Ghi nhận tại một số địa phương ở huyện này không khó để bắt gặp các các trung tâm môi giới BĐS “mọc” lên như nấm sau mưa. Người dân cho biết, thực trạng này góp phần làm “cơn sóng” sốt đất chưa có chiều hướng dừng lại. Dọc theo những con đường nhỏ chi chít ổ gà, cỏ cây hoang vắng khắp vùng Long Thành treo đầy biển chào bán, nhận ký gửi nhà, đất của các “sàn” môi giới.

Những thông tin thiếu kiểm chứng đang được giới cò đất đồn thổi, khiến thị trường BĐS Long Thành rơi vào hỗn loạn. Ông Trần Chiến (65 tuổi, người dân địa phương) chia sẻ: “Tôi sinh sống ở đây từ nhỏ, chưa bao giờ thấy giá đất lên cao như vậy. Ngày xưa đất đai xung quanh khu vực dự án đó đều là đồng không mông quạnh nên giá rất rẻ, chỉ khoảng vài trăm nghìn đồng/m2. Giá đất hiện nay tăng mạnh theo tôi cũng một phần cũng do “cò” về đây thổi lên”.

Không chỉ vậy, thông tin rao bán đất đai “ăn theo” dự án sân bay Long Thành cũng xuất hiện dày đặc trên mạng. Theo quảng cáo, giá thị trường đất nằm xung quanh dự án sân bay được giới thiệu với giá thấp nhất từ 1,2 tỷ đồng - 1,5 tỷ đồng/sào (1 sào tương đương 1.000 m2); hơn 2 tỷ đồng - 3 tỷ đồng tùy vị trí (mặt tiền đường Hương Lộ 10, đoạn qua xã Bình sơn, xã Suối Trầu cũ, xã Cẩm Đường cũ).

Cảnh báo hệ lụy xấu

Về câu chuyện tăng giá đất ở Long Thành và vùng ven hiện nay, các chuyên gia BĐS nhận định, có thể nói đây là kết quả của hàng loạt động thái “bơm - thổi” của giới “cò” đất, tạo giao dịch ảo, khan hiếm giả để kích thích vào lòng tham của các nhà đầu tư. Để đạt được mục đích, giới cò đất có thể tạo sóng bằng những tin đồn bắt đầu từ các thông tin về quy hoạch, đầu tư hạ tầng của các địa phương hoặc dựa theo các dự án BĐS lớn, mới quy hoạch. Sau khi sử dụng thông tin giả, tạo được tin đồn thì giới cò đất bắt đầu tiếp cận nhà đầu tư thông qua mạng xã hội, hoặc tư vấn trực tiếp về xu hướng “đón đầu quy hoạch” nhằm tạo lòng tin cho nhà đầu tư.

Để quảng cáo cho khách hàng, giới “cò” đất đã vẽ ra những thông tin như, gộp Long Thành về TP HCM, sẽ xây dựng khu văn phòng tòa nhà Quốc hội phía Nam quy mô 42ha, KCN Long Đức mở rộng 292ha, Đại học Giao thông Vận tải 28ha, Đại học An Ninh 23ha, Đại học Kinh tế kỹ thuật Phương Nam 25ha tại Long Thành để quảng cáo. Thế nhưng, UBND tỉnh Đồng Nai đã khẳng định, thông tin sáp nhập các huyện của tỉnh Đồng Nai trong đó có sân bay Long Thành vào TP HCM là không có thực.

Giá đất nền ở nhiều khu vực đang bị đầu nậu “thổi giá” tăng cao bất thường so với giá trị thực tế của lô đất, dẫn đến nhiều rủi ro đang tiềm ẩn với các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, việc sốt đất cũng dẫn tới khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý thị trường, quy hoạch, đền bù.

Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, chuyên gia BĐS Phan Công Chánh cho rằng, bản thân Sân bay Long Thành có sức hút lớn. Nhưng cái đó đang nằm ở tương lai, còn câu chuyện hiện tại thì người đầu tư phải xác định rõ dài hạn chứ không thể ngắn hạn được, tầm nhìn 5 năm trở lên.

“Vấn đề thổi giá, đối với những nhà đầu tư đã dày dặn kinh nghiệm, trải qua những thăng trầm của thị trường thì người ta đã có sự cẩn trọng, còn những nhà đầu tư mới họ thường hăm hở, nhiều khi “máu me” có lợi trong ngắn hạn, cái đó rất nguy hiểm, nhất là những nhà đầu tư thiểu hiểu biết”, ông Chánh khuyến cáo.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai, đối với dự án sân bay quốc tế Long Thành, tỉnh đã thành bàn giao 100% diện tích 2 khu tái định cư cho Ban Quản lý dự án để triển khai xây dựng hạ tầng khu tái định cư. Khu vực ưu tiên (1.810 ha) bao gồm 630 ha đất của 1.007 hộ gia đình, cá nhân sử dụng, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Long Thành đã hoàn thành công tác kiểm đếm. Phần còn lại là 1.180 ha của Tổng Công ty Cao su Đồng Nai đã được phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ. Những tháng cuối năm 2020, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường cán bộ biệt phái cho Long Thành để thực hiện hoàn thành phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ toàn bộ diện tích 5.000 ha trong năm 2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đất quanh dự án sân bay Long Thành: Lại sốt ảo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO